Đồng bộ các hoạt động xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

Thực hiện Chuyên đề 'xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm' giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành GD&ĐT tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp như quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy học để tạo môi trường cho trẻ 'học mà chơi, chơi mà học'…

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 232 trường mầm non (7 trường mầm non ngoài công lập), với tổng số 2.240 nhóm, lớp. Trong đó, có 388 điểm trường lẻ với 459/2.240 nhóm, lớp ghép từ 2 – 4 độ tuổi.

Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

Để thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch theo từng năm học, yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thành phố triển khai thực hiện nội dung chuyên đề đảm bảo phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa bàn, từng trường; tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu dạy và học; chú trọng đổi mới, sáng tạo trong dạy học; xây dựng môi trường giáo dục mầm non mang hướng mở, kích thích sự chú ý, tư duy và cảm xúc của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia các hoạt động và trải nghiệm.

Giờ học của trẻ tại Trường Mầm non xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng

Giờ học của trẻ tại Trường Mầm non xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng

Theo đó, hằng năm, các cơ sở giáo dục mầm non đều chủ động rà soát hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu, đồ chơi, tham mưu UBND các cấp đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và mua sắm bổ sung học liệu, trang thiết bị, đồ chơi trong lớp và khu vui chơi ngoài trời. Cụ thể, ngoài các chương trình, đề án do cấp tỉnh xây dựng, tổ chức triển khai, UBND các huyện, thành phố cũng chủ động thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi… cho các trường mầm non trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 159 tỉ đồng, trong đó: năm học 2021 – 2022 là hơn 55 tỉ đồng, năm học 2022 – 2023 trên 104 tỉ đồng. Qua đó, nhiều trường mầm non trong tỉnh đã có sự thay đổi toàn diện cả về cảnh quan, môi trường bên trong và bên ngoài lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô Nguyễn Thị Lơ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sữa, thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm học này, trường có 13 lớp học với trên 500 trẻ. Để trẻ được học tập, vui chơi thoải mái, nhà trường trang bị quạt mát, ti vi, điều hòa, có bình nước nóng tại các phòng học. Cùng đó, toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng chung hoặc riêng cho trẻ tại lớp học, bếp ăn đều được trang bị đúng yêu cầu. Đặc biệt sân chơi khu vực ngoài trời cho trẻ được mở rộng tối đa đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp được trang bị đầy đủ các thiết bị đồ chơi cho trẻ.

Không riêng đơn vị trên, qua 2 năm thực hiện chuyên đề, 100% trường mầm non trên toàn tỉnh đều chú trọng xây dựng môi trường vật chất trong và ngoài lớp học phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị như: tận dụng hiên chơi, cầu thang, bố trí các góc linh hoạt theo hướng mở; tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có tại chỗ để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; xây dựng góc thiên nhiên, góc địa phương, vườn cổ tích, khu chợ quê… Các góc chơi được bố trí phù hợp, thuận tiện cho quá trình trẻ chơi, tạo mọi cơ hội cho trẻ được hoạt động, trải nghiệm.

Ngoài ra, các trường còn tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên địa bàn và phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ủng hộ kinh phí, công lao động để xây dựng, cải tạo khuôn viên, làm đồ chơi bằng các nguyên vật liệu sẵn có giúp cho các góc chơi thêm phong phú, tạo môi trường xanh – sạch – đẹp – thân thiện, đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, thực hiện chuyên đề này, năm học 2020 – 2021 có 194 trường học trên địa bàn tỉnh được cấp 93 danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu gồm 4.966 thiết bị đồ dùng dạy học, 32.476 bộ thiết bị đồ chơi và học liệu, 557 bộ sách – tài liệu – băng đĩa dạy học cho trẻ; 5 danh mục danh mục đồ chơi ngoài trời gồm 1.583 bộ cung cấp cho 190 trường với tổng số tiền là 53,4 tỉ đồng. Năm học 2021 – 2022: mua sắm đồ dùng – đồ chơi – thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non gồm 45 danh mục (6.898 thiết bị đồ dùng dạy học, 14.988 bộ thiết bị đồ chơi và học liệu cung cấp cho 195 trường học trên địa bàn tỉnh); 1 danh mục danh mục đồ chơi ngoài trời (31 bộ cung cấp cho 31 trường) với tổng số tiền hơn 13,1 tỉ đồng.

Giúp trẻ học mà chơi, chơi mà học

Ngoài việc quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở, các cơ sở mầm non trên địa bàn cũng đặc biệt đổi mới tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ một cách đa dạng, phong phú, tạo mọi cơ hội cho trẻ được thỏa mãn nhu cầu vui chơi, học tập, hoạt động trải nghiệm. Theo đó, thời gian qua, các cơ sở mầm non đã chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp với độ tuổi, cảm nhận, hứng thú của trẻ như tổ chức tham quan lăng Bác, bảo tàng, di tích, doanh trại bộ đội; cho trẻ trải nghiệm làm bánh trôi, bánh chưng, chăm sóc vật nuôi, trồng rau, củ, tham gia các bữa tiệc món ăn tự chọn (tiệc Buffet)…

Đơn cử tại huyện Chi Lăng, 2 năm qua, 21/21 cơ sở mầm non trên địa bàn đều triển khai đa dạng các hoạt động ngoại khóa. Điển hình như tại Trường Mầm non Sơn Ca, nhà trường tổ chức bữa ăn thân thiện theo mô hình tiệc Buffet nhằm rèn cho trẻ nhiều kỹ năng trong việc ăn uống. Hoạt động này đã nhận được hưởng ứng tích cực của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Ông Hoàng Văn Vương, phụ huynh bé Hoàng Thiên Ân, lớp 3 tuổi, Trường Mầm non Sơn Ca cho biết: Tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp con tôi mạnh dạn, tự tin hơn. Chúng tôi cũng cảm nhận được con tôi và các bạn học đã có những thay đổi tích cực, hình thành một số kỹ năng cơ bản, rèn được thói quen tự lập, tự giác khi ăn uống, vệ sinh.

Cùng với các hoạt động ngoại khóa, các cơ sở giáo dục cũng tích cực hưởng ứng và triển khai các hội thi để kích thích trẻ, tạo hứng thú cho các em tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Trong đó, nổi bật là các hội thi trang trí lớp học, thiết kế đồ dùng học tập, hội thi an toàn giao thông cho nụ cười ngày mai, giao lưu tiếng Anh cho trẻ mầm non… Với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đến nay 100% trường mầm non đều đổi mới các hoạt động nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo hướng tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ học như chơi, chơi mà học.

Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thực hiện Chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 – 2025, sở đã đôn đốc, hướng dẫn phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chọn 2 – 3 trường mầm non đại diện cho vùng thuận lợi và khó khăn để xây dựng, chỉ đạo điểm về thực hiện. Nhằm giúp giáo viên nắm và triển khai hiệu quả chuyên đề này, sở đã tổ chức và yêu cầu các phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nội dung triển khai chuyên đề này cho đội ngũ giáo viên cốt cán các trường. Từ năm 2021 đến nay, ở cấp tỉnh đã tổ chức được 7 lớp với 1.706 lượt cán bộ, giáo viên tham gia; cấp huyện, thành phố tổ chức được 46 lớp với 10.113 lượt giáo viên tham gia…

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, trong 2 năm qua, các cơ sở mầm non trên địa bàn đã triển khai đồng bộ, sâu rộng và thực hiện hiệu quả các tiêu chí của Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Cụ thể, các cơ sở đều xây dựng được môi trường vật chất phù hợp với điều kiện thực tế từng đơn vị; 100% đơn vị xây dựng được bộ quy tắc ứng xử. Đội ngũ giáo viên mầm non nắm vững quy trình, phương pháp đánh giá sự phát triển của trẻ và tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp với khả năng, nhu cầu của trẻ; luôn chú trọng đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động, tăng cường khuyến khích trẻ chủ động, sáng tạo, đảm bảo cho trẻ được học mà chơi, chơi mà học… Kết quả này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Trong 2 năm qua, việc huy động trẻ mầm non ra lớp luôn được đảm bảo, năm học 2022 – 2023 này tổng số trẻ em mầm non trện địa bàn tỉnh ra lớp là 53.602 trẻ. Trong đó, trẻ mẫu giáo 5 tuổi, đạt tỷ lệ huy động 99,9%…

Để đảm bảo thực hiện hiệu quả chuyên đề đã đề ra trong những năm tiếp theo, thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học cụ thể hóa thực hiện các tiêu chí của chuyên đề; tiếp tục quan tâm đầu từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu, đồ chơi cho các trường mầm non. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên và hướng dẫn các đơn vị trường học cấp mầm non tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục, nuôi dạy trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm…

HOÀNG TÙNG - PHƯƠNG DUNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/584320-dong-bo-cac-hoat-dong-xay-dung-truong-mam-non-lay-tre-lam-trung-tam.html