Đồng bào dân tộc thiểu số làm 'Dân vận khéo'

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khôi phục chữ viết, giúp nhau làm kinh tế, nêu gương trong cộng đồng dân cư... là những việc làm có ý nghĩa của các tập thể, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện ở cộng đồng. Những nét đẹp ấy được lan tỏa thông qua các mô hình, điển hình 'Dân vận khéo' trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Thầy Đào Văn Phước (Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) hướng dẫn HS tập hát bằng tiếng Châu Ro.

Thầy Đào Văn Phước (Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) hướng dẫn HS tập hát bằng tiếng Châu Ro.

GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

Người dân Châu Ro ở ấp Tân Thuận (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) vốn có nhiều phong tục, tập quán trong sản xuất, sinh hoạt cộng đồng phong phú, đậm đà bản sắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các giá trị đó đang có nguy cơ bị mai một đã trở thành niềm đau đáu đối với nhiều người. Trước thực tế trên, đầu năm 2015, Tổ Dân vận ấp Tân Thuận thực hiện mô hình “Vận động nhân dân giữ gìn và phát huy bản sắc, văn hóa Châu Ro”. Cứ có thời gian rảnh, các thành viên trong Tổ đến từng nhà vận động người dân tham gia sinh hoạt trong CLB cồng chiêng vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Tại đây, các thành viên cao tuổi, có kinh nghiệm phổ biến kiến thức về bộ chiêng 7 chiếc, hát đối đáp trong lễ hội cho người dân, đặc biệt là ĐVTN, đồng thời phối hợp với tổ chức đoàn thanh niên lồng ghép vào các buổi sinh hoạt Đoàn những trò chơi dân gian đặc sắc của dân tộc như đi cà kheo, nhảy bao bố, nhảy sạp…; tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề để ĐVTN hiểu về ý nghĩa của việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

Ngoài ra, Tổ Dân vận còn cử người đến các vùng có đông đồng bào Châu Ro đang sinh sống ở Đồng Nai, Bình Phước… để tìm kiếm, phục hồi các vật dụng đặc trưng như gùi, nỏ, chiêng... giống với nguyên bản để trưng bày trong Nhà sinh hoạt văn hóa Châu Ro ấp Tân Thuận. Nhờ đó mà đến nay, ngoài CLB cồng chiêng, ấp Tân Thuận còn thành lập và duy trì Đội văn nghệ thiếu nhi và CLB kéo co và bắn nỏ. Trong đó, môn thể thao truyền thống bắn nỏ ở ấp rất mạnh, từng đoạt nhiều giải vô địch trong các cuộc thi với các địa phương khác trong tỉnh.

Tương tự, hơn 20 năm qua, thầy Đào Văn Phước (dân tộc Châu Ro, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) cũng có nhiều cống hiến, đóng góp cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc mình. Thầy Phước chia sẻ: “Trước đây, đã có giai đoạn HS người Châu Ro được học tiếng của dân tộc mình. Nhưng do chiến tranh, tiếng Châu Ro sau nhiều năm bị mai một đi nhiều khiến tôi luôn trăn trở làm sao để khôi phục lại”. Kể từ đó, cứ rảnh rỗi lúc nào là thầy Phước lại tìm gặp những người cao tuổi, những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Châu Ro để góp nhặt, tìm tòi những từ cổ, dần dần khôi phục lại chữ viết Châu Ro. Ngoài việc tìm kiếm, ghi chép, thầy Phước còn dày công biên dịch các bài hát về tình yêu quê hương, đất nước sang tiếng Châu Ro và tập luyện cho HS biểu diễn tại các hội thi văn nghệ dành cho người DTTS với các tỉnh, thành phố trong cả nước và đạt nhiều thành tích cao.

CHUNG TAY XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhiều cá nhân là người uy tín trong đồng bào DTTS còn ra sức thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Thôn Hoa Long (xã Kim Long, huyện Châu Đức) có đến 127 hộ với 753 nhân khẩu là người dân tộc Hoa. Những năm gần đây, các loại nông sản như tiêu, điều, cà phê thường xuyên lâm vào tình trạng “được mùa rớt giá”, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Xác định việc vận động bà con chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao là điều cần thiết, bản thân ông Dín Nhì Cẩu (SN 1957) đã mạnh dạn chặt bỏ 1ha tiêu, điều để trồng mít Thái, đồng thời trồng xen cỏ sả dưới gốc mít để nuôi dê. Đến nay, mít Thái và dê đều đặn cho gia đình ông Cẩu thu nhập trên 250 triệu đồng/năm. Noi gương ông Cẩu, nhiều hộ dân tộc Hoa cũng mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng tiêu, điều, cà phê sang trồng mít Thái, ca cao, nuôi cá nước ngọt, bò lai sind, dê, heo… giúp đời sống đồng bào người Hoa ngày càng ổn định, hộ nghèo giảm dần.

Đầu năm 2017, UBND huyện Châu Đức có chủ trương mở rộng tuyến đường đi qua nhà của hơn 100 hộ dân thuộc tổ 76 (thôn Hoa Long). Ngay từ khi Chi bộ thôn triển khai mô hình “Vận động người dân hiến đất làm đường”, ông Cẩu đã gương mẫu hiến hơn 100m đất, chặt bỏ 20 gốc tiêu đang cho thu hoạch để nhường chỗ cho tuyến đường đi qua. Noi gương ông Cẩu, 100% hộ dân sống dọc tuyến đường đã đồng tình hiến đất để làm con đường bê tông dài 1.000m, rộng 3,8m. Ngoài ra, ông Cẩu còn vận động hơn 100 hộ dân trong thôn đóng góp 300 ngàn đồng/hộ để lắp 80 bóng điện thắp sáng tuyến đường giao thông dài 3km.

Tổ Dân vận ấp Tân Thuận, thầy Phước và ông Cẩu là 3 trong số 19 tập thể và 30 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có đóng góp xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2019 tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III/2019 được tổ chức ngày 22/11 vừa qua.

Theo ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: “Không chỉ chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng bào DTTS còn sát cánh cùng với Đảng bộ, chính quyền trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng, xứng đáng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân”.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/201912/dong-bao-dan-toc-thieu-so-lam-dan-van-kheo-884553/