Đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Mil thu trăm triệu nhờ trồng cà phê theo tiêu chuẩn

Với vai trò 'bà đỡ', HTX nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil - Đắk Nông) đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn phát triển cà phê theo hướng bền vững. Nhiều hộ gia đình thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm, từng bước góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc tại vùng Tây Nguyên.

Đã có thời kỳ, cà phê không được giá, cùng với ảnh hưởng thiên tai, một số người dân Đắk Mil (Đắk Nông) chặt phá vườn cà phê để chuyển đổi cây trồng. Đứng trước thực trạng ấy, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải vào cuộc tuyên truyền.

Người dân từng muốn chặt cây cà phê

Anh Triệu Văn Hùng, dân tộc Dao, ở thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) là một trong những người trồng cà phê theo chuẩn 4C ở Đắk Mil. Theo anh Hùng, cà phê đã nuôi sống nhiều người dân. Để có vườn cà phê xanh ngút ngàn như bây giờ là bao mồ hôi, công sức khai hoang, chăm sóc nhiều năm trời, đâu phải muốn bỏ là bỏ ngay được.

Tái canh cây cà phê theo hướng phát triển bền vững giúp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Mil thoát nghèo.

"Nhiều hôm đi ra vườn, nghe dân làng bàn chặt cà phê để trồng cây khác, rồi nghe chuyện cà phê không còn là cây chủ lực, không còn là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng tôi không hề nao núng. Tôi nghĩ phải chăm sóc tốt cho cây cà phê, hướng đến sản xuất bền vững theo xu hướng thị trường”, anh Hùng cho biết.

Không chỉ đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê bằng cách trồng xen các loại cây khác, một số hộ dân tộc thiểu số tận dụng nguồn hỗ trợ, thực hiện tái canh cà phê mang lại hiệu quả. Thời gian qua, các dự án được triển khai như Dự án 3 EM (Tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông); Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên; Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình tái canh cà phê… có các chính sách hỗ trợ cây giống, máy móc, nông cụ, phân bón, vật tư cho đồng bào tái canh cà phê. Việc thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả tái canh, cải tạo cà phê, đem lại hiệu quả nhất định.

Là thành viên của HTX nông nghiệp Công Bằng Thuận An, bà H’Plơ, dân tộc M’nông, bon Sa Pa, xã Thuận An (Đắk Mil) làm cà phê VietGAP. Bà là người tâm huyết, gắn bó với cây cà phê từ khi bén rễ ở vùng đất này. Với bà, cây cà phê là cả một ký ức, bà chưa bao giờ có ý định thay thế bằng cây trồng khác, khi vườn cà phê đã già cỗi, bà đưa giống cà phê dây vào trồng tái canh. Vườn cà phê sau khi tái canh đều cho thấy những ưu điểm vượt trội so với các giống cũ như hái nhanh, lợi công, năng suất tăng...

"Cà phê vụ vừa rồi vừa trúng mùa vừa được giá, gia đình phấn khởi lắm. Thời điểm giá cà phê cao, vào đúng thời điểm vườn nhà tôi chín rộ, trừ chi phí đầu tư, gia đình thu về hơn 150 triệu đồng. Gia đình tôi sẽ tiếp tục thực hiện cải tạo, tái canh cà phê già cỗi trong vườn", bà H’Plơ chia sẻ.

Phát huy vai trò ‘bà đỡ’

Thời gian qua, những diện tích cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém đã được bà con thực hiện tái canh đúng quy trình. Thuận An là xã biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của huyện Đắk Mil thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông. Được sự hỗ trợ từ tín dụng chính sách cho thành viên người dân tộc thiểu số, cộng với kinh phí hỗ trợ từ Dự án Ailen, năm 2012 trên địa bàn xã Thuận An đã thành lập HTX nông nghiệp Công Bằng Thuận An, tập hợp những nông dân có tâm huyết với cây cà phê để sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đây, đồng bào ở đây chưa chú trọng sản xuất cà phê sạch nên hiệu quả chưa cao và thường bị tư thương ép giá. Vì vậy, để giúp người dân trong vùng canh tác cà phê theo hướng bền vững, HTX Công bằng Thuận An đã đăng ký tham gia vào Hiệp hội Thương mại công bằng (Fairtrade). Quá trình sản xuất cà phê sạch góp phần làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đáp ứng được sản lượng cà phê lớn để ký kết các hợp đồng xuất khẩu.

Sản phẩm cà phê của HTX Công bằng Thuận An.

Trong đó, sản phẩm chủ lực của HTX Công Bằng Thuận An hướng đến sản xuất bền vững nhằm đưa ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu cao cấp của thị trường châu Âu, châu Mỹ và đủ sức cạnh tranh với ngành hàng cà phê chất lượng cao của thế giới thông qua việc được cấp chứng chỉ thương mại công bằng (Fairtrade).

Hàng năm, HTX Công bằng Thuận An hỗ trợ phân bón vi sinh không hoàn lại cho bà con thành viên để cải tạo vườn cây, giảm bón phân vô cơ. Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con thành viên. Bên cạnh đó, tổ chức cho thành viên đi tham quan, học hỏi, các địa phương có mô hình làm ăn có hiệu quả.

Ngoài tổ chức tập huấn về chăm sóc, bảo vệ cây trồng, Ban Giám đốc HTX Công bằng Thuận An cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất cà phê theo quy trình, tiêu chuẩn của Fairtrade. Đồng thời, HTX còn khuyến khích thành viên thu hoạch cà phê chín thông qua chính sách cộng 1.000 đồng/kg, khi cà phê tươi bán cho HTX có độ chín đạt từ 85% trở lên. Đối với sản phẩm đã qua chế biến ướt được HTX Thuận An thu mua cao hơn giá thị trường từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của nhiều thành viên, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện.

Được sự đào tạo cũng như hướng dẫn, thời gian qua, các thành viên trong HTX Công bằng Thuận An đã thực hiện các biện pháp như: Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm tự động, bán tự động để tưới nước cho cây cà phê; quả cà phê được thu hái khi chín trên 85%; sử dụng trang thiết bị hiện đại, quy trình công nghệ tiên tiến chế biến sau thu hoạch; môi trường sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn sinh học, vỏ cà phê được tái sử dụng… Cà phê sau thu hoạch còn được phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với vai trò “bà đỡ” của HTX Công bằng Thuận An, các thành viên và các hộ liên kết đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, RainForest, UTZ, hữu cơ… để nâng cao giá trị, đáp ứng thị trường.

Khơi dậy tinh thần vươn lên của kinh tế tập thể

Những nỗ lực không ngừng của HTX Công bằng Thuận An đã xây dựng được thương hiệu cà phê Công Bằng Thuận An; giải quyết việc làm thường xuyên cho các hộ thành viên và bà con đồng bào dân tộc; mang lại thu nhập và cải thiện đời sống; từng bước góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc tại vùng Tây Nguyên.

Vừa qua, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông cùng các sở, ngành đã chấm điểm chọn 16 HTX, quỹ tín dụng Nhân dân điển hình tiên tiến năm 2023 trình UBND tỉnh tuyên dương. HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An là một trong những đơn vị dẫn đầu về sản xuất cà phê sạch của tỉnh nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX Công bằng Thuận An cho biết, nông dân sản xuất manh mún sẽ dẫn đến chi phí đầu tư cao, chất lượng sản phẩm không đồng đều, hiệu quả kinh tế thấp. Do đó, HTX đã tìm hiểu, tập hợp nông dân tham gia cùng sản xuất cà phê sạch và được chứng nhận theo tiêu chuẩn "Công bằng thương mại" của thế giới. HTX thực hiện phương châm “chung đầu vào” về vật tư nông nghiệp, “ký kết đầu ra” cho sản phẩm. HTX có kế hoạch sản xuất cụ thể từng năm, từng giai đoạn.

Từ cách làm đó, giá bán sản phẩm của HTX thường cao hơn giá thị trường từ 20- 50%. Ngoài cung cấp nguyên liệu cho các đối tác, HTX có sản phẩm cà phê bột phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu. "Nông dân, thành viên được hưởng lợi cao từ cách làm của HTX. Họ rất mừng và từ đó tuân thủ quy trình sản xuất của HTX”, ông Hạ cho biết.

Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông cho biết, Liên minh HTX tỉnh cùng các đơn vị tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh hàng năm những tập thể điển hình tiên tiến, có cách làm hay, mang tính đột phá.

Các HTX có những đóng góp thiết thực vào quá trình đổi mới, phát triển kinh tế tập thể của Đắk Nông đều được tuyên dương, nhân rộng. Điều này góp phần khơi dậy, phát huy tinh thần phấn đấu, vươn lên của kinh tế tập thể. Từ đó, giúp nhiều HTX vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, có thương hiệu tốt. Đời sống của thành viên HTX, nông dân vì thế ngày càng được nâng cao...

Nguyệt Ánh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-dan-toc-thieu-so-dak-mil-thu-tram-trieu-nho-trong-ca-phe-theo-tieu-chuan-1094524.html