Đồng bộ các giải pháp trong công tác giảm nghèo

Năm 2023, huyện Văn Bàn tập trung chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Đồng thời, huyện phát huy tối đa các nguồn lực của trung ương, địa phương, huy động nguồn lực xã hội hóa và vai trò của người dân để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đặt ra.

Sau nhiều nỗ lực, gia đình anh Chảo A Lu, ở thôn Hỏm Dưới, xã Nậm Chày (Văn Bàn) đã ra khỏi diện hộ nghèo trong năm 2023. Cuộc sống hiện tại của gia đình tương đối ổn định, vợ chồng anh có cửa hàng tạp hóa nhỏ, mang lại thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Anh Lu tâm sự: Ngay khi tách hộ vào năm 2022, gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nhờ đó kinh doanh, dịch vụ gặp nhiều thuận lợi.

Hiện gia đình anh Lu đã xây nhà và mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Anh Lu hài lòng với cuộc sống hiện tại và dự định sẽ vay vốn chính sách để mở rộng kinh doanh.

Gia đình anh Lu là 1 trong 938 hộ ở huyện Văn Bàn thoát nghèo trong năm 2023. Đánh giá về kết quả giảm nghèo năm nay, ông Dương Văn Khu, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Văn Bàn cho biết: Kế hoạch đề ra từ đầu năm là tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,7% nhưng tính đến hết tháng 11/2023 đã giảm 4,34%, đạt 114,2% kế hoạch tỉnh giao và đạt 108,5% kế hoạch huyện giao, hiện Văn Bàn còn 2.261 hộ nghèo, chiếm 11,01% tổng số hộ toàn huyện.

Huyện Văn Bàn xác định một trong những giải pháp quan trọng của công tác giảm nghèo là phải thay đổi tư duy, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo. Vì vậy, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Văn Bàn đã có nhiều hình thức, cách làm để khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người dân, như tuyên truyền, nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để học và làm theo. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện được giao phụ trách xã, thôn của xã nghèo trên địa bàn thường xuyên thăm, động viên hộ nghèo; nắm tình hình phát triển kinh tế - xã hội các xã để có những chỉ đạo kịp thời.

Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Dương Văn Khu cho biết thêm: Ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong công tác giảm nghèo. Một trong những hạn chế đó là thiếu tính bền vững trong liên kết sản xuất, do vậy huyện đã chỉ đạo xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết giá trị về sản xuất nông - lâm nghiệp. Điển hình như việc ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm quế và măng sặt trên địa bàn.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, đăng ký nhu cầu tham gia đào tạo nghề, đặc biệt quan tâm đến người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 6 lớp đào tạo nghề (mỗi lớp 35 học viên) với những ngành nghề phù hợp với lao động nông thôn, như xây dựng, may dân dụng, du lịch cộng đồng... Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã mở 7 lớp đào tạo nghề ngắn hạn với 245 học viên tham gia, chú trọng vào các nghề như chăn nuôi và trồng rừng. Năm 2023, toàn huyện có 1.465 người được giới thiệu và tìm được việc làm.

Huyện cũng ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Điển hình như tại xã Nậm Chày - 1 trong 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh - được ưu tiên đầu tư 34 công trình với tổng vốn gần 195 tỷ đồng.

Thành công trong công tác giảm nghèo năm nay tại Văn Bàn phải kể đến vai trò của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, trong đó Ủy ban MTTQ huyện triển khai hỗ trợ và sửa chữa nhà ở cho 61 hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Huyện đoàn giới thiệu việc làm cho 365 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Hội Nông dân huyện củng cố, phát triển hoạt động của 32 hợp tác xã, 55 tổ hội nghề nghiệp và các tổ, nhóm, các câu lạc bộ nông dân. Hội Phụ nữ huyện phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh triển khai Dự án “Tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua chuỗi giá trị” tại 2 xã Nậm Mả, Tân Thượng; mở 4 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc gắn với bảo vệ rừng và chế biến, bảo quản sau thu hoạch... Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền đoàn viên, hội viên tích cực tham gia phong trào thi đua giảm nghèo tại cơ sở.

Đánh giá công tác giảm nghèo năm 2023, đồng chí Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn khẳng định: Với giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công tác giảm nghèo của địa phương đã đạt và vượt so với kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Trong thời gian tới, mục tiêu đặt ra đối với công tác giảm nghèo ngày càng cao, đòi hỏi sự quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Có như vậy, kết quả giảm nghèo mới bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dong-bo-cac-giai-phap-trong-cong-tac-giam-ngheo-post377805.html