Đồng bào các dân tộc Nghệ An kết nối thông tin với MTTQ tỉnh qua mạng xã hội

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, người dân vùng lũ Kỳ Sơn vừa qua đã có thể kết nối nhanh nhất với bên ngoài. Đặc biệt, qua trang fanpage Mặt trận Nghệ An, những hỗ trợ thiết thực nhất đã kịp thời đến với người dân nơi đây.

Xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, cùng hợp tác, tương trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, làm giàu chính đáng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được MTTQ các cấp thực hiện với nhiều cách làm thiết thực, nhiều mô hình sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Các lực hỗ trợ người dân vùng lũ Kỳ Sơn trong đợt lũ tháng 10/2022.

Với việc xây dựng trang Fanpage Mặt trận Nghệ An, kênh thông tin này đã thu hút hơn 10 vạn lượt tương tác và phát huy tác dụng gắn kết đồng bào các dân tộc, kết nối các tầng lớp trong tỉnh.

“Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau hơn”

Tháng 10/2022, trận lũ ống kinh hoàng tràn qua huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Trong phút chốc, hàng nghìn người dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất khi nhà cửa bị cuốn trôi theo dòng lũ. Huyện miền núi khó khăn nhất xứ Nghệ gồng mình vượt qua thiên tai.

Chung tay với đồng bào Kỳ Sơn, trang Fanpage Facebook có tên "Mặt trận Nghệ An" đăng tải, cập nhật và kêu gọi hỗ trợ người dân khó khăn. Từ những tương tác, những hình ảnh ở tâm lũ, hàng nghìn mạnh thường quân ở mọi miền đất nước và kiều bào đã ủng hộ hàng trăm tỉ đồng để Kỳ Sơn sớm vượt qua khó khăn. Thậm chí, có doanh nghiệp lớn chi cả trăm tỷ đồng để hỗ trợ di dời một bản làng khỏi vùng nguy hiểm.

Giữa đại dịch Covid-19, trang Mặt trận Nghệ An phối hợp với các kênh tuyên truyền khác bằng những bài viết phản ánh mọi góc độ về dịch bệnh đã huy động hơn 500 tỷ đồng để đưa vào các quỹ ủng hộ phòng chống dịch, quỹ vì người nghèo...

Giúp đồng bào Kỳ Sơn hay chung tay hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch là 2 trong số rất nhiều hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An khi ứng dụng công nghệ để gắn kết các tầng lớp trong xã hội, mang đến những giá trị thiết thực.

Việc xây dựng trang Mặt trận Nghệ An là hoạt động trong việc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác mặt trận. Trang Mặt trận Nghệ An trên nền tảng mạng xã hội Facebook với hơn 120.000 người dùng tương tác đã mang đến những giá trị to lớn.

Được xây dựng từ năm 2019, Trang Mặt trận Nghệ An sau 4 năm xây dựng và phát triển đã thực sự trở thành một kênh thông tin hữu ích và phát huy vai trò kết nối các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trương Thiết Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An: Hiện nay trong hệ thống fanpage của Mặt trận Nghệ An đã lan tỏa đến các huyện, các xã. Cụ thể, toàn tỉnh đã có 481 trang Fanpage (21 trang Fanpage MTTQ cấp huyện và 460 trang fanpage của MTTQ cấp xã) và 3.804 Ban công tác Mặt trận có trang Facebook.

Bà Võ Thị Minh Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An tặng quà gia đình có công. Ảnh: Mặt trận Nghệ An

"Việc sử dụng mạng xã hội được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định rất rõ, từ quy trình xây dựng đến nhận diện, cách viết và nội dung đăng tải phải phù hợp với quy định", ông Hùng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An Trương Thiết Hùng chia sẻ, trong việc hỗ trợ an sinh xã hội, trang đã phát huy hiệu quả cụ thể.

"Đầu năm nay, thông qua trang Mặt trận Nghệ An, có mạnh thường quân hỗ trợ 60 con dê giống cho bà con. MTTQ qua đó kết nối với địa phương và chọn huyện Tân Kỳ là nơi để tiếp nhận món quà này của mạnh thường quân", ông Hùng kể.

Kết nối công nghệ, hỗ trợ đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo

Xã Thanh Xuân nằm ở cuối huyện Thanh Chương được coi là “rốn” lũ, nên nông nghiệp một năm chỉ sản xuất được vụ Xuân, còn vụ Hè Thu, vụ Đông... luôn để “đồng trắng, nước trong”. Chính vì thế, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, xã thuộc khu vực 3 đặc biệt khó khăn.

Hỗ trợ bà con vùng lỹ Kỳ Sơn dựng lại nhà cửa sau cơn lũ quét.

Những năm qua, thông qua cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, MTTQ xã Thanh Xuân đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong xã, bình quân mỗi năm, quỹ nhận được số tiền ủng hộ khoảng 20 triệu đồng để giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo, người nghèo phục vụ sản xuất; hỗ trợ khi ốm đau, bệnh tật, bị rủi ro.

Đặc biệt, MTTQ xã kêu gọi sự ủng hộ con em xa quê, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chăm lo cho người nghèo. Nhờ đó, quỹ đã tặng sữa, tặng sách vở và đồ dùng học tập cho con em hộ nghèo; chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo của các doanh nghiệp....

Bà Nguyễn Thị Lương, xóm 4 xã Thanh Chương cho biết, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã có rất nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đặc biệt là xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người dân; huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực xây dựng hạ tầng khang trang.

Hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo. Ảnh MTTQ Nghệ An.

“Người dân địa phương rất phấn khởi, tin tưởng từ đó đồng thuận cao trong thực hiện các phong trào thi đua xây dựng Thanh Chương trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt là nhờ có sự giúp đỡ từ MTTQ tỉnh mà nhiều gia đình đã thoát nghèo, có của ăn, của để”, bà Lương nói.

Ở xã miền núi Châu Cường, huyệnQuỳ Hợp, trước đây là địa phương không chỉ nghèo, mà còn có những dấu hiệu bất ổn. Nhờ sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An, nhất là MTTQ tỉnh, đến nay, Châu Cường đã trở thành điểm sáng, “quê hương” của mô hình “3 tiếng kẻng”: 5h là tiếng kẻng bình minh, 19h là tiếng kẻng học bài và 22h là tiếng kẻng an ninh. Nếp sống của xã vùng cao này quy củ, nền nếp hẳn lên. Xã còn được Công an tỉnh chọn làm điểm triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thời gian này, lãnh đạo xã Châu Cường đang đưa xã nhà tiến mạnh vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện sản xuất 3 vụ theo hướng hàng hóa. 56ha cây tinh dầu húng quế đã được trồng, xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo. Ảnh MTTQ Nghệ An.

Nhiều giải pháp chuyển đổi số của MTTQ tỉnh Nghệ An

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An nhìn nhận, mục tiêu chính của trang Mặt trận Nghệ An là nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành.

Bên cạnh đó, với lợi thế là diễn đàn có độ tương tác lớn, trang Mặt trận Nghệ An đã nhận về nhiều ý kiến của nhiều người dân, qua đó, MTTQ tỉnh Nghệ An thực sự trở thành cầu nối giữa nhân dân với Đảng và chính quyền.

Bà Võ Thị Minh Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An tặng quà gia đình có công. Ảnh: Mặt trận Nghệ An

Ngoài ra, các mảnh đời gặp khó khăn hay những chân dung người tốt, việc tốt được đăng tải, cập nhật lên mạng xã hội của MTTQ tỉnh đã giúp lan tỏa và kết nối người dân lại với nhau.

Với việc xây dựng trang Fanpage Mặt trận Nghệ An, kênh thông tin này đã thu hút hơn 10 vạn lượt tương tác và phát huy tác dụng gắn kết đồng bào các dân tộc, kết nối các tầng lớp trong tỉnh.

Không chỉ hỗ trợ an sinh xã hội, trang Mặt trận Nghệ An còn nhận về những tin nhắn phản ánh việc trợ cấp cho đối tượng là viên chức làm công tác dân số trong việc tham gia phòng chống dịch Covid-19.

"Phản ánh này được chúng tôi chuyển đến Đoàn ĐBQH tỉnh và sau đó đưa vào nghị trường Quốc hội", ông Trương Thiết Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, trang Mặt trận Nghệ An hiện nay đã trở thành một kênh thông tin uy tín, nhằm cung cấp, phổ biến chính sách đến đông đảo người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nhiều địa phương đã về Nghệ An để học tập kinh nghiệm xây dựng trang tương tự để áp dụng tại các tỉnh nhằm tăng cường kết nối với người dân thông qua các nền tảng mạng xã hội.

“Cùng với đó, Đảng đoàn MTTQ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chương trình chuyển đổi số. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với VNPT Nghệ An để lựa chọn, xác định các nhóm giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống Mặt trận, trước mắt tập trung 8 giải pháp chính”, ông Hùng cho hay.

Nghệ An là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích lớn nhất cả nước (với hơn 16.490 km2), có quy mô dân số đứng thứ 04 cả nước (hơn 3,3 triệu người), có 21 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 03 thị xã, 17 huyện), 460 đơn vị hành chính cấp xã và 3.804 thôn/khối/xóm/bản.

Việc xây dựng trang Mặt trận Nghệ An là hoạt động trong việc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác mặt trận. Trang Mặt trận Nghệ An trên nền tảng mạng xã hội Facebook với hơn 120 nghìn người dùng tương tác đã mang đến những giá trị to lớn.

Được xây dựng từ năm 2019, Trang Mặt trận Nghệ An sau 4 năm xây dựng và phát triển đã thực sự trở thành một kênh thông tin hữu ích và phát huy vai trò kết nối các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay trong hệ thống fanpage của Mặt trận Nghệ An đã lan tỏa đến các huyện, các xã. Cụ thể, toàn tỉnh đã có 481 trang Fanpage (21 trang Fanpage MTTQ cấp huyện và 460 trang fanpage của MTTQ cấp xã) và 3.804 Ban công tác Mặt trận có trang Facebook.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dong-bao-cac-dan-toc-nghe-an-ket-noi-thong-tin-voi-mttq-tinh-qua-mang-xa-hoi-post1044489.vov