Đồng bằng sông Cửu Long 'khát' các bác sỹ chuyên ngành hiếm

Cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đến 13 Trung tâm Pháp y, nhưng chỉ có 4 bác sỹ chuyên ngành pháp y, còn lại là bác sỹ chuyên khoa khác.

Lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ trì hội nghị. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ trì hội nghị. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Tại hội nghị “Đào tạo nhân lực y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng năm 2018” do Trường Đại học Y dược Cần Thơ phối hợp với 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Cần Thơ vào chiều 7/8, nhiều tỉnh trong vùng phản ánh thiếu trầm trọng bác sỹ chuyên ngành hiếm và xin thêm chỉ tiêu đào tạo các chuyên ngành này.

Theo thống kê, hiện 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 160 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, đa khoa khu vực, đa khoa tỉnh và bệnh viện chuyên khoa; trong đó có 21 bệnh viện phục vụ 5 chuyên ngành hiếm như: lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Việt An, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đến 13 Trung tâm Pháp y, nhưng chỉ có 4 bác sỹ chuyên ngành pháp y, còn lại là bác sỹ chuyên khoa khác.

Bên cạnh đó, cả khu vực có 8 bệnh viện lao và phổi tỉnh đi vào hoạt động từ lâu, nhưng số bác sỹ chuyên ngành hiếm đến công tác lại khá ít, nhiều tỉnh chỉ có 1-2 bác sỹ.

Đặc biệt, nhiều tỉnh cũng đang đối mặt với thực trạng không đủ bác sỹ chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ chuyên ngành u bướu của bệnh viện tỉnh.

Tại hội nghị, nhiều tỉnh trong vùng cho rằng, nhiều năm qua các bệnh viện tỉnh thiếu trầm trọng bác sỹ các chuyên ngành hiếm. Lý giải cho thực trạng thiếu hụt này, nhiều tỉnh cho rằng một số bác sỹ đến tuổi về hưu, một số thì bỏ việc, trong khi nguồn nhân lực ngành hiếm lại khó tuyển dụng, dẫn đến tình trạng nhiều năm nguồn nhân lực ngành hiếm thiếu trước hụt sau.

Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho biết tỉnh đang “khát” nhân lực các ngành hiếm, nhất là khi khoa lao và phổi tách ra khỏi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thành Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi chỉ có 7-8 bác sỹ, trong khi nhiều chỉ tiêu đang đào tạo chưa về nhận việc, nên nguồn nhân lực ngành hiếm không thể đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh.

Ông Lê Hoàng Anh kiến nghị Đại học Y dược Cần Thơ cần nghiên cứu phân bổ cho Kiên Giang thêm chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng các ngành hiếm để tỉnh có đủ nguồn nhân lực cho các ngành hiếm trong tương lai.

Ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang cũng chỉ ra thực trạng mà tỉnh An Giang đang đối mặt. Cụ thể, trong khi An Giang đang thiếu bác sỹ chuyên ngành hiếm thì nhiều sinh viên được đào tạo theo địa chỉ sử dụng chuyên ngành này sau khi tốt nghiệp lại thay đổi, không chịu về tỉnh công tác và chấp nhận bồi thường để tự do tìm việc. Từ đó, nguồn nhân lực y tế các ngành hiếm của An Giang liên tục thiếu hụt.

Ông Tuấn cũng kiến nghị Đại học Y dược Cần Thơ tăng chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng các ngành hiếm để An Giang có đủ nhân lực công tác trong các lĩnh vực này.

Chung cảnh ngộ với Kiên Giang, An Giang, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng... cũng chia sẻ tỉnh đang “khát” nguồn nhân lực công tác trong các ngành hiếm như: lao, tâm thần, pháp y... Vì vậy, các tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Đại học Y dược Cần Thơ cho các tỉnh thêm từ 1-4 chỉ tiêu/năm đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ sử dụng các chuyên ngành hiếm.

Các tỉnh cũng kiến nghị Đại học Y dược Cần Thơ thời gian tới tiếp tục duy trì các chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng các chuyên ngành hiếm để đáp ứng nguồn nhân lực cho các tỉnh trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đại diện Đại học Y dược Cần Thơ cho biết thực trạng thiếu nguồn nhân lực ngành hiếm của các tỉnh trong khu vực đã tồn tại nhiều năm nay. Từ năm 2015 đến nay, theo nhu cầu của các tỉnh, thành trong vùng, trường đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế để được giao chỉ tiêu đào tạo ngành hiếm theo địa chỉ sử dụng và phân bổ đều theo nhu cầu các tỉnh.

Theo tính toán, nhu cầu đào tạo 5 chuyên ngành hiếm của 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long trung bình khoảng 250 bác sỹ/năm, trong đó, ngành hiếm có nhu cầu cao nhất là lao, ngành có nhu cầu thấp hơn là giải phẫu bệnh và pháp y.

Dự kiến, từ năm 2016-2020, Đại học Y dược Cần Thơ sẽ đào tạo cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 1.253 bác sỹ 5 chuyên ngành hiếm. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng cho các tỉnh trong 4-5 năm, đảm bảo hoạt động cho các lĩnh vực chuyên ngành hiếm.

Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực đối với chuyên ngành hiếm của các tỉnh, Đại học Y dược Cần Thơ cho biết năm 2018 trường sẽ đào tạo cho 13 tỉnh 242 chỉ tiêu ở 5 chuyên ngành hiếm như lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh. Trong số đó, Kiên Giang nhiều nhất với 35 chỉ tiêu, tiếp đến là Đồng Tháp với 28 chỉ tiêu, An Giang ít nhất với 9 chỉ tiêu.

Riêng các kiến nghị xin tăng chỉ tiêu đào tạo ngành hiếm theo địa chỉ sử dụng của các tỉnh, Đại học Y dược Cần Thơ sẽ xin ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và sẽ trả lời cho các tỉnh./.

Thanh Sang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dong-bang-song-cuu-long-khat-cac-bac-sy-chuyen-nganh-hiem/517865.vnp