Đồng bộ nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số

Những năm gần đây, đã có nhiều chương trình, đề án, chính sách đầu tư, phát triển lĩnh vực văn hóa vùng dân tộc thiểu số được ban hành, nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nguồn lực để xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển xã hội bền vững. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc còn một số vấn đề đáng quan tâm. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, làn sóng văn hóa ngoại lai xâm nhập làm không gian văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số biến đổi. Đáng lo ngại hơn, thế hệ trẻ hiện nay ít sử dụng tiếng dân tộc mình, không tha thiết với sinh hoạt văn hóa dân gian, coi nhẹ trang phục truyền thống. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một. Việc khai thác tiềm năng, giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch còn hạn chế. Hạ tầng giao thông và hệ thống thiết chế văn hóa thiếu đồng bộ; nguồn kinh phí nhà nước đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tu bổ tôn tạo di tích chưa đáp ứng nhu cầu…

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả các đề án, quy hoạch, dự án; có chính sách hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (về nhà ở, trang phục, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống…); ưu tiên hỗ trợ phát triển hoạt động văn hóa tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, cần khảo sát, đánh giá nhu cầu và nhận thức của đồng bào các dân tộc về văn hóa truyền thống, bởi các giá trị văn hóa chỉ có thể được bảo tồn, phát huy khi chính các chủ thể văn hóa nhận thức được tầm quan trọng và có hoạt động lưu giữ, trao truyền. Triển khai nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học liên quan đến sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc, gắn với phát triển du lịch bền vững. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở…

Với những vấn đề đang đặt ra như trên, Hội thảo Văn hóa 2022 rất thiết thực, khi tập trung vào thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Tôi mong rằng, thông qua diễn đàn quan trọng này, các vấn đề về bảo tồn, phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa các dân tộc thiểu số sẽ được đưa ra bàn thảo từ nhiều khía cạnh, từ đó đề xuất được nhiều giải pháp quan trọng để Quốc hội, Chính phủ từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, tác động tích cực tới việc lưu giữ, phát huy bản sắc các dân tộc.

Th. Nguyên ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/chum-y-kien-dai-bieu-i311588/