Đồng bào các dân tộc phấn khởi đón tết

Tết đến, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kiên Giang lại có dịp gặp gỡ, giao lưu, vui chơi sau những ngày lao động, sản xuất. Từ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, vì vậy tết năm nay đồng bào các dân tộc phấn khởi.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc (bìa phải) tặng quà Hội Tương tế người Hoa xã Vĩnh Hòa Phú; ông Trang Văn Chiêu - Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa xã tiếp nhận. Ảnh: DANH THÀNH

Kiên Giang có 27 dân tộc cùng sinh sống. Đồng bào các dân tộc gắn bó mật thiết thông qua lao động, sản xuất và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Theo ông Âu Hên, ngụ khu phố Minh An, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành , việc cộng cư giúp các dân tộc đoàn kết, cùng phát triển kinh tế và xây dựng quê hương.

Từ những chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào Hoa thị trấn Minh Lương được cải thiện. Dịp Tết Nguyên đán năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang đến thăm và tặng quà đồng bào Hoa tại thị trấn Minh Lương. “Năm nay đồng bào Hoa phấn khởi đón tết vì việc buôn bán thuận lợi. Chúng tôi được Ban Dân tộc tỉnh thăm, tặng quà dịp tết, tạo không khí vui tươi, đầm ấm”, ông Âu Hên cho biết.

Xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Những ngày gần tết, đồng bào Khmer tất bật chuẩn bị thu hoạch rau màu, cây ăn trái để đón cái tết đầy đủ hơn. Hiện vườn trái cây của ông Danh Long, ngụ tổ 2, ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch đang thu hoạch, ông Long còn hẹn thương lái đến thu mua cá… Theo ông Danh Long, bên cạnh tết Chôl Chnăm Thmây, đồng bào Khmer rất hào hứng đón Tết Nguyên đán.

“Năm nay gia đình tôi đón tết lớn vì trái cây, cá được giá và bán kịp trước tết. Những ngày qua, gia đình tôi mua các đồ dùng, đồ trang trí tết”, ông Danh Long nói.

Ông Danh Long, ngụ tổ 2, ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) chăm sóc vườn sa pô chuẩn bị thu hoạch dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Ảnh: BÍCH THÙY

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 có dịp về xã Tây Yên A, An Biên mới thấy hết sự đổi thay của nơi đây. Dọc theo những con đường trải nhựa, đường bê tông nông thôn là những ngôi nhà mới khang trang với hàng rào được sơn sửa mới, cây cảnh được cắt tỉa bắt mắt đón xuân. Dịp Tết Nguyên đán năm 2024, người dân trên địa bàn xã Tây Yên A nói chung và đồng bào Chăm tại ấp Rọc Lá, xã Tây Yên A nói riêng vui mừng khi xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Có được kết quả trên là nhờ sự đóng góp của đồng bào Chăm trong tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. “Năm nay đồng bào Chăm phấn khởi vì dịp tết xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chúng tôi vui khi Nhà nước quan tâm nâng cấp cầu, đường làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống đồng bào các dân tộc phát triển”, ông Sa Lây Mang, ngụ ấp Rọc Lá, xã Tây Yên A nói.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc, năm 2023 tình hình kinh tế, đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục khởi sắc. Các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách an sinh xã hội được các cấp, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt, giúp hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

“Từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia được sử dụng hoàn thiện hệ thống hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi tin với truyền thống đoàn kết là tiền đề để các dân tộc cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao năm 2024”, đồng chí Danh Phúc cho biết.

DANH THÀNH - BÍCH THÙY

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xa-hoi/dong-bao-cac-dan-toc-phan-khoi-don-tet-18881.html