Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ qua những hiện vật ngàn năm

Những tài liệu, hiện vật có giá trị được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An có thể giúp chúng ta hình dung được dòng chảy lịch sử, văn hóa của quê hương xứ Nghệ và đất nước Việt Nam.

Với hơn 31.300 đơn vị tài liệu, hiện vật có giá trị, Bảo tàng Nghệ An là điểm đến cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của mảnh đất xứ Nghệ và đất nước Việt Nam. Mỗi hiện vật, tài liệu được trưng bày và lưu giữ tại đây có đời sống và tiếng nói riêng, góp phần giúp chúng ta hình dung được dòng chảy lịch sử, văn hóa và đời sống của miền quê bên bờ sông Lam. Ảnh: Công Kiên

Với hơn 31.300 đơn vị tài liệu, hiện vật có giá trị, Bảo tàng Nghệ An là điểm đến cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của mảnh đất xứ Nghệ và đất nước Việt Nam. Mỗi hiện vật, tài liệu được trưng bày và lưu giữ tại đây có đời sống và tiếng nói riêng, góp phần giúp chúng ta hình dung được dòng chảy lịch sử, văn hóa và đời sống của miền quê bên bờ sông Lam. Ảnh: Công Kiên

Bước vào không gian bảo tàng, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng hang Thẩm Ồm được mô hình hóa một cách sắc nét, có cảm giác như đang bước vào hang thật ở xã vùng cao Châu Thuận (Quỳ Châu). Hang Thẩm Ồm là di chỉ khảo cổ học, các di vật tìm thấy tại đây được xác định thuộc nền văn hóa Hòa Bình, cách ngày nay khoảng 20 vạn năm. Những ai chưa có điều kiện lên Quỳ Châu khám phá hang Thẩm Ồm có thể tới đây để có được sự hình dung và cảm nhận bước đầu về không gian của di chỉ khảo cổ học nổi tiếng này. Ảnh: Đức Anh

Những công cụ bằng đá được tìm thấy ở địa bàn huyện Yên Thành cho thấy vùng đất này từng là nơi cư trú của người Việt cổ. Đồng thời, thể hiện kỹ thuật, trình độ chế tác của những cư dân sinh sống từ hàng nghìn năm trước. Ảnh: Đức Anh

Bàn chày nghiền được tìm thấy ở xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), là dụng cụ để nghiền các loại hạt, cách ngày nay 6.000 - 4.000 năm. Ảnh: Đức Anh

Những chiếc trống đồng này được tìm thấy ở địa bàn huyện Quỳ Hợp, được xác định thuộc văn hóa Đông Sơn, cách nay khoảng hơn 2.000 năm. Điều này khẳng định văn hóa, kinh tế Nghệ An từng phát triển rực rỡ trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Ảnh: Đức Anh

Những bức tượng bằng đồng gom nhặt từ khắp mọi nơi trong tỉnh cho thấy ở Nghệ An nghề đúc đồng từ xa xưa đã rất phát triển, kỹ thuật của những người thợ đã đạt đến mức tinh xảo. Đồng thời, thể hiện quan niệm nhân sinh, thẩm mỹ và tín ngưỡng của người xưa. Ảnh: Đức Anh

Những chiếc bình vôi bằng gốm được xác định niên đại từ thế kỷ XV - XVIII được trang trí hoa văn tinh xảo, giàu tính thẩm mỹ. Ảnh: Đức Anh

Bộ sưu tập đồ dùng sinh hoạt bằng gốm sứ niên đại từ thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XX nói lên đời sống thẩm mỹ của cư dân xứ Nghệ trong giai đoạn lịch sử này. Ảnh: Đức Anh

Những mộc bản kinh Phật ở các giai đoạn lịch sử sưu tầm được ở Nghệ An cho thấy Phật giáo đã từng rất thịnh hành trên vùng đất bên bờ sông Lam. Ảnh: Đức Anh

Các loại vũ khí, tiền và sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam được trưng bày tại bảo tàng đã góp phần khẳng định Nghệ An là vùng quê địa linh nhân kiệt, sản sinh nhiều bậc anh tài, giàu truyền thống yêu nước và cũng từng là nơi giao thương phát triển. Ảnh: Đức Anh

Bức ảnh Thành Nghệ An được xây dựng kiên cố năm 1831, là trung tâm chính trị, quân sự, công trình phòng thủ của tỉnh Nghệ An thời nhà Nguyễn nói lên vị trí trọng yếu của vùng đất này trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Đúng như nhà nghiên cứu Phan Huy Chú từng viết trong "Lịch triều hiến chương loại chí" rằng: "Thực là nơi hiểm yếu, như thành đồng ao nóng của nước, và là then khóa của các triều đại". Ảnh: Đức Anh

Hệ thống đơn từ có từ thời Nguyễn được lưu giữ đến tận ngày nay. Đây là nguồn tư liệu quý giúp chúng ta hiểu được một phần cơ chế quản lý của triều đình nhà Nguyễn. Ảnh: Đức Anh

Công Kiên - Đức Anh

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/dong-chay-van-hoa-xu-nghe-qua-nhung-hien-vat-ngan-nam-272647.html