Đồng hành và sẻ chia cùng ngành giáo dục

Trước thềm năm học 2022- 2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Ngô Thị Minh đã chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết về mục tiêu năm học, việc triển khai chương trình GDPT mới lần đầu tiên được thực hiện ở tất cả các cấp học.

Bà Ngô Thị Minh.

Bà Ngô Thị Minh.

PV: Thưa bà, ở năm thứ 3 triển khai chương trình GDPT 2018, một trong những khó khăn vẫn đang tồn tại đó là tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn như tin học, ngoại ngữ. Nhiều tỉnh đã được giao biên chế đang lo không biết nguồn tuyển ở đâu? Không chỉ các tỉnh miền núi, nông thôn, ngay tại TPHCM cũng thiếu giáo viên và đã đăng tin tuyển giáo viên trên cả nước. Giải pháp của Bộ cho vấn đề này là gì?

Bà Ngô Thị Minh: Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp. Ngày 18/7/2022, tại Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Ngay sau khi có Quyết định của Bộ Chính trị, Bộ GDĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Theo đó, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: Thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu...; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 báo cáo Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho nguồn biên chế được cấp bổ sung đến năm 2026. Chủ động đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở nhu cầu của địa phương và có chính sách ưu tiên, thu hút trong tuyển dụng để bảo đảm nguồn tuyển dụng theo từng năm.

Nhìn lại một năm học 2021-2022 thật đặc biệt với lễ khai giảng chưa từng có tiền lệ với thầy trò cả nước. Năm học này mặc dù vẫn còn đó những khó khăn, thách thức với ngành giáo dục nhưng thuận lợi cũng không phải ít, trong đó có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện của toàn ngành trong năm học này là gì, thưa bà?

- Năm học 2021-2022 là một năm rất khó khăn với ngành giáo dục. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành. Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo, Nhờ những nỗ lực đó mà ngành giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Năm học 2022-2023 được ngành giáo dục xác định là chưa hết khó khăn. Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Chỉ thị năm học 2022-2023, trong đó xác định chủ đề năm học là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”. Năm học 2022-2023, toàn ngành giáo dục cũng sẽ tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành…

Trong không khí náo nức của ngày khai giảng năm học 2022-2023, bà chia sẻ, gửi gắm điều gì tới cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên cả nước?

- Năm học 2021-2022 là một năm học nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng trong khó khăn mới thấy hết sự nỗ lực vượt khó của đội ngũ các thầy cô giáo, các em học sinh để vừa hoàn thành năm học, vừa đảm bảo mục tiêu chất lượng. Năm học mới đã tới, năm học này được dự báo vẫn chưa hết khó khăn, thách thức và mục tiêu một năm học an toàn cho thầy cô giáo và học sinh vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu.

Tôi mong các thầy cô giáo sẽ tiếp tục nỗ lực để cùng toàn ngành thực hiện thành công những mục tiêu đặt ra cho năm học. Tôi mong các em học sinh sẽ đạt được nhiều thành tích tốt trong học tập và tìm thấy niềm vui trong từng ngày tới trường. Đồng thời mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Sự nghiệp giáo dục không thể thành công nếu thiếu sự đồng hành và chia sẻ này.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Hương (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dong-hanh-va-se-chia-cung-nganh-giao-duc-5695699.html