Đồng chí Phạm Văn Hiểu kiểm tra công tác giao thôngthủy lợi và sản xuất nông nghiệp tại huyện Thới Lai

* Đẩy nhanh tiến độ kịp đưa công trình kè chống sạt lở, xâm nhập mặn tại sông Cái Sơn vào sử dụng cuối năm 2020

(CT)- Ngày 5-2, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, đã kiểm tra công tác giao thông thủy lợi và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, kiểm tra tình hình thu hoạch lúa của nông dân tại huyện Thới Lai. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, kiểm tra tình hình thu hoạch lúa của nông dân tại huyện Thới Lai. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Đoàn đã kiểm tra tình hình thực hiện đầu tư, xây dựng các tuyến đường giao thông tại xã Trường Thành, huyện Thới Lai gồm: tuyến Lò Mo-Lung Sập, tuyến Sáu Ký, tuyến Mương Khai... Đây là các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng bê tông hóa kết hợp với làm hệ thống đê bao và thủy lợi chủ động nước tưới tiêu cho khoảng 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp tại xã Trường Thành, trong đó có nhiều diện tích đang được nông dân trồng các loại cây ăn trái giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao: sầu riêng, xoài, nhãn, vú sữa. Các công trình này do Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Trong đó, tuyến Lò Mo-Lung Sập có chiều dài hơn 2,85km (mặt đường rộng 4m, cao trình đê bao + 2m), với tổng mức đầu tư hơn 7,19 tỉ đồng và tuyến Sáu Ký dài hơn 2,36km, với tổng mức đầu tư hơn 1,25 tỉ đồng, đã được thực hiện đầu tư xây dựng trong năm 2019. Năm 2020, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai xây dựng tuyến Mương Khai (đoạn từ Xẻo Xào đến Đìa Muồng) có chiều dài hơn 2,36km, với tổng mức đầu tư dự kiến là 5,4 tỉ đồng và xây dựng một số công trình cầu giao thông để kết nối, hoàn thiện hệ thống giao thông thủy lợi tại địa phương và liên thông với các xã lân cận.

Đoàn cũng đã thăm quan một số mô hình trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Đặc biệt là mô hình trồng sầu riêng tại ấp Trường Thạnh, xã Trường Thành đã giúp cho nhà vườn nơi đây có thể đạt thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời, kiểm tra tình hình thu hoạch lúa đông xuân 2019-2020 của nông dân tại huyện Thới Lai. Vụ đông xuân 2019-2020, huyện Thới Lai xuống giống gieo trồng được hơn 18.860ha lúa. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện Thới Lai, đến nay nông dân đã thu hoạch được gần 200ha lúa, với năng suất ước đạt 7,1 tấn/ha. Nhìn chung, việc thu hoạch lúa của nông dân có nhiều thuận lợi nhờ trời nắng và nền đất ruộng khô ráo, lúa được thu hoạch nhanh lẹ bằng máy gặt đập liên hợp.

Kiểm tra thực tế các công trình giao thông thủy lợi và tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Thới Lai, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, đánh giá cao hiệu quả của các công trình giao thông thủy lợi tại địa phương trong việc tạo thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển giao thương và các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn trái. Đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cùng huyện Thới Lai cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện các công trình. Quan tâm theo dõi sát tình hình thu hoạch, tiêu thụ lúa đông xuân của nông dân để có các hỗ trợ kịp thời.

w Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã khảo sát thực tế, kiểm tra tiến độ xây dựng kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) khu vực sông Cái Sơn (thuộc quận Ninh Kiều, Bình Thủy); kè chống sạt lở sông Ô Môn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ).

Đồng chí Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bên phải, hàng đầu), cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế xây dựng tại công trình kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó BĐKH khu vực sông Cái Sơn. Ảnh: H.VĂN

Kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó BĐKH khu vực sông Cái Sơn có tổng chiều dài trên 2,8km, từ cầu Cái Sơn 1 (đường tỉnh 923) đến cầu Sáu Bé (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy). Công trình xây dựng kiên cố, với cao trình đỉnh kè +2,8m, có hệ thống lan can, thu gom và thoát nước thải, chiếu sáng công cộng, vỉa hè, đường giao thông rộng thoáng… nhằm ứng phó BĐKH. Tổng kinh phí xây dựng trên 288,58 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương thuộc chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đối ứng của thành phố. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 12-2019, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12-2020. Hiện công trình thi công đảm bảo chất lượng, đạt theo yêu cầu thiết kế…

Các dự án: Kè chống sạt lở sông Ô Môn có tổng chiều dài 4.331,64m; Kè chống sạt lở sông Ô Môn - khu vực Thới An (phía bờ phải) dài 430m, đã đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, tạo diện mạo sáng, sạch, đẹp tại địa phương…

Sau khi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu chủ đầu tư, UBND quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy tăng cường phối hợp, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại công trình kè chống sạt lở, xâm nhập mặn khu vực sông Cái Sơn. Xem xét bồi thường, hỗ trợ di dời và xét tái định cư thỏa đáng, đúng quy định cho các hộ dân bị ảnh hưởng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Đối với các công trình kè chống sạt lở sông Ô Môn, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác bảo vệ, phát huy hiệu quả sử dụng và vận động người dân xây dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp ở các tuyến kè…

KHÁNH TRUNG-H.VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dong-chi-pham-van-hieu-kiem-tra-cong-tac-giao-thong-thuy-loi-va-san-xuat-nong-nghiep-tai-huyen-thoi-a117861.html