Đồng bào dân tộc thiểu số được giảm giá sử dụng dịch vụ thể dục, thể thao

Tiếp tục chương trình làm việc ngày 31-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Đại biểu Bùi Thị Thủy. Ảnh: Văn Bình

Về chính sách thể dục, thể thao, dự án Luật đã bổ sung chính sách miễn giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao công lập cho một số đối tượng, trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Theo đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa), đồng bào khó được hưởng chính sách này bởi sau 10 năm thực hiện Luật Thể dục, thể thao, cả nước có khoảng 60 đến 70 xã, phường, thị trấn đã dành đất cho thể dục thể thao, nhưng chỉ khoảng 30% xã phường có sân tập, nhà tập và chủ yếu tập trung tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới có nơi không có quỹ đất, có nơi có đất thì không đủ nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở thể thao. Vì vậy, cần thiết kế lại chính sách phù hợp, đảm bảo nguồn lực đầu tư để đồng bào được hưởng chính sách khi ban hành Luật.

Đối với quy định dành đất cho thể thao, khoản 1 Điều 65 đưa ra 2 phương án.

Phương án 1 quy định, trong quy hoạch xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, doanh trại đơn vị vũ trang phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao, đây là phương án giữ nguyên như quy định hiện hành.

Phương án 2 quy định, trong quy hoạch xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao.

Góp ý cho quy định này, các đại biểu bày tỏ không đồng tình với việc dành quỹ đất để xây dựng các công trình thể thao ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, so với phương án 1 thì phương án 2 mở rộng hơn gồm có cả khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải quy hoạch quỹ đất dành cho thể thao. Quy định như vậy là không hợp lý, bởi theo quy định của pháp luật hiện hành thì khu công nghiệp, công nghệ cao là khu vực chức năng chuyên sản xuất và thực hiện các công việc phục vụ cho sản xuất, nghiên cứu công nghệ phát triển… Đây là những khu vực mà môi trường được quy hoạch chuyên dành cho nghiên cứu, sản xuất nên ngoài giờ làm việc thì không phải là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của công nhân. Do đó, việc xây dựng công trình thể thao ở khu vực này là không thích hợp.

Đồng quan điểm này, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, khu công nghiệp là khu riêng chỉ ưu tiên cho sản xuất công nghiệp, không có nhà ở, không có dân cư sinh sống. Nếu xây dựng công trình thể thao ở khu vực này thì có hợp lý không?

“Công trình thể dục thể thao chỉ phát huy được hiệu quả khi đặt ở nơi dân cư sinh sống. Để đảm tính khả thi, thì công trình thể thao phải gắn với nơi sinh sống của công nhân là phù hợp” - Ông Dương Tấn Quân nhấn mạnh.

Danh Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dong-bao-dan-toc-thieu-so-duoc-giam-gia-su-dung-dich-vu-the-duc-the-thao/