Đồng chí Đỗ Mười, như tôi biết

Qua công việc và tiếp xúc mỗi khi có dịp, tôi có may mắn được biết đồng chí Đỗ Mười, một nhà lãnh đạo đã giữ những trọng trách cao trong Đảng, một tấm gương lớn trong công việc và trong sinh hoạt thường ngày.

Một người sống hơn trăm tuổi như đồng chí Đỗ Mười, xưa nay rất hiếm. Trường thọ và có những đóng góp, cống hiến lớn lao cho đất nước và nhân dân, suốt đời nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; khi đương chức cũng như khi từ biệt cõi đời luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân yêu mến, kính trọng như đồng chí Đỗ Mười càng hiếm.

Đồng chí Đỗ Mười có hơn tám mươi năm hoạt động cách mạng; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng; đã từng bị thực dân Pháp bắt bớ giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò; được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao nhiều trọng trách trong Đảng và trong bộ máy lãnh đạo nhà nước, mà nhiệm vụ nào cũng tận tâm, tận lực, đều hoàn thành vẻ vang; đều để lại những dấu ấn hết sức sâu đậm trong trí nhớ của mọi người.

Đồng chí Đỗ Mười là người đứng mũi chịu sào vào những thời điểm đất nước trải qua những thử thách vô cùng khó khăn. Chỉ nói riêng hai việc: Thời điểm chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; lãnh đạo đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, từ bỏ chủ trương, chính sách chỉ cho phép tồn tại hai thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp từng ăn sâu, bám rễ trong tư duy, cách nghĩ, cách làm của hàng triệu người. Những câu chuyện, việc làm có thật đồng chí đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua ngày ấy, bây giờ nhắc lại cứ như những câu chuyện ngoài trái đất.

Ngày ấy, cơn địa chấn Liên Xô - Đông Âu sụp đổ kéo theo sự hoang mang, khủng hoảng, thoái trào về tư tưởng, niềm tin vào con đường đi lên của đất nước. Một câu hỏi lớn, vô cùng hệ trọng đặt ra: Không còn chỗ dựa Liên Xô, không còn phe xã hội chủ nghĩa, Việt Nam có trụ vững, có tiếp tục đi lên chủ nghĩa xã hội được không? Với tư duy lý luận đổi mới và sự nhạy cảm chính trị, là người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, đồng chí Đỗ Mười đã đưa ra câu trả lời. Không phải bằng những bài thuyết giảng lý luận dài dòng, trừu tượng, khó hiểu mà là những quyết sách cụ thể, kịp thời, đầy sáng tạo trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại... vô cùng sáng suốt và đúng đắn, đưa đất nước thoát hiểm, tiếp tục vượt lên phía trước.

Đổi mới để tiến lên. Muốn tiến lên phải đổi mới. Thực tiễn ngày ấy, như tôi hiểu, đó là cách ứng xử vừa mang tính cách mạng, vừa khoa học của Đảng ta mà đồng chí Đỗ Mười là một trong những nhà lãnh đạo đã dũng cảm chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua phong ba bão táp.

Nhằm thống nhất những nhận thức và hành động trong Đảng, sau Đại hội Đảng lần thứ VII, Trung ương mở các lớp quán triệt Nghị quyết Đại hội và bồi dưỡng các vấn đề lý luận mới. Một đội ngũ giảng viên được lựa chọn kỹ càng. Nhưng rồi học viên tất cả các lớp đều thích nghe đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười hơn cả. Các bài giảng của đồng chí vừa thể hiện tầm tư duy lý luận sâu sắc, vừa gần gũi, sinh động, đổi mới, sát thực tiễn. Như cách nói bây giờ, đồng chí là người truyền cảm hứng đổi mới cho toàn thể đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng, đồng thời cũng là nhà lãnh đạo rất nhạy cảm trong việc tiếp nhận và thực thi kiên quyết tư tưởng Nhà nước pháp quyền, để rồi từng bước ghi vào Hiến pháp của đất nước. Cũng với tinh thần ấy, từ bài học nóng hổi ở Thái Bình, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo việc thể chế hóa quyền làm chủ trực tiếp của người dân. Những chỉ đạo quan trọng ấy của đồng chí như những cột mốc đánh dấu sự đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta trong lĩnh vực kinh tế cũng như chính trị.

Điều đặc biệt có ý nghĩa là vào những năm đồng chí giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, thế giới đã chứng kiến những bước đi ngoại giao vô cùng ấn tượng của Việt Nam. Phải chăng những gì hôm nay chúng ta đang nói về “chủ động và tích cực hội nhập” đã bắt nguồn từ ngày ấy. Phá thế bị bao vây cấm vận; Thiết lập quan hệ bình thường với Trung Quốc (1991); Gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông - Nam Á - ASEAN - năm 1995; và cũng năm ấy, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.

Tưởng nhớ đồng chí Đỗ Mười, tôi muốn nhắc lại đôi điều có thể nhiều người coi là việc bình thường hoặc việc nhỏ. Như mọi người thường thấy, dù là tiếp khách quốc tế hay trong nước, ở trung ương hay làm việc với địa phương, hình ảnh đồng chí Đỗ Mười gắn liền với sự giản dị. Có người hỏi vì sao đồng chí thường mặc bộ vét Tôn Trung Sơn. Đồng chí trả lời rất chân thành và thật giản đơn: “Tôi hay viêm họng. Mặc thế này cho ấm cổ, mà lại không phải thắt cà-vạt”. Nhưng rồi có lẽ để dư luận khỏi băn khoăn nêu câu hỏi vì sao, đồng chí chuyển sang mặc những bộ com-lê may trong nước, bằng đũi hoặc chất liệu vải bình dân. Những ai có dịp tới thăm ngôi nhà số 11 Phạm Đình Hổ, nơi đồng chí đã ở suốt mấy chục năm càng thấy được cuộc sống giản dị của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Không thấy đồ dùng nào quý hiếm, đắt tiền, óng ánh mạ vàng, chạm bạc trong căn nhà của đồng chí. Trong ăn uống đồng chí lại càng giản dị, thậm chí có phần kiêng khem, kham khổ. Tôi được nghe không ít lần đồng chí nói muốn được ăn bát phở nhưng các con và bác sĩ cứ bắt phải ăn kiêng. Những lần tôi tiếp cơm khi đồng chí về thăm tỉnh Hà Nam, những món đồng chí ưa thích là rau, dưa, là xôi chấm muối vừng. Có lần đồng chí hỏi: “Ngày trước mắm tép Hà Nam rất ngon, nay có còn không?”.

Đồng chí Đỗ Mười không chỉ luôn nêu gương mà còn kêu gọi mọi người thực hành tiết kiệm. Khi giữ chức Tổng Bí thư, đồng chí yêu cầu Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương chỉ uống nước chè xanh chứ không dùng nước khoáng là có thật. Việc đồng chí không cho xây mới trụ sở của Đảng để tiết kiệm ngân sách và nêu gương cho các địa phương cũng là có thật. Một việc nhiều người cho là việc nhỏ, đó là đồng chí không cho cài hoa lên ngực áo, cũng là có thật. Một lần tôi đi cùng đồng chí tới dự kỷ niệm ở một cơ quan. Tới bàn lễ tân, ai cũng nhận được “một bông hoa tươi thắm”. Riêng đồng chí Đỗ Mười không nhận. Tôi học tập và làm theo. Vào hội trường, mọi người phát hiện có hai người không được cài hoa lên ngực. Lễ tân vội vàng lấy hoa đưa tới. Một lần nữa đồng chí Đỗ Mười bảo đừng cài. Đồng chí giải thích với tôi về những sự lãng phí, phô trương, hình thức đang diễn ra chung quanh chúng ta. Mỗi bông hoa vài nghìn đồng. Hàng trăm, hàng triệu bông hoa như thế bỏ đi là lãng phí. Lại thêm ô nhiễm môi trường. Sau hôm đó, trong một lần họp ngành văn hóa - thông tin, tôi yêu cầu trong ngành phải nêu gương, từ nay các hội nghị không được mua nơ, mua hoa cài lên ngực các đại biểu. Tôi rất vui khi người xem truyền hình nhắn tin vào điện thoại “biểu dương” tôi đang ngồi trên hàng ghế đầu mà không gắn hoa trên ngực như các đại biểu chung quanh. Tôi đoán, phải là người trong ngành văn hóa - thông tin mới để ý tôi kỹ như thế. Học tập đồng chí Đỗ Mười, từ ngày ấy tôi không bao giờ nhận những “bông hoa tươi thắm” để cài lên ngực. Trong những năm làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, tôi đã chỉ đạo bỏ được việc tặng túi quà tại các cuộc mít-tinh kỷ niệm cấp quốc gia. Mỗi túi quà không đáng giá là bao, nhưng nhiều túi quà cũng là tốn kém. Mà mỗi lần mua sắm là mỗi lần dễ xảy ra ăn chia, bớt xén công quỹ của cơ quan!

Nhiều cán bộ còn học được ở đồng chí Đỗ Mười thói quen đọc sách hằng ngày. Không ít đồng chí lãnh đạo tới thăm hay tới làm việc lúng túng khi thấy đồng chí giơ lên một cuốn sách mới xuất bản và hỏi: “Đồng chí đã đọc cuốn sách này chưa?”. Và thêm, mọi người học được phong cách chỉ đạo sát sao, cụ thể ở đồng chí. Không ít lần tôi tiếp nhận các cuộc gọi của đồng chí qua điện thoại. Khi thì vấn đề khiếu kiện của dân, khi là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, khi là quy hoạch sân golf, khi thì đồng chí nhắc việc các đài truyền hình quảng cáo các hình ảnh phản cảm... Với Thủ đô Hà Nội, đồng chí luôn quan tâm, khen ngợi, động viên những việc làm tốt, nhắc nhở, phê bình những việc chưa tốt. Trong khi chỉ đạo những vấn đề vĩ mô, bao quát, đồng chí không quên, không coi nhẹ những việc cụ thể trong cuộc sống đời thường của nhân dân.

Đồng chí Đỗ Mười đã vĩnh biệt chúng ta. Đồng chí ra đi nhưng cuộc sống chung quanh ta vẫn lưu dấu biết bao kỷ niệm đẹp, ân tình, sâu nặng mà đồng chí đã hiến dâng cho dân, cho nước. Đất nước và nhân dân mãi mãi ghi nhớ và luôn dành cho đồng chí những tình cảm kính trọng và biết ơn.

PHẠM QUANG NGHỊ

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37831002-dong-chi-do-muoi-nhu-toi-biet.html