Động đất ở Nhật Bản: Đại sứ quán Việt Nam thông tin công tác bảo hộ công dân, cung cấp các kênh liên lạc khẩn cấp

Ngay sau khi xảy ra hàng loạt trận động đất cường độ lớn tại Nhật Bản, Công sứ Nguyễn Đức Minh đã trao đổi với báo chí về công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Nhà thể thao của một trường học tại thành phố Wakura Onsen, tỉnh Ishikawa, nơi lao động Việt Nam tại Nhật Bản đến lánh nạn sau khi xảy ra động đất. (Nguồn: TTXVN)

Xin ông cho biết về tình hình trận động đất bán đảo Noto và các biện pháp Đại sứ quán đã, đang và sẽ triển khai trong công tác bảo hộ công dân?

Chiều ngày 1/1/2024, hơn 20 trận động đất mạnh đã xảy ra trên diện rộng dọc bờ biển phía Tây miền Trung Nhật Bản, trong đó trận động đất lớn nhất xảy ra tại bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa với cường độ 7,6 độ richter – cấp 7 (cao nhất trên thang cường độ địa chấn của Nhật Bản).

Công sứ Nguyễn Đức Minh. (Nguồn: ĐSQ VN tại NB)

Động đất mạnh gây sóng thần đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và của cho các huyện lỵ gần tâm chấn gồm: Noto, Wajima, Shigacho, Nanao, Suzu… Nhiều nhà dân và một số nhà cao tầng bị đổ sập, đường sá bị đứt gãy, hàng vạn hộ dân bị mất điện, nước, gas. Cho đến nay, có khoảng 50 người bị chết, số người bị thương vong tiếp tục tăng, hàng trăm nghìn người đã phải sơ tán.

Ngay sau khi xảy ra trận động đất, với tinh thần đảm bảo sự an toàn, tính mạng của công dân Việt Nam là trên hết và trước hết, Đại sứ quán, dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao và Đại sứ, đã và sẽ tiếp tục:

Một là, nhanh chóng, chủ động và tích cực nắm thông tin và lập tức đăng thông báo tình hình và các đường dây nóng (các số điện thoại hotline) hỗ trợ bảo hộ công dân trên website của Đại sứ quán cũng như website và các nhóm liên lạc online của các hội đoàn người Việt Nam tại Nhật Bản;

Hai là, thành lập nhóm công tác đặc biệt của Đại sứ quán để bám sát thông tin, nhất là thông tin liên quan đến an toàn của người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại các địa phương bị ảnh hưởng của động đất.

Nhóm công tác đã liên hệ và giữ liên lạc chặt chẽ, lập đường dây nóng với các cơ quan chức năng sở tại (Cơ quan phòng chống thiên tai quốc gia, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, chính quyền và cảnh sát các tỉnh bị ảnh hưởng, các bệnh viện trong vùng…), các hội đoàn người Việt tại các địa phương bị động đất để tìm hiểu thông tin về tình hình người Việt tại các khu vực bị ảnh hưởng, hướng dẫn công tác hỗ trợ công dân và thực hiện công tác bảo hộ công dân cho người Việt;

Ba là, yêu cầu các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tiếp nhận lao động Việt Nam đảm bảo sơ tán người lao động đến nơi an toàn, cung cấp và đảm bảo các nhu yếu phẩm cần thiết cho công dân Việt Nam; hướng dẫn bằng tiếng Việt khi cần thiết;

Bốn là, cử nhóm công tác của Đại sứ quán đến khu vực bị ảnh hưởng để thăm hỏi và kịp thời hỗ trợ cho công dân ta. Đại sứ quán cũng liên hệ chặt chẽ với các cơ quan trong nước như Cục Lãnh sự/Bộ Ngoại giao Việt Nam để cập nhật thông tin, phối hợp công tác bảo hộ công dân.

Cho đến 21h ngày 2/1, theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản cung cấp cho Đại sứ quán, hiện chưa ghi nhận về thương vong của người Việt do động đất.

Cho đến 21h ngày 2/1, theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản cung cấp cho Đại sứ quán, hiện chưa ghi nhận về thương vong của người Việt do động đất.

Một diễn biến khác, liên quan đến vụ va chạm máy bay của hãng Japan Airlines chiều tối ngày 2/1 tại sân bay Haneda (Tokyo), Đại sứ quán cũng đã liên hệ ngay với các cơ quan chức năng sở tại và đến nay không ghi nhận có người Việt nào bị ảnh hưởng trong vụ va chạm này.

Với tình hình hiện tại, Đại sứ quán có khuyến cáo gì cho công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi trận động đất?

Trong bối cảnh ảnh hưởng của trận động đất khá nặng nề, dư chấn sẽ còn tiếp diễn trong một số ngày tới, Đại sứ quán khuyến cáo tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản thường xuyên theo dõi chặt chẽ các thông báo cập nhật, tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng Nhật Bản, di chuyển tới các trạm lánh nạn được chính quyền địa phương chỉ định để được hỗ trợ như cung cấp thức ăn, nước uống, giữ ấm, chỗ ngủ, sơ cứu và chăm sóc y tế, giữ bình tĩnh, đồng thời tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa ảnh hưởng của các dư chấn trong những ngày tới.

Xin cảm ơn ông!

Trong trường hợp khẩn cấp, cần hỗ trợ, đề nghị công dân liên hệ tới số máy bảo hộ công dân như sau:

+ Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo: +81-80-3590-9136, hoặc +81-80-20346868, +81-90-1255-5537, hoặc email: [email protected], website: vnembassy-jp.org

+ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka: +81-90-4769-6789

+ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka: +81-92263-7668

hoặc các đầu mối liên hệ của cộng đồng người Việt tại địa phương gần nhất;

hoặc các số điện thoại liên hệ của cơ quan chức năng các địa phương nơi sinh sống:

+ Cơ quan ứng phó khẩn cấp tỉnh Ishikawa: 0762251111;

Website: pref.ishikawa.lg.jp/saigai/202401jishin.html

+ Cơ quan ứng phó nguy cơ tỉnh Niigata: 0252855511;

Website: pref.niigata.lg.jp/sec/kikitaisaku/jishin-20240101.html

+ Cơ quan ứng phó khẩn cấp tỉnh Toyama: 0764314111;

Website: pref.toyama.jp/1900/bousaianzen/noto_jishin20240102.html

+ Cơ quan ứng phó khẩn cấp Fukui: 0776211111;

Website: pref.fukui.lg.jp/doc/kikitaisaku/ishikawanotojishin.html

Bảo An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-dat-o-nhat-ban-dai-su-quan-viet-nam-thong-tin-cong-tac-bao-ho-cong-dan-cung-cap-cac-kenh-lien-lac-khan-cap-256037.html