Đồng bộ giải pháp giảm ùn tắc giao thông qua các dự án trong nội đô

Rào đường để phục vụ thi công các dự án hoàn thiện hạ tầng đô thị là nhiệm vụ bất khả kháng. Cần có những biện pháp đồng bộ, tối ưu nhất để giảm thiểu tối đa ùn tắc, người dân di chuyển thuận tiện, dễ dàng.

Khó tránh ùn tắc

Nhằm hoàn thiện và đồng bộ hạ tầng đô thị, thời gian qua nhiều dự án nằm trong khu vực nội thành Hà Nội được đồng loạt thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Vành đai 3 hay Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá…, các dự án được thi công trên phần đường đi lại của người dân, buộc đơn vị thi công phải rào chắn một phần lòng đường khiến giao thông rơi vào tình trạng ùn tắc.

Để thuận tiện cho việc đi lại của người dân, Sở GTVT tiến hành tổ chức lại giao thông tại các khu vực thi công. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp người dân đi lại thuận tiện hơn khi tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra tại những khu vực thi công dự án.

Hiện trạng giao thông qua nút giao Mai Dịch sau khi rào chắn thi công xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long

Ghi nhận của phóng viên kinh tế và Đô thị tại đoạn qua nút giao Mai Dịch, tại đây, đơn vị thi công dựng rào chắn để thi công Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, Vành đai 3. Sáng 10/7, cả nghìn người dân chen chân nhau nhích từng tí một. Đường Hồ Tùng Mậu ùn tắc kéo dài hơn 1km. Trên đường Phạm Hùng hướng đi Bến xe Mỹ Đình cũng xảy ra ùn ứ.

Do áp lực giờ đi làm buổi sáng, nhiều người dân nối đuôi nhau leo lên vỉa hè để di chuyển. Lực lượng Cảnh sát giao thông có mặt từ sáng sớm để hướng dẫn người dân di chuyển.

Tương tự, sáng 6/7, đơn vị thi công tiến hành dựng lô cốt tại ngã tư Nguyễn Trãi, đồng thời tổ chức lại giao thông khu vực này để phục vụ thi công vụ thi công các vị trí giếng/hố ga của Gói thầu số 02 thuộc Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, TP Hà Nội. Ngay trong chiều cùng ngày, tình trạng ù tắc các tuyến đường dẫn qua nút giao này diễn ra khá nghiêm trọng.

Chị Phạm Ngọc Hà, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Tôi mất 30 phút tôi mới có thể đi qua được nút giao. Từ hôm sau, tôi phải di chuyển theo hướng đường khác”.

Anh Nguyễn Văn Ngọc trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Tôi buộc phải đi qua nút giao Mai Dịch hàng ngày để đến công ty nằm ngay đường Hồ Tùng Mậu. Hy vọng rằng, dự án hoàn thành theo đúng tiến độ mà nhà thầu cam kết để việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn”.

Đồng bộ giải pháp để người dân đi lại thuận tiện hơn

Để việc đi lại của người dân được thuận tiện, Sở GTVT đã tiến hành nghiên cứu tổ chức phân luồng giao thông khu vực qua dự án và các tuyến đường lân cận. Hàng loạt phương án tổ chức giao thông đã được đưa ra. Hàng ngày, Sở GTVT này bố trí người ghi nhận tình hình giao thông để có những điều chỉnh sao cho phù hợp.

Hiện trạng giao thông đường Nguyễn Xiển sau khi thực hiện rào chắn phục vụ thi công các vị trí giếng/hố ga Gói thầu số 02, Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá

Các đội CSGT địa bàn đã có những phương án cụ thể để điều tiết, phân luồng cũng như hướng dẫn người dân đi lại. Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết: “Trước đây, tại nút giao Mai Dịch, đơn vị bố trí 2 cán bộ túc trực phân luồng giao thông. Thời điểm này, do việc rào chắn để phục vụ thi công dự án, tại đây, đơn vị bố trí 6 chiến sĩ căng mình hướng dẫn, phân luồng giao thông. Những ngày đầu, do nhiều người dân không biết phương án tổ chức giao thông mới nên xảy ra tình trạng ùn ứ. Áp lực giao thông cũng giảm dần do nhiều người chủ động đổi lộ trình di chuyển cũng như chấp hành phương án tổ chức giao thông mới”.

Tương tự, đại diện đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết: “Những ngày đầu, nhiều người dân chưa nắm rõ phương án tổ chức giao thông qua Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá nên xảy ra tình trạng lộn xộn cũng như không chấp hành biển báo giao thông. Đơn vị tăng cường thêm 3 chiến sĩ túc trực, phân luồng và hướng dẫn người dân đi lại thuận tiện nhất”.

Theo vị đại diện này, đơn vị cũng tiến hành đánh giá lưu lượng giao thông cụ thể từng thời điểm, từng tuyến đường để phối hợp với Sở GTVT điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu sao cho phù hợp nhất, qua đó tình hình giao thông dần đi vào ổn định hơn. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi ùn ứ do một phần đường bị rào chắn để thực hiện dự án”.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, việc rào chắn lòng đường để thi công các dự án hoàn thiện hạ tầng đô thị ở Hà Nội cùng với lưu lượng cũng như nhu cầu đi lại của người dân hiện nay, ùn tắc giao thông là khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cần có những giải pháp đồng bộ để tránh việc “vỡ trận” mỗi khi tổ chức lại giao thông, giảm thiểu tối đa ùn tắc để phục vụ thi công các dự án trong nội đô.

“Có thể thấy rằng, việc người dân nắm được phương án tổ chức giao thông là vô cùng quan trọng. Khi người dân biết trước được hướng di chuyển sẽ hạn chế được tình trạng lộn xộn tại các nút giao. Do vậy, trước khi tổ chức giao thông phục vụ thi công dự án cần thông báo sớm, rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân nắm được. Đồng thời, tổ chức dựng biển báo từ xa, to và rõ rang, dễ hiểu để người dân có hướng di chuyển phù hợp” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ.

Cùng với đó, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, việc tổ chức giao thông khu vực thi công và các tuyến đường lân cận cần được điều chỉnh thường xuyên, liên tục phù hợp với tình hình thực tế từng giai đoạn, thời điểm.

“Đối với chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công cũng cần nêu cao tinh trần trách nhiệm, thực hiện dự án đúng cam kết thời gian, tránh để tình trạng chậm tiến độ gây bức xúc cho Nhân dân. Thành phố cần có những chế tài mạnh tay hơn nữa để đốc thúc tiến độ những dự án bị chậm, thi công ì ạch và loại bỏ những nhà thầu không đủ năng lực khi thực hiện dự án tránh gây tình trạng bức xúc cho người dân” – chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-bo-giai-phap-giam-un-tac-giao-thong-qua-cac-du-an-trong-noi-do.html