Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại huyện Cẩm Thủy

Sáng 4-9, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại huyện Cẩm Thủy.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh động viên một gia đình bị thiệt hại do lũ lụt tại xã Cẩm Phong.

Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Võ Duy Sang, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; đồng chí Lê Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh.

Trước khi làm việc với huyện Cẩm Thủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến thăm hỏi, chia buồn, động viên các gia đình có người thân bị thiệt mạng trong đợt lũ lụt ở xã Cẩm Phú, thị trấn Cẩm Thủy; kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt ở xã Cẩm Phong.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm hỏi, động viên, chia buồn với gia đình nạn nhân Bùi Văn Liêm, ở xã Cẩm Phú, bị thiệt mạng do lũ.

Theo báo cáo nhanh của huyện Cẩm Thủy, từ ngày 29 đến ngày 31-8, trên sông Mã xuất hiện lũ lớn, mực nước đo được tại Trạm Thủy văn Cẩm Thủy đạt 22,2 m, vượt báo động 3 là 1,7 m và cao hơn trận lũ lịch sử năm 2007 là 0,33 m. Trận lũ lần này có phạm vi ảnh hưởng rộng, gây thiệt hại nặng nề. Trên địa bàn huyện đã có 5 người ở các xã: Cẩm Phú, Cẩm Sơn, Cẩm Lương, Cẩm Bình và thị trấn Cẩm Thủy bị thiệt mạng do lũ lụt. Toàn huyện có 2 nhà bị sập, 4.649 hộ dân, 11 điểm trường, 5 trạm y tế, 5 công sở xã, 29 nhà văn hóa, bưu điện văn hóa xã, 1 đình làng bị ngập. Trong đó có 3.825 hộ dân, với 18.293 nhân khẩu phải sơ tán. Đến sáng 4-9, huyện còn 146 hộ dân ở các xã Cẩm Phong, Cẩm Lương, Cẩm Thạch chưa thể trở về nhà ở và sinh hoạt bình thường được. Nguyên nhân là do lượng bùn đất còn ứ đọng trong nhà lớn. Bên cạnh đó, còn có 1.555 ha lúa; hơn 744 ha mía, gần 136 ha rau màu các loại, 40,75 ha ngô, 48,66 ha cây ăn quả, 6,8 ha cây lâm nghiệp, 8,42 ha cây công nghiệp khác bị ngập; khoảng 14.049 con gà, 282 con lợn... bị chết; 30 trạm bơm bị ngập và hư hỏng; đập dâng Dương Huệ, xã Cẩm Phong và đập Ngán Vải, xã Cẩm Ngọc bị sạt mang, vai đập; nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị vùi trong bùn đất với độ dày từ 60 đến 100 cm... Thống kê các chỉ tiêu thiệt hại của huyện ước khoảng 200 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nông nghiệp khoảng 101,5 tỷ đồng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại xã Cẩm Phong.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã phát biểu đánh giá tình hình thiệt hại và bàn những giải pháp giúp huyện Cẩm Thủy sớm khắc phục hậu quả lũ lụt.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân vùng lũ huyện Cẩm Thủy và các huyện khác trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Đồng chí đánh giá cao công tác chỉ đạo của huyện Cẩm Thủy và các đơn vị trong việc ứng phó với mưa lũ, cũng như bố trí lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý các ngành, địa phương: Vấn đề cần tập trung trong công tác khắc phục hậu quả lũ lụt hiện nay là thông đường đến vùng còn bị cô lập, sạt lở đất và huyện Mường Lát; giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, nước sạch sinh hoạt cho người dân, không để xảy ra dịch bệnh sau lũ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm việc với lãnh đạo huyện Cẩm Thủy.

Đối với huyện Cẩm Thủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND đề nghị, huyện cần tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng, các địa phương vùng lũ thống kê và đánh giá sát đúng tình hình thiệt hại do lũ lụt, khẩn trương báo cáo về tỉnh để tỉnh báo cáo Chính phủ. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần thường xuyên thăm hỏi, động viên người dân vùng lũ, nhất là những gia đình có người bị thiệt mạng do lũ. Huyện cần huy động cả hệ thống chính trị tập trung lực lượng giải quyết sớm việc 146 hộ dân đang còn phải sơ tán, chậm nhất trong 2 ngày tới các hộ dân phải được trở về nhà. Hiện nay, nước lũ đã rút, huyện tập trung cho vấn đề xử lý môi trường, tiêu độc, khử trùng ở những vùng ngập lụt, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh. Tỉnh sẽ bảo đảm cấp đủ lượng thuốc, hóa chất cho huyện, vấn đề là địa phương, các ngành cần sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tiếp tục nắm tình hình của nhân dân vùng ngập lụt, tránh để tình trạng người dân bị đói, thiếu lương thực. Trên cơ sở nắm lại tình hình, huyện sớm có phương án tổ chức sản xuất cho người dân sau lũ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ về các vùng bị lũ lụt để hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân. Tinh thần chung là người dân chủ động, với sự tương trợ, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và các ngành. Với những vùng không có đê huyện cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phương án hợp lý, như: Xây dựng đê, di dời các hộ dân... Tập trung cao để chỉ đạo các điểm trường khắc phục hư hại do lũ lụt, tổ chức thành công lễ khai giảng năm học mới. Tỉnh sẽ đồng hành cùng với huyện tập trung khắc phục những thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tập trung giải quyết vấn đề lương thực, giao thông, đê điều, hồ đập và các chế độ, chính sách, phương án tổ chức sản xuất cho người dân các địa phương bị lũ lụt. Đồng thời, đánh giá sát đúng lại toàn bộ các công trình đê điều, giao thông, hồ đập thủy lợi. Sau đánh giá cần có phương án khắc phục, bảo vệ ngay những công trình cấp thiết, nhằm bảo đảm an toàn khi có mưa lũ xảy ra.

Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/js1p13/new-article.aspx