Đồng bào các tôn giáo cùng tham gia phòng, chống dịch

Thời gian qua, với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, tín đồ các tôn giáo tại nhiều địa phương trong cả nước đã và đang có nhiều đóng góp to lớn vào công tác phòng, chống dịch COVID-19. Điều này không những góp phần đẩy lùi dịch bệnh, mà còn khẳng định rõ hơn tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo trước những nhiệm vụ quan trọng của đất nước.

Việt Nam hiện nay có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với khoảng 27 triệu tín đồ, chiếm tỷ lệ gần 27% dân số cả nước. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này một lần nữa đã thể hiện rõ thông qua những đóng góp của đồng bào các tôn giáo trong quá trình tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát đến nay.

Các tình nguyện viên Phật giáo lên đường tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID -19. (Ảnh: HĐ).

Các tình nguyện viên Phật giáo lên đường tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID -19. (Ảnh: HĐ).

Điển hình như những ngày qua, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát động phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo boluse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch”. Hưởng ứng phong trào này, đến nay đã có gần 1.300 lượt tăng ni, cư sĩ, phật tử tại nhiều địa phương, nhiều cơ sở Phật giáo trong cả nước tham gia tuyến đầu phòng dịch, hỗ trợ nhân dân các khu cách ly.

Tại thành phố phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Thành phố đã 2 lần tổ chức Lễ xuất quân cho các vị tăng ni, phật tử cùng chức sắc, tu sĩ của Công giáo và đạo Tin Lành đăng ký làm tình nguyện viên xung phong lên tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu COVID-19 (214 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 10 (45 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 12 (40 người) và Bệnh viện Nhân dân Gia Định...

Cùng với đó, các Tòa Giám mục cũng quan tâm, kêu gọi các linh mục, tu sĩ và tín đồ phát huy tinh thần chia sẻ và chung tay tham gia các hoạt động thiện nguyện trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có gần 300 linh mục, tu sĩ tham gia hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện dã chiến -nơi điều trị bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Những việc làm cụ thể, những cử chỉ trách nhiệm của tín đồ các tôn giáo đã trực tiếp chung tay góp sức với ngành y tế nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân.

Còn tại thành phố Đà Nẵng, chung tay với chính quyền trong công tác phòng, chống dịch, tăng ni, phật tử và các chùa trên địa bàn Thành phố đã đẩy mạnh kêu gọi, hỗ trợ tặng quà đến các chốt kiểm soát và người dân trong khu cách ly, phong tỏa. Điển hình như, Đại đức Thích Đạo Lực - Trưởng Ban Thông tin truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng - Trụ trì chùa Tân Thành cùng phật tử và các mạnh thường quân đã huy động số tiền hơn 110 triệu đồng để trao quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong các khu phong tỏa và ủng hộ công tác phòng, chống dịch của một số tỉnh, thành phía Nam. Các cơ sở tôn giáo cũng vận động, cùng các doanh nghiệp, phật tử, người dân trên địa bàn trao hàng nghìn phần quà gồm gạo, nước mắm, dầu ăn và tiền hỗ trợ chuyển đến cho bà con khó khăn trong vùng bị cách ly.

Tăng ni, phật tử thành phố Đà Nẵng thường xuyên động viên, hỗ trợ các chốt kiểm soát dịch. (Ảnh: TĐ).

Mới đây, trao đổi khi đến thăm Bệnh viện Dã chiến số 10 tại thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), nơi đang có gần 50 nữ tu công giáo, tăng ni, phật tử tình nguyện phục vụ, chăm sóc bệnh nhân COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã cảm ơn và gửi lời hỏi thăm tất cả tình nguyện viên tôn giáo đã không ngại khó khăn, gian khổ để chung tay cùng chính quyền đến chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, gữa lúc dịch bệnh căng thẳng, nhiều bệnh nhân không khỏi hoang mang, lo lắng, thì sự có mặt của các nữ tu, các tăng ni, phật tử ở bên cạnh động viên, an ủi sẽ là liều thuốc tinh thần rất lớn, tiếp thêm sức cho người bệnh vượt qua bệnh tật.

Được biết, đến đầu tháng 9/2021, đồng bào các tôn giáo đã vận động, ủng hộ bằng tiền, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống COVID-19 và ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 với tổng số tiền lên tới hàng hàng trăm tỷ đồng. Riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch hơn 380 tỷ đồng, trong đó có hơn 100.000 khẩu trang N95, 25 máy thở đa năng cao cấp, 400 máy tạo oxy, 10 xe cứu thương, 500.000 phần quà và gần 1.000 tấn gạo, 5 triệu suất ăn… Giáo hội Công giáo Việt Nam bằng nhiều hoạt động thiện nguyện sáng tạo, hiệu quả đã vận động quyên góp tiền, hàng hóa, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 lên tới gần 20 tỷ đồng. Nhiều tổ chức tôn giáo trên cả nước cũng đã tổ chức quyên góp hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống COVID-19 lên tới hàng chục tỷ đồng...

Không chỉ tăng cường nguồn lực, lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của đông đảo tín đồ các tôn giáo trên cả nước còn là minh chứng sinh động cho sức mạnh đại đoàn kết các tôn giáo trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19; đồng thời, cũng đập tan những luận điệu của các thế lực thù địch, cố tình xuyên tạc, lợi dụng dịch bệnh để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần trách nhiệm cao cả với Tổ quốc, với những hoạt động cụ thể, sáng tạo, đông đảo tín đồ tôn giáo và các tổ chức tôn giáo trong cả nước đã thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, thực sự chung sức đồng hành với dân tộc đẩy lùi đại dịch COVID-19./.

Nguyễn Thị Phượng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/dong-bao-cac-ton-giao-cung-tham-gia-phong-chong-dich-590574.html