Động đất liên tiếp ở Kon Tum có đáng lo ngại?

Sáng 13/3, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum lại hứng trận động đất 2.9 độ richter, đây là trận động đất thứ 12 tại đây kể từ đầu tháng 3/2023.

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó vào lúc 02 giờ 20 phút 08 giây ngày 13/03/2023 (Giờ GMT) tức 09 giờ 20 phút 08 giây ngày 13/03/2023 (giờ Hà Nội), trận động đất có độ lớn 2.9, độ sâu chấn tiêu 8,,1km đã xảy ra ở tọa độ 14.850N - 108.209E thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến trận động đất này.

Như vậy, chỉ tính riêng trong 10 ngày đầu tháng 3, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã hứng chịu tổng cộng 12 trận động đất. TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, động đất xảy ra liên tục tại địa phương này. Qua quan trắc, bước đầu Viện Vật lý Địa cầu đánh giá nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa.

Khu vực huyện Kon Plông, nơi liên tiếp xảy ra các trận động đất vừa qua. (Ảnh: Google Earth)

Khu vực huyện Kon Plông, nơi liên tiếp xảy ra các trận động đất vừa qua. (Ảnh: Google Earth)

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, động đất có thể được phân làm 2 loại là: Có nguồn gốc tự nhiên và do hoạt động của con người. Động đất tự nhiên hình thành do quá trình tích lũy năng lượng phát sinh bởi các đứt gãy kiến tạo hoặc ở vùng có phun trào núi lửa… tạo nên. Trong khi đó, động đất kích thích do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa đập thủy điện, khai thác mỏ, vụ nổ hạt nhân.

"Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước…", ông Xuân Anh giải thích thêm.

Về tần suất động đất nhiều tại Kon Plông thời gian gần đây, chuyên gia cho rằng, hiện tượng động đất kích thích này tương tự đã từng xuất hiện tại Thủy điện sông Tranh năm 2012 và đến nay vẫn còn động đất ở đây. Các trận động đất lớn thường kèm theo tiền chấn và dư chấn nên động đất sẽ thường xuất hiện theo chuỗi. Các trận động đất vừa qua đều có độ lớn nhỏ hơn 4, tức là ở mức độ nhẹ và không có khả năng gây ra thiệt hại.

Mặc dù vậy, ông Xuân Anh lưu ý, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và độ lớn của chúng trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện vẫn cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.

Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ năm 1903 đến 2020, khu vực tỉnh Kon Tum ghi nhận 33 trận động đất với cường độ M=2,5 – 3,9. Từ tháng 2/2021, động đất xuất hiện và xu hướng gia tăng. Từ năm 2021 đến nay, nơi đây xảy ra trên 300 trận động đất mới.

Trong số đó, trận động đất cường độ 4,7 độ richter xảy ra vào hồi 14h 08 phút 04 giây ngày 23/8 là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay tại tỉnh Kon Tum. Trận động đất này gây tiếng động và rung lắc lớn, ảnh hưởng tới các khu vực lân cận.

Các trận động đất tại khu vực này chưa ghi nhận thiệt hại về người. Song, các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dong-dat-lien-tiep-o-kon-tum-co-dang-lo-ngai-169230313104659154.htm