Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước

Là chủ đề Tháng hành động quốc gia về dân số (DS) và Ngày DS Việt Nam năm 2019 nhằm tăng cường giải pháp, triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng chuyển đổi hành vi về DS và phát triển trong tình hình mới.

Cán bộ y tế tư vấn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bản Sắng Hằng, xã Yên Khương (Lang Chánh).

Do tình hình DS có những thay đổi, tác động sâu rộng đến sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội nên công tác DS được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Nếu như trước đây, chính sách DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) chỉ tập trung giải quyết vấn đề giảm sinh thì nay chính sách DS mới phải chú trọng toàn diện các mặt về quy mô, cơ cấu, phân bố dân cư, chất lượng DS và đặt trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, việc chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn do tư duy DS - KHHGĐ chỉ là giảm sinh, là KHHGĐ đã “ăn sâu” trong mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Để giải quyết vấn đề trên, thời gian qua Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã tham mưu UBND, HĐND tỉnh và Sở Y tế ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các chương trình, hoạt động nâng cao chất lượng DS. Công tác truyền thông giáo dục được đổi mới không chỉ về nội dung mà còn chú trọng về hình thức và phương pháp với nhiều loại hình phù hợp với tâm lý, phong tục tập quán của từng nhóm đối tượng, từng vùng miền. Đồng thời ở tuyến huyện, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về DS - KHHGĐ được phổ biến đến tận người dân thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại cộng đồng như tuyên truyền, vận động, thăm hộ gia đình, tư vấn trực tiếp, cấp phát tờ rơi thông qua mạng lưới cộng tác viên DS thôn, bản, khu phố.

Ngành DS đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, mô hình của chương trình mục tiêu quốc gia về DS - KHHGĐ như: Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng DS. Đề án được triển khai tại 27 huyện, thị xã, thành phố với 100% xã, phường, thị trấn tham gia. Đề án đã tổ chức thực hiện việc siêu âm sàng lọc cho hàng chục nghìn phụ nữ mang thai để phát hiện thai dị tật bẩm sinh, tư vấn cho các đối tượng khi phát hiện thai có dị tật bẩm sinh. Bên cạnh đó, chương trình đã thực hiện việc lấy mẫu máu gót chân cho các trẻ mới sinh để xét nghiệm phát hiện 2 loại bệnh do thiếu men G6PD (gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động) và suy giáp trạng bẩm sinh. Kết quả, đã có 12.005 ca được sàng lọc trước sinh; 669 ca sàng lọc sơ sinh. Qua sàng lọc, có 35 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD.

Bên cạnh đó, ngành y tế còn triển khai một số mô hình, đề án nhằm góp phần nâng cao chất lượng DS, như: Đề án nâng cao chất lượng DS vùng các dân tộc ít người tại cộng đồng triển khai tại 48 xã thuộc 11 huyện miền núi đã thành lập và hướng dẫn sinh hoạt cho 48 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; tổ chức 28 cuộc nói chuyện chuyên đề về công tác DS trong tình hình mới cho 1.457 người là nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản mới nhận nhiệm vụ về công tác DS - KHHGĐ của 11 huyện triển khai mô hình. Mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” duy trì ở 4 huyện (Đông Sơn, Hà Trung, Triệu Sơn, Thiệu Hóa) và 31 xã; mô hình can thiệp giảm tỷ lệ mắc bệnh Thalassemia triển khai tại 138 xã/11 huyện miền núi. Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên triển khai tại 94 trường THCS và THPT của 15 huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức cung cấp dịch vụ KHHGĐ, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, kiểm soát DS các vùng biển, đảo và ven biển... Tại cấp cơ sở, đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về DS – KHHGĐ. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp và đẩy mạnh thực hiện các đề án, mô hình nâng cao chất lượng DS đã góp phần đưa các chỉ tiêu về DS cơ bản thực hiện đạt kế hoạch. Trong đó, tỷ suất sinh thô 13%o; mức giảm sinh 0,1%o; tỷ số giới tính khi sinh 115 nam/100 nữ.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục Trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho biết: Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về DS và Ngày DS Việt Nam, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh đã có công văn hướng dẫn hoạt động truyền thông hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về DS (tháng 12) và Ngày DS Việt Nam (26-12), nhằm tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng DS và phân bố dân cư trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động cộng đồng và truyền thông chuyển đổi hành vi về DS và phát triển trong tình hình mới nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các nhóm đối tượng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.

Tô Hà

KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

Vì tương lai nòi giống Việt, không lựa chọn giới tính thai nhi.

Thực hiện bình đẳng giới góp phần đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên vì tương lai hạnh phúc của tuổi trẻ.

Các cặp vợ chồng chủ động khám và tư vấn sức khỏe trước hôn nhân để có những đứa con khỏe mạnh.

Tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân vì tương lai, hạnh phúc gia đình.

Thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh để sinh được những đứa con khỏe mạnh.

Thực hiện sàng lọc sơ sinh để phát hiện, điều trị kịp thời các bệnh di truyền ở trẻ.

Sàng lọc trước sinh, sơ sinh góp phần hạn chế dị tật bẩm sinh ở trẻ em.

Không kết hôn cận huyết thống để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.

Vì nòi giống Việt, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con.

DS ổn định, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc.

Hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn.

Duy trì ổn định mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng DS.

Đầu tư cho công tác DS là đầu tư cho sự phát triển bền vững.

Phát huy lợi thế cơ cấu DS vàng để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dong-hanh-cung-su-nghiep-dan-so-va-phat-trien-vi-su-phon-vinh-cua-dat-nuoc/112222.htm