Đóng góp thầm lặng của người nông dân giỏi

Chưa bao giờ giấu nghề, anh Nguyễn Công Sơn (41 tuổi, ngụ phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phường Bình Chiểu) luôn dành thời gian, tận tình hỗ trợ học viên các lớp đào tạo sơ cấp nghề nông lâm đi thực tế và thực tập ghép mai tại vườn nhà anh.

Anh Nguyễn Công Sơn (trái) nhiệt tình chia sẻ cách chăm sóc mai với người dân tới hỏi thăm

Người nông dân chân chất ấy còn ân cần giúp đỡ nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường mỗi dịp tết đến.

Nhiệt thành giúp mọi người

“Anh Sơn ơi, cho tui hỏi bệnh cây mai nhà tui xíu”. Đang lui cui ngoài vườn chăm mấy gốc mai chuẩn bị giao cho khách thuê dịp tết, anh Sơn nghe tiếng gọi với ngoài cửa. Đó là anh Long ở phường Bình Hòa (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Nhà anh Long có mấy gốc mai nhưng đã cận tết mà chưa ra nụ, lá quá nhiều. Sau khi nghe kể, anh Sơn nhiệt tình hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc, các thủ thuật để giúp mai có thể kịp nở hoa dịp tết. Không chỉ riêng anh Long, mà với mọi người, ai có việc gì cần tư vấn liên quan đến việc trồng mai, cây cảnh, anh Sơn đều tận tình chia sẻ. Anh Sơn nói: “Tui đam mê trồng cây, chăm sóc mai từ nhỏ nên cũng có chút đỉnh kiến thức, được chia sẻ cùng các bạn làm nông khác, tui xem đó là một niềm vui”.

Anh Sơn là con trai trưởng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tây mà tên tuổi đã đi vào lịch sử của Đảng bộ quận Thủ Đức và được đặt tên cho một trường tiểu học. Năm 2012, anh hùng Nguyễn Văn Tây mất, để lại mảnh vườn khoảng 6 công đất cho các con. Anh Sơn tiếp tục công việc của cha mình, chăm chỉ với nghề nông. Năm đó, vợ anh mới sinh và anh còn phải lo cho 2 người em còn đi học, đặc biệt người em út bị tật lưng và teo một chân bẩm sinh. Mọi áp lực gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai người nông dân trẻ, anh Sơn quyết định chuyển đổi mô hình nông nghiệp, từ trồng hoa màu và chăn nuôi gia súc, anh Sơn chuyển sang trồng mai - lan cắt cành và kết hợp kinh doanh dịch vụ bán cơm, kinh doanh 16 phòng trọ cho thuê.

Đến năm 2015 anh Sơn làm thêm mô hình bonsai. Từ vài chậu bonsai nhỏ, nay anh đã có hơn 100 chậu bonsai (giá trị từ 1 triệu đến 30 triệu đồng), 150 gốc mai (2 - 30 triệu đồng/gốc). Qua việc chuyển đổi mô hình có hiệu quả, anh tham gia Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phường Bình Chiểu và là người tiên phong trong việc hỗ trợ cho thành viên của câu lạc bộ tổ chức thực hiện một ngày làm nông dân. Vườn mai của anh là nơi để học viên các lớp đào tạo sơ cấp nghề cho hội viên đi thực tế và thực tập ghép mai... Ông Nguyễn Phúc Duy Khang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Chiểu, cho biết thêm: “Anh Sơn là người chủ động tham gia đóng góp kinh phí nâng cấp đường nội đồng, hỗ trợ chi phí học tập cho con em hội viên nghèo học giỏi, chăm lo tết cho người nghèo... Anh cũng mạnh dạn kết hợp một số thanh niên công nhân ở trọ gần nhà thực hiện việc chăm sóc mai, nhận dưỡng mai cho các hộ dân trên địa bàn nhằm tăng thêm thu nhập, tạo thêm việc làm thời vụ cho người lao động”.

Sẻ chia với công nhân nghèo

Với nhiều người dân ở khu phố và phường Bình Chiểu, anh Sơn là một tấm gương nông dân thầm lặng, bởi bất cứ việc gì nhờ đến anh cũng được san sẻ mà chưa bao giờ anh đòi hỏi được ghi nhớ, cảm ơn. Với các công nhân thuê trọ nhà anh Sơn, sự rộng rãi, đối xử chân thành của anh cũng làm ấm lòng họ, nhất là những ngày tết đến cận kề. Mấy năm qua, cứ dịp lễ tết, anh Sơn đều hỗ trợ tiền tàu xe, quà cáp, giảm tiền thuê trọ để giúp công nhân có điều kiện về quê đón tết, vui xuân. Quà tết anh dành cho người thuê trọ có khi là gạo, mắm muối, bột ngọt, đường, bánh kẹo tết, cặp bánh chưng... đơn giản mà thiết thực. Rồi gần tới giao thừa, anh cũng dặn vợ nấu các món thật ngon, làm một bữa tiệc tất niên ấm cúng đãi các anh chị em không về quê.

Anh Sơn chia sẻ: “Tui xây phòng trọ cách nay khoảng 4 năm. Cho công nhân thuê, mình hiểu được phần nào cuộc sống bấp bênh, thiếu thốn đủ bề mà họ đối mặt hàng ngày. Với mấy anh chị về quê thì mình hỗ trợ chút đỉnh tiền xe cộ và ít quà. Còn người ở lại nhà trọ dịp tết thì mình tặng quà nhiều nhiều chút. Họ đã ở lại đây vào ngày tết nghĩa là đã rất khó khăn”.

Chị Lê Thị Hồng Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Chiểu, nhận xét: “Anh Sơn là một người nói ít, làm nhiều. Việc gì của hội, từ hỗ trợ giống hoa và phân bón cho thành viên tổ hợp tác, các phần việc thí điểm triển khai mô hình trồng cây, rau quả, đến việc thực hiện mua vật liệu về làm, anh ấy đều sẵn sàng bỏ tiền hỗ trợ cho các hộ nông dân khác. Có lần, anh Sơn được hội tặng cây giống nhưng không chịu nhận. Ảnh rất ngại nhận về mình dù phần quà đó ảnh xứng đáng nhận. Ảnh chỉ nói thôi để nhường cho người khác. Ảnh nhiệt tình đến cả với người không quen biết, chỉ cần giúp được là giúp hết lòng”.

VÕ THẮM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dong-gop-tham-lang-cua-nguoi-nong-dan-gioi-574086.html