Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

LTS: Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23-12-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước...

Báo SGGP tiếp tục chuyển tải ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ e-mail: bandoc@sgggp.org.vn

Một khu đất ở huyện Nhà Bè, TPHCM bỏ hoang do quy hoạch treo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một khu đất ở huyện Nhà Bè, TPHCM bỏ hoang do quy hoạch treo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Th.S PHẠM VĂN CHUNG - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum: Cần làm rõ hơn từ ngữ, khái niệm

Có thể khẳng định, Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đặt biệt là đối với quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi xin tham gia một số ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật này. Cụ thể:

Thứ nhất, về phần giải thích từ ngữ: So với Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung việc giải thích một số từ ngữ để thống nhất, tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số thuật ngữ và làm rõ hơn về nội hàm của một số thuật ngữ đã được giải thích. Cụ thể: Theo khoản 33 Điều 3 dự thảo luật: “Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép”. Quy định trên là việc luật hóa quy định về lấn đất đã được quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP và xa hơn nữa là Nghị định 102/2014/NĐ-CP. Trong thực tiễn, hành vi lấn đất không chỉ là việc chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng. Thậm chí, có trường hợp có hành vi lấn đất nhưng việc dịch chuyển mốc giới hoặc ranh giới thửa đất không xảy ra. Ngoài hành vi chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng, lấn đất còn xảy dưới hình thức: người sử dụng đất sử dụng vượt quá phần không gian, lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới bất động sản mà mình được phép sử dụng nhằm chiếm dụng không gian, lòng đất của người sử dụng đất khác (ví dụ: mái nhà lấn sang không gian trên đất của người khác).

Do đó, đề nghị xem xét quy định khoản 33 Điều 3 dự thảo luật như sau: “Lấn đất là việc người sử dụng đất tự ý chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất mình để mở rộng diện tích hoặc sử dụng vượt quá phần không gian, lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới thửa đất mà mình được phép sử dụng nhưng không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích, không gian, lòng đất bị lấn đó cho phép”. Việc quy định như trên cũng nhằm thống nhất với quyền của người sử dụng đất được quy định tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Khi xác định một trong những biểu hiện của hành vi lấn đất là việc “chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất” thì rất cần giải thích về mốc giới, ranh giới của thửa đất. Bởi lẽ chỉ khi xác định được ranh giới, mốc giới thửa đất thì mới xác định được có hay không có hành vi lấn đất; xác định được vị trí, hình thể, diện tích của phần đất động bị lấn. Theo đó, cần bổ sung quy định về ranh giới, mốc giới đất như sau: “Ranh giới đất là giới hạn phân chia giữa các thửa đất liền kề nhau. Mốc giới là tiêu điểm để xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề nhau. Ranh giới giữa các thửa đất có thể là đoạn thẳng hoặc tập hợp các đoạn thẳng nối các mốc giới”. Ngoài ra, quy định về ranh giới, mốc giới của thửa đất cũng sẽ làm rõ hơn nội hàm của khái niệm “thửa đất” được quy định tại khoản 40 Điều 3 dự thảo luật.

Ông TRỊNH PHI LONG - Quận Bình Thạnh, TPHCM: Chú trọng công tác quy hoạch

Theo thông tin các ngành chức năng đã công bố, hầu hết các vụ khiếu kiện kéo dài có liên quan đến đất đai. Cụ thể hơn, là vấn đề quy hoạch, đền bù, giải tỏa. Điều này không ít lần khiến người dân bức xúc, khiếu kiện tập thể kéo dài…

Nhà tôi ở quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh. Sau một thời gian dài tích lũy tiền bạc, vợ chồng tôi quyết định xây dựng căn nhà. Tuy nhiên, khi làm thủ tục xây dựng thì “trần ai khoai củ”. Thú thật, lúc đó vợ chồng tôi mới biết nhà của mình nằm trong quy hoạch và quy hoạch gì thì lãnh đạo địa phương cũng không thể trả lời cụ thể. Đại loại là năm 1987, khu vực nhà tôi nằm trong quy hoạch mở rộng quốc lộ 13. Đến năm 2004, xóa quy hoạch này, nhà tôi được cấp sổ đỏ. Năm 2019, khi xây nhà thì chúng tôi được biết khu vực này là quy hoạch hỗn hợp. Chuyện quy hoạch được công bố từ lúc con tôi chưa sinh ra đời và bây giờ đang là sĩ quan công an với quân hàm cấp tá.

Nói nào ngay, chính quyền địa phương cũng rất chiếu cố với trường hợp xây dựng của vợ chồng tôi. Với đầy đủ giấy tờ hợp lệ, hợp pháp… vợ chồng tôi được xây dựng, nhưng chỉ quy mô 3 tầng. Trong diễn biến như vậy thì xung quanh nhà tôi họ xây nhà hơn 3 tầng. Đương nhiên là trái pháp luật, xây dựng không phép.

Mình là đảng viên, cán bộ Nhà nước và là người có công thì không được phép làm trái pháp luật. Chúng tôi xây dựng căn nhà theo đúng giấy phép được cấp. Nhưng, khi dán tờ giấy phép xây dựng ở trước công trình thì ai đọc cũng cám cảnh. Công trình chỉ tồn tại 1 năm, tức là 24 tháng. Nếu Nhà nước thực hiện dự án quy hoạch thì mình chỉ được đền bù đất, không được đền bù tài sản trên đất. Để nhà cũ xập xệ thì sống tạm bợ quá, mà xây dựng thì còn liều mạng hơn đánh bạc. Do vậy, chúng tôi luôn mong mỏi Luật Đất đai sửa đổi lần này cần chú trọng đến việc công bố quy hoạch một cách rất cụ thể, chi tiết cũng như thời gian thực hiện quy hoạch. Nếu ngoài thời gian đó thì người dân được quyền xây dựng hay mua, bán, tặng, cho, hiến, cầm cố, thế chấp ngân hàng… Có như vậy người dân mới an lòng!

ĐOÀN HIỆP ghi

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-gop-y-kien-cho-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-post674547.html