Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với hạn, mặn - Bài cuối: Ứng phó dài hơi

Để ứng phó với hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học và chính quyền tiếp tục tìm các giải pháp trước mắt và lâu dài vì mục tiêu phát triển bền vững.

Mùa khô kéo dài, nhiều hệ thống kênh rạch ở Cà Mau khô cạn, trơ đáy. Ảnh: Trung Kiên.

Sử dụng nguồn nước hợp lý

Nguồn nước ngọt của vùng ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước đến từ thượng nguồn sông Mê Kông (chiếm 94% tổng lượng nước của ĐBSCL). Trong khi đó các hoạt động khai thác phía thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông đang là một nguy cơ, thách thức trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bến Tre cho biết: Các ngành, các cấp địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre về công tác phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024; đồng thời tiếp tục đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn, kịp thời thông tin đến người dân cũng như tham mưu, đề xuất giải pháp phòng chống, ứng phó phù hợp.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ thông tin: Vào mùa khô hàng năm, hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra tại vùng ĐBSCL. Thời gian qua, các địa phương, người dân vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng và đạt được những kết quả quan trọng. Đơn cử như các địa phương đã đưa vấn đề nông nghiệp thuận thiên theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL với biến đổi khí hậu vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; tổ chức quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước ngọt, mặn, lợ, mặn;… Còn người nông dân cũng đã linh hoạt chuyển đổi mô hình từ độc canh cây lúa sang sản xuất đa dạng về loại cây, con vật cho phù hợp với thời tiết, nguồn nước; tận dụng nguồn nước mặn để nuôi tôm, cua; chủ động tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra trên diện rộng tại vùng ĐBSCL, để thích ứng chính quyền địa phương và người dân trong vùng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp như đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời cũng cần phải xác định cụ thể thứ tự ưu tiên đảm bảo nguồn nước. “Theo tôi, ưu tiên thứ nhất là đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân; thứ hai là nguồn nước để phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thứ ba là nguồn nước đảm bảo tưới cho các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, nhãn, vú sữa… Thứ tư mới tới nguồn nước phục vụ sản xuất lúa, rau màu…” – ông Tuấn chia sẻ.

Cánh đồng lúa dọc Quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc huyện Long Phú, Sóc Trăng khô hạn đang chờ nước để vào vụ mới.

Cần có những kế hoạch dài hơi

Tại Hội thảo Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL diễn ra tại TP Cần Thơ đầu tháng 5/2024, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nguồn nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Để giải quyết vấn đề thiếu nước, cần vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng, hạn chế thiệt hại. Tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước; có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, tránh lãng phí nguồn nước ngọt. Rà soát lại diện tích cây trồng và khuyến cáo thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra; triển khai các phương án ngăn mặn, giữ ngọt, tiết kiệm nước tưới.

Về kế hoạch dài hơi, ông Hiếu cho rằng: Đầu tư phát triển các ngành phải tuân thủ các quy hoạch liên quan đến vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, đặc biệt lưu ý định hướng phát triển các ngành phù hợp với các vùng sinh thái (nước mặn, nước lợ, nước ngọt) đã chỉ ra trong các quy hoạch và Nghị quyết 120 của Chính phủ. Xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước sông Cửu Long, căn cứ kịch bản nguồn nước, các Bộ NNPTNT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước nhằm chủ động nguồn nước cho sản xuất, và nhất là nước cho sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Có kế hoạch phân phối nguồn nước để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, cũng như việc khai thác, sử dụng nước của các quốc gia phía thượng nguồn sông Mê Kông, nhằm tối ưu hóa lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại. Nghiên cứu, triển khai các phương án, các giải pháp tích trữ nước ngọt với quy mô phù hợp với ĐBSCL, để tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt, điều tiết nguồn nước… Hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước vùng ĐBSCL. Đồng thời, tăng cường năng lực dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là dự báo ngắn hạn 10 ngày, theo tháng, theo mùa.

Về vấn đề này, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết: Qua theo dõi, từ đầu mùa khô 2023-2024 đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn đã diễn ra ở hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL. Thiệt hại gây ra cho người dân là có nhưng không cao như mùa khô 2015-2016; 2019-2020. Điều này cho thấy các địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó từ sớm; triển khai các đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên; xây dựng các vùng chuyên canh theo sinh thái nguồn nước ngọt, mặn, lợ… Đối với người dân, chủ động tích trữ nước từ cuối mùa mưa trong các lu, kênh, mương để phục vụ sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi những tháng diễn ra khô hạn, mặn xâm nhập; chuyển đổi đất sản xuất 2 vụ lúa, 3 vụ lúa/năm sang sản xuất theo mô hình lúa tôm; lúa- cây màu. Về lâu về dài, các bộ, ngành cần triển khai quy hoạch cấp nước cho vùng ĐBSCL thông qua việc xây dựng các nhà máy bơm nước mặn từ sông lớn qua hệ thống đường ống dẫn nước thô về các nhà máy xử lý, đặc biệt là những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước để cung cấp lại cho người dân sinh hoạt. Mặc dù chi phí xây dựng nhà máy, đầu tư đường ống dẫn nước cao hơn nhưng sẽ là giải pháp tối ưu khi giảm tối đa thất thoát nguồn nước, ít mất đất và ít ô nhiễm.

Trung Kiên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-bang-song-cuu-long-ung-pho-voi-han-man-bai-cuoi-ung-pho-dai-hoi-10279568.html