Đồng bào Phật giáo ở Vĩnh Mỹ B chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xã Vĩnh Mỹ B là 'điểm sáng' trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu). Trong đó, cần ghi nhận vai trò lớn lao của đồng bào Phật giáo và Tịnh xá Bửu An trong việc vận động, chung sức làm cầu đường nông thôn, nhiệt huyết với công tác từ thiện và tham gia phát triển kinh tế hợp tác.

Cách đây gần 1 năm, xã Vĩnh Mỹ B đã vinh dự nhận quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Xắn tay làm cầu, đường nông thôn

Việc xã Vĩnh Mỹ B về đích nông thôn nâng cao là niềm vui, niềm tự hào của chính quyền và nhân dân, cùng đông đảo đồng bào Phật giáo trong xã. Đây cũng là cơ sở, tiền đề để xã hướng đến xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới…

Nếu như năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Mỹ B là 42,5 triệu đồng/năm thì đến năm 2021 tăng lên 61 triệu đồng/năm. Còn hiện nay, xã không còn hộ nghèo.

Các phật tử và lực lượng công an tham gia làm đường nông thôn ở xã Vĩnh Mỹ B.

Song song đó, xã tích cực thu hút các nguồn lực, trong đó sự tham gia đóng góp của đồng bào Phật giáo, để đầu tư chỉnh trang cơ sở hạ tầng, các hạng mục, công trình thiết yếu phục vụ dân sinh như: Xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, đường giao thông, kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng.

Là một phật tử ở ấp 15 xã Vĩnh Mỹ B, ông Lê Văn Sơn cho biết: “Quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, những người dân, phật tử như chúng tôi rất đồng tình ủng hộ. Trong đó, phần việc được người dân, phật tử làm tốt là cùng nhau giữ gìn môi trường sạch - đẹp, trồng hoa kiểng hai bên đường tạo mỹ quan nông thôn”.

Nhắc đến hoạt động xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Mỹ B không thể không nhắc đến vai trò tích cực của Tịnh xá Bửu An ở ấp An Khoa (xã Vĩnh Mỹ B) trong việc vận động bà con phật tử xây dựng cầu, đường nông thôn.

Như hồi tháng 6/2022, qua quá trình khảo sát tại địa phương, đoạn đường từ đầu hẻm vào đến Trường Mầm non Sơn Ca ở ấp An Khoa có chiều dài khoảng 60m xuống cấp trầm trọng, mặt đường ẩm thấp, mùa mưa nước ngập gây trơn trượt, nguy hiểm cho người dân đặc biệt là trẻ nhỏ, Thượng tọa Thích Giác Tạng – Trụ trì Tịnh xá Bửu An, đã vận động phật tử và Đoàn Thanh niên Công an huyện Hòa Bình, Đoàn Thanh niên Công an xã trực tiếp tham gia làm lại đoạn đường này.

Đoạn đường hoàn thành có chiều dài 60m, chiều ngang 2m. Kinh phí xây dựng 60 triệu đồng do Tịnh xá Bửu An vận động. Bên cạnh đó, Tịnh xá còn hỗ trợ vật liệu làm đường.

Dấu ấn Tịnh xá Bửu An

Thượng tọa Thích Giác Tạng cho biết, nhờ công lao đóng góp của phật tử và lực lượng công an đã góp phần đẩy nhanh tiến độ làm đường và giảm chi phí thực hiện. Đoạn đường tuy ngắn nhưng rất ý nghĩa, giúp bà con và các cháu học sinh đi lại an toàn khi đến trường.

Các phật tử ởTịnh xá Bửu Anluôn tích cực trong xây dựng nông thôn mới và hoạt động thiện nguyện.

Không chỉ tích cực vận động các phật tử tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương, Tịnh xá Bửu An còn đồng hành trong việc xây dựng cầu đường nông thôn ở các địa phương khác trong tỉnh Bạc Liêu.

Mới đây nhất, vào ngày 13/5/2023, Tịnh xá Bửu An đã cùng với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu và Công an tỉnh Bạc Liêu tiến hành khởi công xây cầu Vạn Phước ở ấp Vĩnh Bình B, xã Vĩnh Thanh là địa bàn thuộc diện vùng sâu, vùng xa của huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) với diện mạo nông thôn vẫn còn không ít khó khăn, nhất là vấn đề hạ tầng cầu, đường còn hạn chế, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.

Công trình cầu có chiều dài 21m, mặt cầu rộng 2,8m, tổng kinh phí xây dựng 230 triệu đồng, với sự tham gia đóng góp, tài trợ của nhiều phật tử ở Tịnh xá Bửu An nhằm hỗ trợ xây dựng cầu nông thôn cho bà con nhân dân, nhất là học sinh thuận tiện cắp sách đến trường.

Dịp này, Tịnh xá Bửu An cùng đoàn từ thiện đã trao tặng quà cho 100 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ấp Vĩnh Bình B nhằm góp phần chia sẻ khó khăn, giúp các hộ dân có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài ra, trong công tác thiện nguyện, Tịnh xá Bửu An đã tổ chức hoạt động Bếp ăn tình thương được hơn 20 năm nay, giúp nhiều bệnh nhân nghèo nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Bình vượt qua khó khăn.

Nhiều năm qua, với việc vận động góp 2.000 đồng, bếp ăn tình thương của Tịnh xá Bửu An đã đỏ lửa với cả trăm suất cơm giúp người nhà và bệnh nhân nghèo.

Trước đây, bếp ăn mới hoạt động còn nhiều khó khăn nên mỗi ngày cung cấp chỉ khoảng 100 suất cơm. Tới nay, mỗi ngày bếp ăn cấp khoảng 250 suất, còn ngày mùng 1 và ngày rằm thì khoảng 1.000 suất cơm (gồm cơm và thức ăn, canh chủ yếu làm từ rau, củ quả).

Bà Vân (ngụ xã Vĩnh Mỹ B,) cho biết, khi thấy hoạt động của bếp ăn tình thương của Tịnh xá Bửu An có ý nghĩa, bà đã tham gia cùng nhiều người khác ở địa phương góp chút công, chút tấm lòng để hỗ trợ cùng Tịnh xá nấu ăn giúp người nghèo.

Còn theo bà Nguyễn Phương Loan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bạc Liêu, bếp ăn tình thương của Tịnh xá Bửu An thời gian qua hoạt động rất có ý nghĩa thiết thực trong an sinh xã hội cộng đồng, đã góp phần cùng Hội Chữ Thập đỏ tỉnh thực hiện hiệu quả công tác nhân đạo.

Đi đầu kinh tế hợp tác

Nhắc đến xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Vĩnh Mỹ B cần nhắc đến hoạt động kinh tế hợp tác đang phát triển rất mạnh với sự tham gia của đông đảo đồng bào Phật giáo trong xã.

Trong đó, điển hình là HTX nông nghiệp Vĩnh Cường, huyện Hòa Bình với diện tích canh tác lúa hơn gần 21.000ha, là HTX có nhiều ruộng lớn nhất xứ Bạc Liêu. Mấy năm nay, HTX trở thành là cầu nối đưa lúa gạo trên quê hương công tử Bạc Liêu đi khắp 34 quốc gia trên thế giới.

Cùng với tham gia của đông đảo nông dân là đồng bào Phật giáo đã giúp HTX Vĩnh Cường hoạt động ngày càng hiệu quả, đi đầu trong phát triển kinh tế hợp tác ở Bạc Liêu.

Cùng với tham gia của đông đảo nông dân là đồng bào Phật giáo đã giúp HTX Vĩnh Cường hoạt động ngày càng hiệu quả, đi đầu trong phát triển kinh tế hợp tác ở Bạc Liêu.

HTX Vĩnh Cường nằm giữa cánh đồng của ấp An Thành (xã Vĩnh Mỹ B). Khi mới thành lập HTX chỉ có 30 thành viên, nhưng nhờ hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận tốt cho các nông dân trồng lúa nên số thành viên không ngừng tăng lên 450 thành viên, sau tăng lên thành 3.965 thành viên liên kết và đến nay là 5.000 thành viên (đa phần là đồng bào Phật giáo).

HTX đã thực hiện tốt việc bao tiêu lúa cho nông dân. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được HTX hỗ trợ chi phí đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm đầu ra, nhờ đó nông dân tránh được tình trạng trúng mùa - mất giá.

Ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Cường cho biết: Ngoài việc hàng năm bao tiêu cho tất cả thành viên, HTX còn thu mua lúa cho nông dân ở các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long với hàng chục ha...

Theo đánh giá, khó có một HTX nào như HTX Vĩnh Cường khi mỗi năm bao tiêu hơn 20.000ha lúa, bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 250.000 tấn, doanh thu hàng trăm tỷ đồng… Nhờ đó, cuộc sống của các nông dân là đồng bào Phật giáo được nâng lên rõ rệt.

Nhìn từ HTX Vĩnh Cường, ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, nhận định sẽ là một cuộc chuyển mình rất mạnh mẽ bởi vì bà con đã thấy rõ lợi ích khi tham gia HTX như thế nào. Sứ mệnh của HTX Vĩnh Cường bây giờ được tỉnh Bạc Liêu và huyện Hòa Bình giao là đồng hành với 8 HTX nông nghiệp lân cận để mở rộng quy mô kinh tế hợp tác.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-phat-giao-o-vinh-my-b-chung-tay-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-1092685.html