Dòng chảy phương Bắc 2: Thịnh vượng và suy yếu

Dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên có tên 'Dòng chảy phương Bắc 2' (Nord Stream 2) giữa Nga và Đức đã nhiều năm gây tranh cãi và bị trì hoãn hơn một năm. Nối lại từ đầu tháng 2 nhưng đến nay, một lần nữa Dự án đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi những diễn biến không cho thấy 'cuộc chiến' này sẽ 'hạ nhiệt'.

Thi công đặt một đoạn của đường ống Nord Stream 2 ở Biển Baltic vào năm 2018. Ảnh: AP

Thi công đặt một đoạn của đường ống Nord Stream 2 ở Biển Baltic vào năm 2018. Ảnh: AP

Áp lực từ Mỹ

Đầu tuần này, truyền thông quốc tế cho hay, Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo với Quốc hội nước này rằng, ít nhất 18 công ty của châu Âu đã chấm dứt tham gia vào Dự án hoặc cam kết rút khỏi dự án trước sự đe dọa trừng phạt của Mỹ. Hầu hết các công ty chấm dứt tham gia là các công ty bảo hiểm. Báo cáo nêu trên do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ký, đồng thời đề cập rõ ràng quan điểm của Đức rằng, chính phủ Đức vẫn hoàn toàn đứng sau Dự án.

Trong khi đó, phía Đức nhấn mạnh, Nord Stream 2 là một dự án kinh tế cần thiết và nước này kiên quyết bác bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, bởi những biện pháp này như một cuộc tấn công vào chủ quyền của Đức và Liên minh châu Âu (EU).

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định: “Việc các công ty châu Âu rút khỏi Dự án cho thấy, hành động của chính phủ Mỹ có hiệu quả và có những thành công”. Ông Price cũng cho biết, Mỹ chắc chắn sẽ có những hành động cứng rắn tiếp theo.

Đường ống dẫn dưới biển Baltic này được hỗ trợ bởi Đức, Áo và một số nước thành viên EU khác, cho phép dẫn thêm khí đốt của Nga chảy trực tiếp sang Đức. Đường ống dài 1.220km, đến nay đã hoàn thành hơn 90% và chỉ còn hơn 160km đường ống chưa thi công. Những người ủng hộ cho rằng đường ống này là một khoản đầu tư thương mại quan trọng đối với an ninh nguồn cung năng lượng của châu Âu, trong khi những người phản đối chỉ trích Nord Stream 2 là mối nguy hại về môi trường, địa chính trị và an ninh.

Giới quan sát cho rằng, Dự án nếu thành công sẽ là một chiến thắng lớn của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dự án giúp Đức liên kết mật thiết với Nga nhưng khiến châu Âu chia rẽ, bởi lẽ, phần lớn châu Âu là đồng minh của Mỹ - siêu cường quốc phản ứng dữ dội với Dự án này vì lợi ích. Mỹ “tấn công” Dự án vì lo ngại rằng, các đối tác châu Âu của mình quá phụ thuộc vào Nga và khí đốt của Nga.

Nhiều quốc gia châu Âu và các nước Baltic cũng cùng mối lo ngại như Mỹ rằng, Dự án sẽ giúp Nga mở rộng tầm ảnh hưởng đối với chính trị châu Âu. Tuy nhiên, những người chỉ trích Mỹ cho rằng, Mỹ chỉ đang tìm cách giữ “khách hàng khí đốt” của mình ở châu Âu.

Mặt khác, Nord Stream 2 sẽ giúp Nga không cần tới hệ thống trung chuyển ở Ukraine tồn tại hàng chục năm qua để vận chuyển khí đốt sang châu Âu. Vì vậy, Ukraine cũng phản đối Nord Stream 2 với quan điểm nước này sẽ mất vị thế và thiệt hại nguồn thu ước tính khoảng 3 tỷ USD mỗi năm.

Đáp lại những chỉ trích gay gắt, cả Đức và Nga đều kiên định rằng, Nord Stream 2 chỉ là một dự án thương mại thuần túy, góp phần thúc đẩy an ninh năng lượng châu Âu. Trước mắt, với nhu cầu sử dụng khí đốt trong nước của mình, Đức rất cần Nga như một nhà cung cấp khí đốt quan trọng.

Cuộc chiến không “hạ nhiệt”

Theo giới quan sát khu vực, việc các công ty châu Âu rút khỏi Dự án vừa qua đã phần nào cho thấy áp lực của Mỹ là khá nặng nề. Một điểm đáng chú ý được phân tích là việc báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ không công khai các mục tiêu mới của lệnh trừng phạt đối với các bên liên quan của Dự án, điều này có thể là động thái giúp chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có thêm thời gian để thảo luận với Đức nhằm định hình những chính sách về Dự án.

Chính quyền của ông Biden được đánh giá là có xu hướng tiếp cận giải quyết các vấn đề một cách hài hòa hơn so với chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump. Ở thời ông Trump, Mỹ nhiều lần gây sức ép với Đức và cho rằng dự án sẽ đẩy Đức và Mỹ bước vào một cuộc chiến thương mại.

Đường ống Nord Stream 2 dưới biển. Ảnh: Industryeurope.com

Về chính phủ mới của Mỹ, Tổng thống Biden cũng đang cho thấy các động thái cải thiện quan hệ với Đức – một đồng minh có truyền thống tốt đẹp ở châu Âu. Việc cải thiện quan hệ Mỹ - Đức là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là sau khi mối quan hệ này phải trải qua nhiều “sóng gió” trong 4 năm ông Trump cầm quyền. Dẫu vậy, trong những cuộc trao đổi gần đây với Đức về Dự án, chính quyền ông Biden vẫn đưa ra những lời đe dọa trừng phạt chống lại các doanh nghiệp liên quan đến Dự án này.

Giới quan sát chính trị Mỹ cho biết, dù đảng Cộng hòa của ông Trump hay đảng Dân chủ của ông Biden đều cùng chung ý chí phản đối Dự án Nord Stream 2 nhưng chắc chắn sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Nước Mỹ thời gian qua bị chia rẽ sâu sắc và theo lẽ tất yếu, nội bộ chính trường Mỹ cũng đang có những bất đồng liên quan đến Dự án này. Trong đó, nhiều quan điểm chỉ trích chính quyền ông Biden đang đi ngược lại ý chí chung của nước Mỹ và có thể, ông Biden đang cho rằng, Nord Stream 2 là Dự án tốt.

Hiện nay, Tổng thống Biden vẫn chưa đưa ra chính sách cụ thể đối với Dự án này, dù chính quyền của ông vừa qua khẳng định rằng, đây là một thỏa thuận tồi tệ và các doanh nghiệp liên quan đến Dự án đều phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Cũng theo giới quan sát, sau thời gian dài đình trệ, Dự án đã nối lại thi công vào ngày 6-2 vừa qua nhưng chính quyền Mỹ vẫn chưa triển khai các lệnh trừng phát bắt buộc với các bên liên quan, tạo nên luồng ý kiến cho rằng, chính quyền ông Biden có thể miễn trừ trừng phạt theo điều khoản vì lợi ích quốc gia. Dù không thực hiện trừng phạt nhưng không có nghĩa là “cuộc chiến” về Dự án này “hạ nhiệt”.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-chay-phuong-bac-2-thinh-vuong-va-suy-yeu-post437640.html