Đồng bào Khmer Sóc Trăng giúp nhau thoát nghèo

Thị xã Vĩnh Châu có hơn 52% số dân là đồng bào dân tộc Khmer, với bảy trong số chín xã, phường thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Sóc Trăng. Những năm gần đây, với chính sách ưu đãi của Chính phủ từ các chương trình 135, 134 cùng nhiều dự án đầu tư, vùng đồng bào dân tộc Khmer nơi đây đã có những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế, xã hội.

Đến thăm một số xã có đông đồng bào Khmer của tỉnh Sóc Trăng chúng tôi được tận mắt chứng kiến nhiều hộ nông dân đến trụ sở UBND xã xin được trả lại sổ hộ nghèo. Bác Thạch Đal ở ấp Cà Lăng A Biển, phường 2, thị xã Vĩnh Châu xúc động nói: “Bây giờ, bà con Khmer trong phum, sóc vui lắm. Trước đây, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất cho nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn, lại được cán bộ khuyến nông và những người làm ăn giỏi hướng dẫn, nhiều hộ nông dân Khmer nghèo đã vươn lên, sản xuất giỏi. Nay đã hết nghèo rồi, mình đi trả sổ hộ nghèo để Nhà nước giúp đỡ người khác...

Để vùng đất ven biển Vĩnh Châu rút ngắn khoảng cách đói nghèo, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng phối hợp các nhà khoa học của Trường đại học Cần Thơ, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như trồng lúa cao sản, trồng màu màng phủ, nuôi tôm sú, trồng vú sữa Lò Rèn, nuôi bò lai sind… Qua những mô hình này, nhiều nông dân Khmer sản xuất giỏi đã giàu lên nhanh chóng. Ông Sơn Dươl, ở ấp Đại Bái A, xã Lạc Hòa là một người trong số đó. Kể về mấy năm túng thiếu, Ông Dươl bảo: “Đận đó nghèo lắm, nhà tôi mỗi bữa ăn đều phải độn khoai mới đủ ăn. Cái ăn, cái mặc còn thiếu cho nên con em chẳng đứa nào được đi học…”. Nhờ sự quyết tâm và kiên trì, đến năm 2010, ông được ngân hàng đầu tư 10 triệu đồng, được cán bộ khuyến nông và bà con chòm xóm giúp đỡ, gia đình ông tiên phong trong phong trào nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Vụ nuôi tôm thẻ đầu tiên trúng mùa, trúng giá, trả xong nợ Nhà nước, gia đình ông còn đủ tiền lắp đặt đường nước sạch phục vụ sinh hoạt và trồng thêm hành tím, củ cải trắng, dưa hấu, nhãn. Chỉ riêng nguồn lợi thu nhập từ nuôi tôm, hành tím, gia đình ông thu lãi hơn 40 triệu đồng. Sau bao năm làm ăn vất vả, đến nay gia đình đã có căn nhà khang trang, đầu tư bốn ao nuôi tôm, sáu công đất trồng rau màu và nuôi thêm sáu con bò lai sind. Với thu nhập bình quân mỗi năm hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất, ông Dươl thu lãi gần 60 triệu đồng. Tại thị xã Vĩnh Châu, không chỉ có gia đình ông Dươl mà còn rất nhiều hộ người dân tộc Khmer khác, trước đây chỉ sống nhờ vào việc mò cua bắt cá ở vùng đất ven biển để sống qua ngày, đến nay họ đã có cuộc sống khấm khá và trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Chỉ riêng năm 2016, Vĩnh Châu có hơn 2.000 hộ thoát nghèo, trong đó phần lớn là hộ đồng bào Khmer.

Về xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, chúng tôi được nghe kể nhiều về “vua lúa giống” Danh Khal ở ấp Đai Úi. Từ một nông dân Khmer nghèo, sau gần 10 năm học hỏi kinh nghiệm sản xuất lúa giống, ông đã cung cấp hơn 80 tấn lúa giống mới chất lượng cao cho bà con trong huyện và các địa phương khác trong tỉnh để sản xuất. Trong đó, đáng chú ý là giống lúa thơm ST3 thích nghi vùng đất nước lợ Sóc Trăng cho năng suất từ 6 đến 6,2 tấn/ha, cao gấp hai lần so với các giống địa phương khác. Để giúp bà con sản xuất lúa hiệu quả, ông vận động mọi người ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật như: thay giống lúa dài ngày, năng suất thấp bằng các giống lúa ngắn ngày cao sản; chuyển từ việc chỉ làm một vụ lúa mùa sang làm hai vụ, rồi đưa cây màu xuống ruộng; từ cấy lúa chuyển sang sạ lúa, rồi đến sạ hàng, sạ thưa, áp dụng IPM, thực hiện chương trình ba giảm, ba tăng…
Cũng có chung khát vọng làm giàu như ông Danh Khal, chị Trà Thị Tựng ở ấp Bưng Cốc, anh Sà Lượl ở ấp Béc Tôn đều đã trả được sổ hộ nghèo. Theo lời chị Thạch Thị Sết, năm 2014 nhờ Chương trình hỗ trợ bò cho hộ Khmer nghèo chăn nuôi trả chậm của Nhà nước, chị và hàng trăm hộ dân được cho vay 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi hai con bò sinh sản. Qua ba năm chăn nuôi, chị Sết đã hoàn lại nguồn vốn cho Nhà nước và hiện nay gia đình chị đã có đàn bò sáu con, mua sắm thêm phương tiện sinh hoạt gia đình như xe máy, ti-vi…

Ở các xã Tham Đôn, Tài Văn, Viên An, Viên Bình (huyện Trần Đề)… nơi có đông đồng bào Khmer gắn bó, sinh sống từ lâu đời, đây là điểm sáng của phong trào người giàu giúp đỡ người nghèo bằng cách hỗ trợ nhau vốn, con giống, kinh nghiệm sản xuất… Nhờ vậy mà vài năm trở lại đây, đời sống đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên rõ rệt, không chỉ lo đủ cái ăn, cái mặc hằng ngày mà còn sửa sang, trang hoàng lại nhà cửa, con cái được học hành, đến nơi đến chốn, lại còn biết trao đổi, tích lũy kinh nghiệm sản xuất.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về những thành tựu kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Bình Cang phấn khởi cho biết: Sau khi tái lập tỉnh (năm 1992), Sóc Trăng có 54 trong số 105 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn được hưởng Chương trình 135, 134; chính sách hỗ trợ giá, trợ cước vận chuyển… Các chương trình, chính sách nêu trên đã và đang phát huy hiệu quả. Đặc biệt, ngoài việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì cộng đồng người Kinh - Hoa - Khmer, có nhiều phong trào hỗ trợ nhau vươn lên thoát nghèo. Đáng mừng nhất hiện nay là ở nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc Khmer bà con đã thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu chuyển sang phương thức sản xuất mới, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình, nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Bài và ảnh: ĐỖ NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34918202-dong-bao-khmer-soc-trang-giup-nhau-thoat-ngheo.html