Đồng bộ giải pháp thúc đẩy xuất khẩu ớt

Diện tích trồng ớt toàn tỉnh vụ Xuân năm 2023 là 1.479 ha, tăng gần 100 ha so với niên vụ năm 2022, dự ước sản lượng thu hoạch từ 12 đến 13 nghìn tấn. Nhằm nâng giá trị sản phẩm, các sở, ngành liên quan, chính quyền các huyện có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Sau một thời gian gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, cũng như gặp một số rào cản về tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, hiện sản phẩm ớt của tỉnh đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Chuẩn bị đủ điều kiện

Năm 2022, sản lượng ớt của tỉnh xuất khẩu hầu như không có, bởi thời điểm đó Lạng Sơn chưa chuẩn bị đủ các điều kiện theo yêu cầu về kiểm soát chất lượng, đóng gói sản phẩm. Do vậy, trước khi bước vào vụ ớt năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương và chính quyền các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Cao Lộc, Văn Quan đã chủ động họp, bàn việc triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ớt quả tươi của tỉnh.

Doanh nghiệp thu mua ớt tại huyện Chi Lăng. Ảnh: KIM CHI

Doanh nghiệp thu mua ớt tại huyện Chi Lăng. Ảnh: KIM CHI

Việc đầu tiên là Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện vận động bà con nông dân mở rộng vùng trồng ớt. Cụ thể, vụ ớt Xuân năm nay, người dân trồng tổng diện tích 1.479 ha, tăng gần 100 ha so với năm 2022. Trong đó, ngoài 2 địa bàn chủ lực là huyện Chi Lăng và Lộc Bình có diện tích trồng ớt lớn thì vùng trồng ớt xuất khẩu đã được mở rộng tại một số huyện như: Hữu Lũng, Văn Quan, Cao Lộc.

Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, để thúc đẩy xuất khẩu ớt, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, chi cục đã phối hợp với 4 huyện (Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Quan) tổ chức 4 lớp tập huấn, hướng dẫn thủ tục cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói ớt xuất khẩu. Qua các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức của bà con trồng ớt về các yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu, từ đó tổ chức trồng, chăm sóc, thu hoạch… theo đúng quy trình đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng ớt xuất khẩu. Song song với đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thực hiện rà soát 34 vùng trồng đã cấp mã số trước đó, đồng thời thực hiện các bước để cấp thêm 3 mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn. Qua đó, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 37 vùng trồng ớt được cấp mã số vùng trồng (36 mã vùng trồng ớt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và 1 mã vùng trồng ớt xuất khẩu sang thị trường Malaysia).

Bên cạnh việc cấp mã vùng trồng, ngành công thương, ngành nông nghiệp và chính quyền các huyện có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Bà Dương Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, phòng đã chủ động phối hợp với Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Organic Xương Lâm (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) thực hiện liên kết trồng giống ớt cao sản xuất khẩu (loại ớt GS102) với diện tích 70 ha trên địa bàn xã Khuất Xá, Tú Đoạn, Yên Khoái, Minh Hiệp, Thống Nhất, Hữu Khánh. Đây là giống ớt sinh trưởng mạnh, có thể trồng được 3 vụ/năm. Hợp tác xã hỗ trợ giống ớt và thực hiện thu mua 100% sản phẩm và cam kết giá bao tiêu luôn bằng và cao hơn thị trường 10%. Vì thế, sản lượng ớt thu hoạch đã được hợp tác xã thu mua với giá từ 20 – 25 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, huyện cũng tổ chức phối hợp với một số hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết khâu tiêu thụ sản phẩm ớt xuất khẩu.

Không chỉ huyện Lộc Bình, chính quyền các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan… cũng đã chủ động triển khai hoạt động liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong khâu tiêu thụ sản phẩm ớt, đặc biệt là hợp tác thúc đẩy xuất khẩu ớt.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ớt, sở đã phối hợp với Sở NN&PTNT và chính quyền một số huyện có diện tích trồng ớt lớn tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó, sở đã chủ động gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động thu mua, xuất khẩu ớt ở trong và ngoài tỉnh. Theo đó, trong vụ ớt xuân năm nay, đã có 22 doanh nghiệp, hợp tác xã thường xuyên thực hiện thu mua ớt tại địa bàn tỉnh để thực hiện xuất khẩu, hiện ớt thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.

Tiếp tục xây dựng vùng trồng bền vững

Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện sản lượng ớt quả tươi của tỉnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã đạt hơn 2 nghìn tấn trong tổng số hơn 7 nghìn tấn ớt đã thu hoạch. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực đối với ớt – một trong những sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của tỉnh.

Tuy vậy, để tiếp tục nâng cao sản lượng, hiệu quả từ hoạt động xuất khẩu ớt thì ngành nông nghiệp tỉnh, chính quyền các huyện… cần tiếp tục mở rộng và xây dựng vùng trồng bền vững.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thực tế hiện nay, không ít vùng trồng một số sản phẩm nông, lâm nghiệp, trong đó có ớt trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhưng chưa được tổ chức bài bản, diện tích trồng đáp ứng những yêu cầu về các tiêu chuẩn xuất khẩu còn ít. Đặc biệt, diện tích trồng ở nhiều khu vực chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ nên khó áp dụng công nghệ cao và kiểm soát an toàn thực phẩm. Chính những điều này khiến việc quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị chưa thực hiện đồng bộ được.

Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cánh Đồng Vàng Lạng Sơn chia sẻ: Từ đầu vụ ớt đến nay, công ty đã thu mua và thực hiện xuất khẩu hơn 700 tấn ớt của bà con trồng ớt trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, qua thu mua nhận thấy vùng trồng chuyên canh về ớt chất lượng cao xuất khẩu của tỉnh vẫn còn ít và thiếu. Do đó, phần lớn sản lượng ớt xuất khẩu của công ty vẫn phải thực hiện thu mua tại vùng nguyên liệu ở các tỉnh, thành phố khác.

Từ thực tiễn này cho thấy, để nâng cao sản lượng xuất khẩu ớt của tỉnh, việc đầu tiên cần tiếp tục làm cho các vụ ớt tới là các huyện có diện tích trồng ớt lớn cần xác định và xây dựng vùng trồng ớt tập trung, từ đó tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất ớt. Theo chia sẻ của ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để tiếp tục được xem xét, cấp thêm mã số vùng trồng thì các huyện như: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Quan, Cao Lộc… cần hình thành vùng sản xuất chuyên canh ớt và nhân rộng mô hình trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, cần xem xét đưa một số giống ớt cao sản ngắn ngày vào trồng để đảm bảo tối thiểu có thể trồng 3 vụ ớt/năm. Từ đó, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo nguồn sản phẩm ớt xuất khẩu thường xuyên.

Về vấn đề này, ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Hiện UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, chính quyền các xã bên cạnh việc tăng diện tích trồng ớt thì cũng tăng diện tích ớt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, theo đó, diện tích ớt VietGAP vụ Xuân năm nay đã đạt hơn 320 ha/746 ha, hướng tới sẽ nâng diện tích trồng ớt tiêu chuẩn VietGAP lên hơn 400 ha vào vụ hè thu năm nay. Cùng đó, huyện tiếp tục phối hợp với một số doanh nghiệp đã được cấp mã số cơ sở đóng gói sản phẩm ớt xuất khẩu để thực hiện bao tiêu sản phẩm.

Với những lợi thế về đất đai, Lạng Sơn có đủ khả năng để xây dựng vùng trồng ớt xuất khẩu theo một lộ trình bài bản. Để phát triển được vùng trồng ớt, chính quyền các huyện, thành phố tiếp tục rà soát những diện tích có thể xây dựng thành vùng trồng. Đồng thời, chú trọng đến đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã… để tiếp tục thúc đẩy và nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm ớt của tỉnh.

“Để xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc thì ớt của Việt Nam phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm theo đúng Lệnh 248 (quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu) và Lệnh 249 (quy định về biện pháp an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu ớt vào Trung Quốc phải đăng ký mã số với GACC để có Mã GACC thì mới đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, bà con nông dân cần chú ý đến chăm sóc, không được để có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Đồng thời, khi đóng gói ớt xuất khẩu cần chú ý đến quy cách về đóng gói (trên bao bì phải có hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Trung), đảm bảo an toàn thực phẩm, không được để lẫn ớt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với sản phẩm ớt xuất khẩu sang thị trường nước khác.”

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT)

TRÍ DŨNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/586145-dong-bo-giai-phap-thuc-day-xuat-khau-ot.html