Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực

Cuộc đời cao đẹp và sự nghiệp cách mạng kiên trung của đồng chí Lương Khánh Thiện (1903-1941), nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, mãi mãi là tấm gương sáng, mẫu mực và là niềm vinh dự, tự hào đối với các thế hệ người Việt Nam.

Đối với đất nước, đồng chí là một người chiến sĩ cộng sản kiên cường đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cao đẹp của Đảng. Còn đối với Hà Nội, đồng chí là người cán bộ lãnh đạo chủ chốt gương mẫu, trí tuệ, sáng tạo và có những đóng góp rất quan trọng trong phong trào cách mạng của Thủ đô.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng với các đại biểu dự hội thảo khoa học “Đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam”. Ảnh: Bá Hoạt

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng với các đại biểu dự hội thảo khoa học “Đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam”. Ảnh: Bá Hoạt

Người cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng

Đồng chí Lương Khánh Thiện, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Mễ Tràng, xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm (nay thuộc TP Phủ Lý), tỉnh Hà Nam. Năm 1923, khi tròn 20 tuổi, đồng chí xin vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng và bắt đầu được giác ngộ cách mạng. Từ đây, đồng chí cùng với các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đức Cảnh, Lưu Bá Kỳ hoạt động bí mật ở khu vực Nhà máy Tơ, Hải Phòng. Năm 1925, đồng chí cùng một số chiến sĩ cách mạng ở khu vực Hải Phòng tham gia vận động học sinh bãi khóa, để hưởng ứng phong trào viết đơn đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và bị nhà trường đuổi học. Tháng 2-1926, đồng chí về Nam Định làm công nhân ở Nhà máy Sợi và vận động thành lập Hội Tương tế, để giúp đỡ công nhân nhà máy lúc khó khăn và đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi quyền lợi với giới chủ. Năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định ra đời, đồng chí là một trong những hội viên đầu tiên tham gia tổ chức thanh niên yêu nước này. Đầu năm 1928, đồng chí trở lại Hải Phòng, làm công nhân ở xưởng cơ khí Nhà máy Tơ. Sau đó, đồng chí liên lạc được với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Cách mạng Hải Phòng và đến tháng 4-1929 gặp đồng chí Hoàng Quốc Việt; tiếp tục hoạt động trong các phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi của công nhân ở Hải Phòng và các địa phương phụ cận như: Hải Dương, Quảng Yên, Hòn Gai.

Với sự nỗ lực vượt bậc và có những đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh cách mạng, tháng 4-1929, đồng chí Lương Khánh Thiện vinh dự được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Thời gian này, đồng chí được tổ chức Đảng phân công trực tiếp phụ trách phong trào công nhân của Nhà máy Chai (Hải Phòng). Tháng 6-1929, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt và kết án tù khổ sai chung thân. Mùa hè năm 1931, đồng chí bị địch đày ra Côn Đảo. Tại nhà tù,
đồng chí vẫn bí mật hoạt động. Tháng 6-1936, Chính phủ mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, trước phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Đông Dương phát triển rất mạnh mẽ, thực dân Pháp phải trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó có đồng chí Lương Khánh Thiện. Tháng 11-1936, ngay sau khi ra tù, đồng chí Lương Khánh Thiện đã liên hệ với tổ chức Đảng ở Hà Nội để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Từ một thanh niên nghèo, sớm giác ngộ cách mạng, với ý chí tự tu dưỡng, rèn luyện, không ngại hy sinh, gian khổ, đồng chí Lương Khánh Thiện đã nỗ lực phấn đấu và có những đóng góp quan trọng đối với phong trào công nhân thời kỳ đầu cách mạng; thể hiện rõ phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ kiên trung, người đảng viên cộng sản mẫu mực, xứng đáng là một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Và những đóng góp nổi bật cho Đảng bộ Hà Nội

Những gắn bó, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện với phong trào cách mạng Hà Nội bắt đầu vào cuối năm 1936, khi đồng chí liên lạc được với tổ chức Đảng và các đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh), Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu. Đây cũng là giai đoạn bắt đầu một thời kỳ mới - thời kỳ hoạt động bí mật của đồng chí Lương Khánh Thiện với vai trò trực tiếp lãnh đạo xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể cách mạng và phong trào công nhân ở Thủ đô Hà Nội.

Trong gần 5 năm sau đó gắn bó với địa bàn Hà Nội, đồng chí đã có những đóng góp nổi bật ở hai lĩnh vực. Một là, tích cực tham gia hoạt động tại các tờ báo ở Hà Nội để vận động, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh thần yêu nước và đấu tranh cách mạng cho công nhân, thanh niên và quần chúng nhân dân. Hai là, với trọng trách là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ và Bí thư Thành ủy Hà Nội (từ tháng 3-1937 đến cuối tháng 9-1940), đồng chí Lương Khánh Thiện đã có những đóng góp rất quan trọng đối với phong trào cách mạng của Thủ đô, thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Quá trình hoạt động tại các tờ báo công khai của đồng chí Lương Khánh Thiện bắt đầu từ cuối năm 1936 khi đồng chí được tổ chức Đảng phân công cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt và một số đồng chí khác hoạt động bí mật trong tòa soạn Báo Lao động (Le Travail). Đầu năm 1937, chi bộ báo chí được thành lập, do đồng chí Trường Chinh làm Bí thư đã lãnh đạo đấu tranh, gạt bỏ những phần tử phản động, Tờ-rốt-kít ra khỏi các cơ quan báo chí và tiến hành phê phán những tư tưởng lệch lạc còn sót lại trong một số bài báo. Những bài nghị luận được đăng trên Báo Lao động thời bấy giờ đã thu hút đông đảo người đọc.

Được nhân dân tín nhiệm cao, ngày 16-4-1937, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ra tờ báo tiếng Việt công khai đầu tiên của Đảng, mang tên “Hà Thành thời báo”, tiếp đó ra tờ “Bạn dân” của Đoàn Thanh niên dân chủ. Đồng chí Lương Khánh Thiện được chi bộ báo chí giao chỉ đạo, duyệt các nội dung bài viết trước khi đăng. Nội dung các tờ báo của Đảng tập trung vạch trần bộ mặt xấu xa, thối nát của chế độ thực dân phong kiến, phản ánh đời sống khổ cực và các nguyện vọng của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng, qua đó góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị và kinh nghiệm lãnh đạo các phong trào cách mạng của cán bộ, đảng viên; có tác động thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân trong thời kỳ vận động dân chủ 1936-1939.

Một mốc son rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện là vào tháng 3-1937, tại Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện được tín nhiệm bầu vào Xứ ủy, được cử là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội và từ cuối tháng 9 đầu tháng 10-1940, là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Trong thời gian này, đồng chí đã có những đóng góp rất quan trọng đối với phong trào cách mạng Thủ đô, nổi bật trên các mặt: Lãnh đạo xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản; lãnh đạo xây dựng và phát triển mạnh phong trào công nhân và lập Hội Ái hữu, đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống. Đặc biệt, đồng chí Lương Khánh Thiện đã có nhiều đóng góp quan trọng để khôi phục và phát triển phong trào cách mạng của Hà Nội thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, góp phần mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng.

Để chỉ đạo phong trào thanh niên theo đúng Nghị quyết của Quốc tế cộng sản, đầu năm 1937, đồng chí Lương Khánh Thiện với vai trò là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã bàn bạc với tập thể Thành ủy quyết định đổi tên “Đoàn Thanh niên cộng sản” thành “Đoàn Thanh niên dân chủ”, để lôi cuốn, mở rộng tổ chức thanh niên. Nhờ vậy đã thu hút được đông đảo thanh niên, học sinh tham gia, với nhiều hoạt động phong phú như: Báo chí, truyền bá quốc ngữ, lập nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tổ chức cắm trại, du lịch, văn nghệ, thể thao. Trường tư thục Thăng Long là nơi có phong trào thanh niên, học sinh rất mạnh, đã cung cấp cho Đoàn, cho Đảng nhiều cán bộ ưu tú như: Trần Quang Huy, Lê Quang Đạo, Nguyễn Thọ Chân, Lê Trung Toản...

Thời kỳ 1936-1939, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, Thành ủy Hà Nội lập Ban Công vận, do đồng chí Lương Khánh Thiện, Bí thư Thành ủy trực tiếp phụ trách, để đi sâu vào các xí nghiệp, nhà máy, ngành nghề, thống nhất tổ chức và hành động cho thợ thuyền và lao động. Với kinh nghiệm phong phú, đồng chí đã cùng Ban Công vận chỉ trong một thời gian ngắn xây dựng được 26 Hội Ái hữu, thu hút hàng vạn quần chúng lao động ở hầu hết các xí nghiệp, công sở, ngành nghề tham gia; đẩy mạnh hơn nữa phong trào đấu tranh của công nhân Thủ đô. Với cương vị Trưởng ban Công vận, ngày 11-5-1937, đồng chí Lương Khánh Thiện đã cử Đoàn đại biểu lao động Hà Nội đến gặp Thanh tra lao động của chính quyền thực dân Pháp để đấu tranh đòi lập nghiệp đoàn; thi hành Luật Lao động; lập Ủy ban Điều tra về tình hình lao động ở các xưởng.

Đối với việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng của Hà Nội thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, đồng chí Lương Khánh Thiện đã chỉ đạo sát sao, triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất lúc bấy giờ là, xây dựng phát triển cơ sở Đảng, vận động quần chúng, chắp mối liên lạc với những đảng viên đang hoạt động bí mật ở Hà Nội; cử cán bộ, đảng viên tăng cường vào các nhà máy, xí nghiệp, các ngành nghề và các vùng ngoại thành. Nhờ những hoạt động tích cực, nhiều cơ sở Đảng được xây dựng và phát triển mạnh như: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Khuy, Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Diêm… và trong các ngành nghề như: In, ảnh, dệt, mộc, xẻ đã lập được chi bộ Đảng.

Năm 1938, cuộc vận động thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương của Đảng bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ta đã chủ động đề ra chủ trương sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, củng cố những cơ sở Đảng đã có, lập thêm cơ sở mới ở Hà Nội làm nơi cung cấp thông tin liên lạc và để bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật trong nội thành. Đồng chí Lương Khánh Thiện cùng với một số đồng chí lãnh đạo tiến hành mở thêm được nhiều cơ sở cách mạng.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10-1940, đồng chí Lương Khánh Thiện được Đảng phân công phụ trách khu B (gồm các tỉnh: Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương) và trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng. Tháng 1-1941, trong khi đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng, không may đồng chí bị địch bắt. Trước mọi cực hình tra tấn rất dã man của kẻ thù, đồng chí Lương Khánh Thiện vẫn giữ vững ý chí cách mạng kiên cường và khí tiết cao đẹp của người đảng viên cộng sản. Biết không thể nào khuất phục được đồng chí, sáng 1-9-1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí tại chân núi Áng Sơn (Kiến An, Hải Phòng).

Đồng chí Lương Khánh Thiện đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và phong trào cách mạng ở Hà Nội. Hình ảnh một người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất, một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội vẫn còn sống mãi đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam cũng như trong tâm hồn mỗi người dân Thủ đô và đất nước.

* *
*

Đối với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, đồng chí Lương Khánh Thiện mãi là một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng, cống hiến trọn đời cho lý tưởng của Đảng, hạnh phúc của nhân dân. Ghi nhớ, biết ơn với những đóng góp to lớn của đồng chí với phong trào đấu tranh cách mạng ở Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP Hà Nội, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

NGÔ THỊ THANH HẰNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/915504/dong-chi-luong-khanh-thien---nguoi-chien-si-cong-san-kien-trung-mau-muc