Đông Cao xây dựng thương hiệu rau an toàn

Với diện tích gieo trồng hơn 200 ha, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) cung cấp khoảng 20% sản lượng rau an toàn cho Thủ đô và các tỉnh lận cận.

Cánh đồng rau của nông dân xã Tráng Việt.

Với diện tích gieo trồng hơn 200 ha, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) cung cấp khoảng 20% sản lượng rau an toàn cho Thủ đô và các tỉnh lận cận.

Để tạo nguồn tiêu thụ ổn định, tránh cảnh “được mùa, mất giá”, xã đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho rau an toàn của địa phương, nhằm khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Giàu lên nhờ trồng rau

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 25 km, nên xã Tráng Việt và nhất là thôn Đông Cao có nhiều cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn như Hà Nội. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đàm Văn Đua cho biết, Đông Cao cung cấp khoảng 20% sản lượng rau an toàn cho thành phố và các tỉnh lân cận, với 27 đến 30 nghìn tấn/năm. Thôn có diện tích gieo trồng hơn 200 ha, trong đó có 134 ha được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 10 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các loại rau thế mạnh của Đông Cao là củ cải, cà chua, cải ngồng... và trong số này, có đến 100 ha luôn được các hộ dân thâm canh trong chín tháng mỗi năm. Từ tháng 5 đến tháng 8 do thời tiết nắng nóng, người dân chỉ trồng các loại cây dây leo như: bầu bí, mướp đắng, lặc lè… Nhờ sản lượng và giá cả ổn định, người nông dân thôn Đông Cao có thể thu nhập từ 100 đến khoảng 300 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Theo ông Đua, đây là kết quả của chính sách chuyển đổi cây trồng được xã triển khai từ năm 2012, thời điểm đánh dấu sự ra đời của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao. Trước đó, người Đông Cao chỉ trồng dâu nhưng do đất đai xấu, nên sản lượng không cao. Sau đấy, từ một vài héc-ta trồng rau ban đầu, các hộ dân mở rộng diện tích sản xuất. Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Đàm Văn Thìn cho biết thêm, trước đây, ở vùng bãi ven sông Hồng này, người Đông Cao cũng trồng lúa, trồng rau nhưng không hiệu quả, thu nhập bấp bênh. Từ năm 2000 đến 2002, người dân khắp nơi về đây sản xuất gạch thủ công, một mặt, họ khai thác đất, nung gạch làm ảnh hưởng đến môi trường, một mặt họ khoan nhiều giếng lấy nước sinh hoạt. Nhờ vậy, người dân Đông Cao đã học cách khoan giếng, rồi dần dần phá bỏ cây dâu để chuyển sang trồng rau do có nguồn tưới tiêu ổn định.

Sau khi các lò gạch thủ công được xóa bỏ vào năm 2010, Tráng Việt được huyện Mê Linh chỉ đạo xây dựng 20 ha rau an toàn bắt đầu từ năm 2012, ban đầu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân, sau là tổ chức tập huấn, tuyên truyền để các hộ hiểu rõ hơn quy trình sản xuất rau an toàn. Một số hộ mạnh dạn vay vốn để cải tạo đất, đầu tư trồng các loại rau củ sạch có giống từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ trước khi họ thấy rằng, loại đất ở đây phù hợp với rau củ. Từ vài hộ dân ban đầu, đến nay phần lớn thôn Đông Cao đều phát triển kinh tế bằng nghề trồng rau, với hơn 15 loại rau củ, rải đều các vụ trong năm. Thông thường, từ tháng 8 đến hết tháng 3, người dân trồng các loại rau củ, rồi xen đó là các loại rau màu như cải ngọt, cải ngồng hay rau gia vị. Một lứa rau từ 40 đến 60 ngày đã cho thu hoạch, với năng suất 1,8 tấn đến hai tấn/ha.

Điều đáng nói là ở Đông Cao, dưới sự hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các hộ dân đều áp dụng kỹ thuật tưới tiêu, sử dụng phân bón hợp lý (chỉ dùng phân hữu cơ, phân xanh, bột đậu tương…), phòng trừ sâu bệnh (ưu tiên sử dụng biện pháp thủ công, thuốc thảo mộc, hóa học cần thiết) để bảo đảm rau ra thị trường là rau an toàn. Cụ thể, người dân đã thành lập các nhóm GPS nhằm định vị công đoạn sản xuất từ lúc làm đất, gieo hạt, chăm sóc, bón phân… để giúp đỡ và giám sát lẫn nhau.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Từ ngày vùng sản xuất rau an toàn được công nhận, định hướng đúng về phát triển cây trồng của huyện Mê Linh và TP Hà Nội, đời sống của 1.200 hộ với 4.500 nhân khẩu thôn Đông Cao được nâng lên, thu nhập ổn định và họ có thể sống bằng sản xuất nông nghiệp. Thậm chí, người Đông Cao còn thuê đất ở các nơi chung quanh để mở rộng diện tích trồng rau hay thu hút lao động từ khắp nơi về tham gia những công đoạn như thu hoạch rau, phân loại, cắt tỉa làm sạch và đóng gói vào túi ni-lông, túi lưới, thùng nhựa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh việc diện tích trồng rau được mở rộng, chất lượng từng bước được nâng cao, rau an toàn của Đông Cao cũng phải đối mặt nhiều thách thức. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đàm Văn Thìn, khó khăn lớn nhất của thôn Đông Cao nói riêng và xã Tráng Việt nói chung là đầu ra, mặc dù các sản phẩm được phân phối trên thị trường dưới các hình thức: thương lái thu mua tại đầu bờ; hợp đồng với các công ty, cửa hàng cung ứng cho người tiêu dùng; đưa rau tận nhà khách hàng, cơ quan,… theo đơn đặt hàng; và bán ở các chợ đầu mối, dân sinh quanh khu vực Hà Nội. Hiện, chính quyền địa phương đang tìm kiếm một thị trường tiêu thụ ổn định để tránh lặp lại cảnh “được mùa, mất giá” như năm 2018 khi hàng trăm tấn củ cải có nguy cơ đổ bỏ nếu không có chính sách “giải cứu” kịp thời.

Đây là hạn chế rất lớn của rau an toàn Đông Cao do xã chưa xây dựng được thương hiệu, tem nhãn nhận diện. Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung đầu tư quảng bá và xây dựng thương hiệu, hợp tác với nhiều đối tác tiêu thụ song song với việc bảo vệ môi trường, nguồn nước tưới và hệ sinh thái. Đồng thời, chính quyền thôn và xã mong muốn các cấp, ngành quan tâm đầu tư hệ thống điện, đường giao thông nội đồng cũng như ngăn chặn hiện tượng khai thác cát khiến đất đai sạt lở ở vùng giáp ranh hai huyện Mê Linh và Thạch Thất, làm cho diện tích trồng rau bị thu hẹp.

Bài và ảnh: Mạnh Hào

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42448102-dong-cao-xay-dung-thuong-hieu-rau-an-toan.html