Đồng chí Hoàng Đình Giong- tấm gương người cộng sản mẫu mực, kiên trung

Từ một thanh niên trí thức, đồng chí Hoàng Đình Giong đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành đảng viên cộng sản lớp đầu tiên của Đảng. Đồng chí là tấm gương đạo đức sáng ngời của người cộng sản; người cán bộ lãnh đạo gần dân, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Đồng chí Hoàng Đình Giong sinh ngày 1-6-1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là phường Đề Thám, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) trong một dòng họ giàu truyền thống khoa bảng và yêu nước. Từ khi còn đi học, chứng kiến cuộc sống cơ cực, thống khổ của người dân Việt Nam dưới ách cai trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, với lòng căm thù giặc sâu sắc, Hoàng Đình Giong đã viết nhiều bài luận bộc lộ tư tưởng yêu nước, chống giặc ngoại xâm, do vậy anh sớm bị mật thám Pháp theo dõi.

Đến tháng 3-1926, khi là học sinh Trường Bách nghệ (Hà Nội), Hoàng Đình Giong đã tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh, sinh viên đòi tổ chức lễ tang và lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Phong trào bị đàn áp, Hoàng Đình Giong cùng một số học sinh khác bị đuổi học và phải trở về Cao Bằng. Từ đây, anh lại mang nhiệt huyết của mình để tuyên truyền lòng yêu nước, căm thù giặc trong học sinh tại Hòa An và thị xã Cao Bằng, đồng thời tìm cách bắt liên lạc với những thanh niên yêu nước tiến bộ và quyết định sang Trung Quốc, liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện chính trị do Hội tổ chức cuối năm 1927. Tháng 6-1928, Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của đồng chí khi lựa chọn đi theo con đường của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 12-1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập chi bộ ở Long Châu (Trung Quốc). Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào mùa Xuân năm 1930, đồng chí Hoàng Đình Giong trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và là đảng viên đầu tiên của tỉnh Cao Bằng.

Ngày 1-4-1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập. Đồng chí Hoàng Đình Giong với vai trò tiên phong, lãnh đạo đã xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng với phong trào cách mạng trong nước. Đồng chí được dẫn đầu đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ Nhất Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) tháng 3-1935 và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trở thành Ủy viên Trung ương Đảng khi mới 31 tuổi.

Đồng chí Hoàng Đình Giong là một tấm gương người cộng sản mẫu mực, kiên trung, bất khuất, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Cuối năm 1935, đồng chí trở về nước và tổ chức chỉ đạo phong trào công nhân tại Hải Phòng, Quảng Ninh và bị thực dân Pháp bắt đày đi biệt xứ tại một đảo thuộc Châu Phi. Năm 1944, lợi dụng danh nghĩa đồng minh chống phát xít, đồng chí được không quân Anh chở về nước và cho nhảy dù xuống bản Ngần, xã Vĩnh Quang, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Tháng 10-1944, đồng chí Hoàng Đình Giong, lúc này có tên mới là Văn Tư, được Trung ương Đảng phân công cùng Tỉnh ủy Cao Bằng xây dựng, tổ chức lực lượng vũ trang, tập hợp quần chúng dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí đã hăng hái bắt tay vào nhiệm vụ mới, nhanh chóng xây dựng, tổ chức lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh dựa trên sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức chính trị, các đoàn thể quần chúng.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đồng chí Hoàng Đình Giong cùng Ban Tỉnh ủy Cao Bằng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa thành lập chính quyền cách mạng trước khi quân Nhật vào.

Ngày 13-8-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Đảng bộ Cao Bằng đã họp và cử ra Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Trưởng ban. Được tin quân Tưởng đang tràn vào nước ta với danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, hòng âm mưu chiếm đóng thị xã Cao Bằng, đồng chí Hoàng Đình Giong đã quyết định tập trung lực lượng, khẩn trương giành chính quyền tại thị xã Cao Bằng, không để quân Tưởng chiếm đóng, gây khó khăn cho cách mạng sau này. Ngày 21-8-1945, đồng chí chỉ huy một đơn vị giải phóng quân tiến vào thị xã Cao Bằng. Ngày 22-8-1945, thị xã Cao Bằng được giải phóng, chính quyền về tay nhân dân. Quyết định mau lẹ, kịp thời của đồng chí Hoàng Đình Giong đã giúp lực lượng cách mạng sớm làm chủ thị xã Cao Bằng, giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào nước ta để lấy tư cách chủ nhà tiếp đón quân đồng minh. Thế và lực của cách mạng nhờ đó đã chuyển biến theo hướng thuận lợi hơn.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tháng 10-1945, đồng chí Hoàng Đình Giong được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành Võ Văn Đức. Cái tên mang ý nghĩa một người vừa có văn, có võ lại có đức và được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chú cầm quân ra chiến trường, văn, võ đều cần, nhưng phải chú trọng cái đức của người cán bộ cách mạng”. Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng bộ đội Nam tiến vào miền Nam chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang trong những ngày đầu chống Pháp, ngày 23-11-1945, Hội nghị Quân sự Nam Bộ cử đồng chí Nguyễn Bình làm Tư lệnh, đồng chí Võ Văn Đức (đồng bào Nam Bộ thường gọi là Vũ Đức) làm Chính ủy Quân giải phóng Nam Bộ. Tháng 12-1945, Xứ ủy Nam Bộ quyết định chia Nam Bộ thành 3 chiến khu, đồng chí Vũ Đức được phân công làm Khu bộ trưởng Khu 9 và cùng một đơn vị tiếp tục Nam tiến đến Cà Mau.

Lúc này, tình hình Nam Bộ gặp rất nhiều khó khăn. Quân Pháp trở lại chiếm đóng nhiều nơi ở miền Trung và Tây Nam Bộ. Đồng chí Vũ Đức chủ trương tạm thời rút các đơn vị chủ lực về Cà Mau để củng cố tổ chức. Chỉ trong một thời gian ngắn, chiến tranh nhân dân ở miền Tây Nam Bộ phát triển mạnh mẽ, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.

Đầu năm 1946, quân địch dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền chia rẽ gây hận thù dân tộc, tôn giáo, kích động người Khmer chống lại người Việt, kích động tín đồ Cao Đài, Hòa Hảo chống lại cách mạng. Trước tình hình phức tạp đó, đồng chí Vũ Đức đã đi thực tế tại một số địa phương ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Phước Long, đồng thời hòa giải được nhiều mâu thuẫn, xung đột, tăng cường giáo dục về đường lối chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng trong cộng đồng người Khmer và người Việt, để bà con hiểu và không mắc mưu của kẻ thù.

Việc xử lý ổn thỏa những bất hòa đó đã tác động tích cực đến sự ổn định về chính trị, xã hội không chỉ tại Khu 9 mà còn ở các tỉnh Nam Bộ. Ban Biên chính Khmer tại nhiều tỉnh ở Nam Bộ ra đời, đóng vai trò nòng cốt giải quyết các vấn đề mâu thuẫn giữa các dân tộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, một lòng ủng hộ kháng chiến, giúp đỡ bộ đội, cán bộ.

Đến đầu tháng 4-1946, các cuộc xung đột đã chấm dứt; đồng bào Khmer kính trọng gọi đồng chí Vũ Đức là “Cụ Vũ”. Nhân dân và cán bộ quân sự Khu 9 luôn quý trọng, biết ơn đồng chí trong những năm đầu kháng chiến đã góp phần củng cố và tổ chức lại bộ đội, giải quyết đúng đắn chính sách dân tộc, xây dựng tình đoàn kết dân tộc Việt và Khmer. Cùng với đó, đồng chí đã xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, bám đất, bám dân, xây dựng căn cứ địa ở miền Tây Nam Bộ, đó là căn cứ địa U Minh vững chắc cho cả cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo để chiến đấu chống kẻ thù.

Cuối tháng 11-1946, Trung ương điều đồng chí Vũ Đức ra Bắc họp. Khi đồng chí di chuyển đến Khu 6 thì nhận được quyết định của Trung ương phân công ở lại làm Khu bộ trưởng Khu 6, trực tiếp chỉ huy các đơn vị chủ lực ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Đồng chí đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Ninh Thuận tháng 5-1947, trong một trận càn của thực dân Pháp.

Dù ở cương vị nào, từ Chỉ huy Bộ đội Nam tiến, rồi Chính ủy Giải phóng quân Nam Bộ, Khu bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 9, Khu 6, với bản lĩnh, trí tuệ sáng suốt, đồng chí Hoàng Đình Giong đều đề ra những chủ trương đấu tranh đúng đắn trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao…, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, cùng với quân dân Nam Bộ đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.

Cuộc đời 43 năm của đồng chí tuy không dài, nhưng đầy chiến công và tự hào. Đồng chí đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo xuất sắc, một chỉ huy quân sự giàu bản lĩnh và kinh nghiệm, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

PGS, TS NGUYỄN XUÂN TRUNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/dong-chi-hoang-dinh-giong-tam-guong-nguoi-cong-san-mau-muc-kien-trung-575430