Đồng chí Lê Văn Lương: Tâm và tầm của người làm công tác cán bộ

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, suốt cuộc đời cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương đã luôn quan tâm chăm lo công tác cán bộ cho Đảng, thể hiện được cả tâm và tầm của một nhà lãnh đạo, tổ chức của Đảng. Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tham dự hội thảo khoa học 'Đồng chí Lê Văn Lương - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Hội thảo được Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp tổ chức vào sáng 26/03 theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu Hà Nội và Hưng Yên. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Lê Văn Lương tên khai sinh là Nguyễn Công Miều, sinh năm 1912 tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. 15 tuổi, đồng chí đã sớm tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, Đông Dương Cộng Sản Đảng, và 18 tuổi đã trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay khi Đảng được thành lập.

Đồng chí Lê Văn Lương bị thực dân Pháp bắt giam và kết án tử hình năm 19 tuổi, sau đó được giảm án và đày ra Côn Đảo. Với ý chí trung kiên, quả cảm cùng tài năng tổ chức và lãnh đạo xuất sắc, đồng chí trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng và tham gia lãnh đạo giành chính quyền trong nhà tù Côn Đảo. Ngay trong những ngày chiến thắng này, đồng chí đã có ý định chuẩn bị cán bộ cho cuộc đấu tranh lâu dài sau này.

PGS.TS NGUYỄN MINH ĐỨC, Nguyên Cán bộ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: “Trong những ngày chiến thắng, Lê Văn Lương còn ngồi miệt mài, cặm cụi chép danh sách 1866 tù chính trị, các đảng viên trung kiên đã được thử thách trong nhà tù Côn Đảo để báo cáo với Đảng, mà vừa chép vừa ngậm ngùi vì trong số hơn 5000 đảng viên bị đày ra Côn Đảo thì đã có một số ít mãn hạn tù, còn lại nhiều người nằm lại nghĩa trang Hàng Dương.”

Là người đầu tiên giữ chức vụ Giám đốc Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc (Nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) vào năm 1949 đến 1956, đồng chí đã góp phần quan trọng trong công tác cán bộ.

PGS.TS LÊ VĂN LỢI, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Dấu mốc đầu tiên là chuẩn bị cán bộ cho công cuộc kháng chiến, thứ hai là đồng chí chuẩn bị cán bộ cho Đại hội II của Đảng năm 1951 cũng như chuyển từ hoạt động Bí mật sang hoạt động công khai của Đảng. Việc chuẩn bị rất công phu qua việc đào tạo bài bản. Thứ ba là chuẩn bị cán bộ cho xây dựng CNXH miền Bắc và công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.”

Cũng trong giai đoạn này, đồng chí đảm nhiệm vai trò thứ trưởng Bộ Nội vụ (1954-1956). Trong điều kiện đầy biến động của đất nước, ông cùng với lãnh đạo Bộ tham mưu, chỉ đạo để ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng trong xây dựng bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương; kiểm soát biên chế hành chính, chế độ tiền lương, phụ cấp; công tác cán bộ, lựa chọn cán bộ, học sinh đi đào tạo ở nước ngoài và rất nhiều nội dung quan trọng khác. Những chính sách ấy đều thể hiện tầm nhìn dài hạn cũng như cái "tâm" của người làm công tác cán bộ và cho đến hôm nay những nội dung này vẫn là tiền đề cho việc đổi mới hoạt động bộ máy nhà nước.

TS. TRẦN NGHỊ, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ: “Bộ Nội vụ, Chính phủ đã tham mưu cho Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các thành phố trực thuộc Trung ương chúng ta ban hành Luật Chính quyền địa phương, xây dựng đề án Tổng thể mô hình tổ chức hệ thống chính trị, chuẩn bị nghiên cứu để xây dựng đề án vị trí việc làm cho cả hệ thống chính trị, chúng ta có ban chỉ đạo Trung ương về biên chế trong hệ thống chính trị, tôi chỉ nói ngắn gọn như vậy để thấy những công việc mà Đảng và Nhà nước chúng ta đang triển khai hiện nay đã được đặt nền móng về tư tưởng lý luận và cả kiểm nghiệm bước đầu trong thực tiễn từ thời đồng chí Lê Văn Lương giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ.”

Khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất năng lực. Những chủ trương, chính sách quan trọng trong quá trình hoạt động của mình được ông cụ thể hóa trong hơn 10 năm đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội từ 1977-1986. Thời gian này ông đã cùng tập thể lãnh đạo và nhân dân khắc phục những vấn đề khó khăn gay gắt nhất, trăn trở tìm con đường đổi mới như: tổ chức lực lượng xung kích của thành phố đi xây dựng kinh tế mới, tổ chức quy hoạch và mở rộng đô thị; sáng tạo đề xuất bỏ Ban đại diện chính quyền ở tiểu khu, thành lập chính quyền phường; xóa bỏ trạm kiểm soát ở cửa ngõ Thủ đô, tạo thuận lợi cho lưu thông hành hóa; cho phép 1 số cơ sở kinh tế mũi nhọn thí điểm cách thức làm ăn mới; xây dựng một số công trình hạ tầng đô thị. v,v.. đây cũng là cơ sở để Hà Nội cùng Trung ương tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986. Đồng chí cũng đặc biệt quan tâm đến công cuộc xây dựng Đảng, đổi mới công tác sinh hoạt Chi bộ, phát triển Đảng, công tác nêu gương và đặc biệt là kỷ luật Đảng. Những vấn đề mà đến nay Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Ông NGUYỄN VĂN PHONG, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Riêng trong 2 năm 1977, 1978, Thành ủy Hà Nội dưới sự lãnh đạo của đồng chí, rà soát, đánh giá và đã xem xét kỷ luật tới 14900 đảng viên, gần 10% đảng viên lúc này, để thấy đó là người rất kiên định, kiên quyết trong củng cố, xây dựng Đảng, song song đó thì đồng chí quan tâm đến phát triển Đảng, đồng chí là tấm gương mẫu mực trong việc nêu gương của mình trong công việc cũng như đời sống và sinh hoạt.”

Với cái "tâm" và cái tầm ấy, đồng chí Lê Văn Lương đã tạo được uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ông cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt tin cậy và là người học trò mẫu mực, gần gũi của Bác. Đánh giá về quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương, các đại biểu khẳng định, cho dù ở cương vị nào, ở địa phương hay Trung ương, ở Chính phủ hay cơ quan Đảng, ông cũng luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính, công tác cán bộ, ở đâu ông cũng tận trung với nước, tận hiếu với dân, ở đâu ông cũng nêu tấm gương sáng về lòng tận tụy trung thành, đức cần kiệm liêm chính, khiêm tốn, giản dị và trung thực. Lúc nào ông cũng đặt lợi ích cách mạng lên trước hết và trên hết.

Thực hiện : Phan Xanh Khánh Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dong-chi-le-van-luong-tam-va-tam-cua-nguoi-lam-cong-tac-can-bo