Đồng bằng Sông Cửu Long và những cây cầu thắm tình hữu nghị

Vùng đất 'Chín Rồng' bao đời cách trở, người dân hết 'lụy đò' tới 'lụy phà' khi muốn qua sông. Nhiều năm qua, Nhà nước với ngân sách eo hẹp, đã kêu gọi, mời gọi nhà đầu tư, tài trợ, làm nên những cây cầu có ý nghĩa 'bứt phá' về KT-XH, lại nặng nghĩa, thắm tình ở vùng sông nước Tây Nam.

1. 19 năm trước, cầu Mỹ Thuận vắt ngang qua sông Tiền đã chính thức khánh thành, thỏa niềm mơ ước bao đời của người dân Tây Nam Bộ, cho tới tận hôm nay. Cầu Mỹ Thuận dài hơn 1.500m2, với 4 làn xe cơ giới nối 2 tỉnh Tiền Giang – Vĩnh Long trên tuyến QL1, do Chính phủ Australia viện trợ (90 triệu AUD, tương đương 75 triệu USD), hỗ trợ thiết kế, thi công. Cầu được khởi công vào ngày 6/7/1997 và khánh thành vào 21/5/2000.

Ý nghĩa giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) càng được thể hiện rõ, bởi chỉ một năm sau khi chiếc cầu được đưa vào sử dụng, thu nhập của người dân hai bên bờ sông đã tăng lên 30%, là sự mở đường cho sự xuất hiện của hàng loạt cây cầu quan trọng sau đó.

Cầu Vàm Cống có tổng đầu tư hơn 5.687 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam - Ảnh. SGGP

Thêm nữa, cầu Mỹ Thuận còn được coi là dự án đánh dấu giai đoạn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cấp chính phủ được thiết lập giữa Australia và Việt Nam, là biểu tượng hữu nghị của quan hệ giữa hai nước, là sự mở đường của hàng loạt cây cầu có ý nghĩa lớn sau này.

2. QL1 đã “thông” tới Vĩnh Long, nhưng “Tây Đô” còn bị ngăn trở bởi con sông Hậu. Để kết nối với TP. Cần Thơ, thủ phủ vùng ĐBSCL, ngày 25/9/2004, cầu Cần Thơ chính thức được khởi công, tổng đầu tư 342.6 triệu USD (thời điểm năm 2001) từ nguồn vốn ODA Chính phủ Nhật Bản tài trợ và vốn đối ứng 15% từ Chính phủ Việt Nam.

Cầu Cần Thơ dài 2.750m (phần đường dẫn dài 153.850m) do Nhật Bản thiết kế và thi công. Sau hơn 6 năm xây dựng, cầu được đưa vào khai thác tháng 4/2010, rút ngắn thời gian đi tuyến TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ (180km) từ 6 giờ (tính cả thời gian đợi phà) xuống còn hơn 3 giờ đồng hồ.

Việc cầu Cần Thơ thông xe đã kết nối toàn bộ tuyến đường quốc lộ 1 từ TP. Hồ Chí Minh về đến Cà Mau, đã mở bung cánh cửa cho vựa lúa, vựa cá ĐBSCL ra cả nước, đã trở thành động lực phát triển cho 7 tỉnh vùng Tây sông Hậu.

Cầu Cần Thơ giúp rút ngắn thời gian đi tuyến TP.HCM - Cần Thơ từ 6 giờ xuống còn hơn 3 giờ đồng hồ - Ảnh. Hải Yến

3. Sau khi cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ thông xe và phát huy giá trị, nhưng tác dụng lớn nhất vẫn là kết nối trục QL1. Trong khi đó, khu vực phía Tây, vùng Tứ giác Long Xuyên vẫn còn cảnh “lụy” đò, “lụy” phà, đáng kể nhất là phà Cao Lãnh với ngót trăm năm đưa rước khách qua sông.

Và cũng trên sông Tiền, sau 18 năm cầu Mỹ Thuận ra đời, ngày 27/05/2018, cầu Cao Lãnh đã chính thức khánh thành, với chiều dài hơn 2km nằm trong tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống qua địa phận huyện Cao Lãnh, TP. Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), được thiết kế gồm 4 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ.

Cầu có tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Việt Nam.

Cầu Mỹ Thuận, biểu tượng hữu nghị của quan hệ giữa hai nước Australia và Việt Nam - Ảnh. Tedi

4. Vùng Tứ giác Long Xuyên, sau khi bài toán giao thông trên sông Tiền được “giải” bởi cầu Cao Lãnh, thì trên sông Hậu, phà Vàm Cống ra đời từ năm 1925 vẫn mải miết đưa rước khách, thường xuyên quá tải, ùn ứ.

Từ đó, Bộ GTVT đã đề xuất kế hoạch phát triển giao thông ĐBSCL trong đó có xây dựng cầu Vàm Cống và được Chính phủ phê duyệt. Tới 10/9/2013, cầu Vàm Cống chính thức được khởi công, khánh thành vào 19/5/2019, là cầu thứ 2 bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (Cần Thơ). Cầu có chiều dài 2.970m, tổng đầu tư hơn 5.687 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.

Cầu Cao Lãnh được xây dựng nhờ vốn viện trợ của Australia, vốn vay của ADB và vốn đối ứng của Việt Nam.

Cùng với cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống sẽ chia sẻ áp lực cho cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ, trong tương lai sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, song song với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP. Hồ Chí Minh đi Trung Lương, Mỹ Thuận, Cần Thơ hiện hữu.

Đáng chú ý, sau “phát pháo mở màn” của cầu Mỹ Thuận, sau khi các chuyên gia quốc tế “chinh phục” được 2 con sông lớn nhất của sông Mê Kông đoạn vào Việt Nam (sông Tiền và sông Hậu), nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong nước đã tiếp bước, ghi được dấu ấn.

Đó là cầu Rạch Miễu do đội ngũ kỹ sư và công nhân Việt Nam thực hiện, hoàn thành vào 19/1/2009, xóa vị trí “ốc đảo” của Bến Tre với thế giới bên ngoài. Đó là hàng loạt những cây cầu Hàm Luông, Cổ Chiên, Năm Căn, Cái Lớn,… đã lần lượt thông xe. Đó là những Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2,… đang rục rịch hình thành, hứa hẹn sẽ to đẹp hơn cầu cũ, để kinh tế, xã hội vùng đất Cửu Long không tụt lại quá xa so với cả nước.

Kiên Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-bang-song-cuu-long-va-nhung-cay-cau-tham-tinh-huu-nghi-post62377.html