Đóng BHXH trên tổng thu nhập từ ngày 1.1.2018: Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thế nào?

Xung quanh thông tin các đơn vị sử dụng lao động chưa hiểu đúng về mức phụ cấp sẽ làm căn cứ để đóng BHXH từ ngày 1.1.2018, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH) - cho biết, chắc chắn doanh nghiệp không phải đóng BHXH trên tổng thu nhập vì được loại trừ tới 14 khoản.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo BHXH.

Thông tin từ ngày 1.1.2018, DN đóng BHXH cho người lao động dựa trên tổng thu nhập khiến nhiều DN phản ứng, cho rằng việc tăng mức đóng sẽ làm khó và chất chồng thêm khó khăn cho DN. Tuy nhiên, từ trước đó, để hỗ trợ DN phát triển, từ đề xuất của Bộ LĐTBXH, Chính phủ đã ra Nghị định 44/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.6.2017 về việc giảm 0,5% tỉ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ tai nạn bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và tạo thêm việc làm.

Ngoài ra, trả lời báo chí, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội - cho biết: “Cách tính mức đóng mới không có nghĩa là mức đóng BHXH sẽ được tính trên tổng thu nhập mà sẽ tính trên mức lương cộng với tất cả các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Như vậy, chỉ những nhóm phụ cấp lương xác định được cùng mức lương, có tính thường xuyên và ổn định mới được tính đóng BHXH; những khoản phụ cấp lương gắn với kết quả làm việc của người lao động và có tính biến động thì sẽ không tính đóng BHXH.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Trường Giang cho biết: “Trước đây, Bộ LĐTBXH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng LĐLĐVN có tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế. Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH ở các DN rất khác nhau: DN FDI đóng khoảng 80% tổng thu nhập, DN tư nhân đóng chỉ khoảng 30% thu nhập, có nhóm đóng 40% tổng thu nhập,… Trong khi Quốc hội yêu cầu DN đóng BHXH trên tổng thu nhập để đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì mức tăng lần này vẫn còn tới 14 khoản loại trừ”.

Ngoài ra, được hỏi về mức tăng cụ thể, ông Giang cho biết ở mỗi nhóm DN sẽ có mức tăng khác nhau tuỳ mức phụ cấp lương và các khoản bổ sung. “Không thể biết chính xác mức tăng cụ thể bao nhiêu %” - ông Giang nhấn mạnh.

Theo quy định của BHXH Việt Nam, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) trên cơ sở mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ. Mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng.

Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương. Cụ thể như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Loại trừ 14 khoản thu nhập không tính đóng BHXH

1. Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động 2012

2.Tiền thưởng sáng kiến

3. Tiền ăn giữa ca

4. Tiền hỗ trợ xăng xe

5. Tiền hỗ trợ điện thoại

6. Tiền hỗ trợ đi lại

7. Tiền hỗ trợ giữ trẻ

8. Tiền hỗ trợ nhà ở

9. Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ

10. Tiền hỗ trợ người lao động có thân nhân bị chết

11. Tiền hộ trợ lao động có người thân kết hôn

12. Tiền hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động

13. Tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

14. Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

QUỲNH CHI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-chiu-anh-huong-the-nao-566207.ldo