Đồng hành với công nhân, người lao động

Với những nỗ lực đổi mới về cả nội dung và phương pháp hoạt động, tổ chức công đoàn đã đem tới nhiều quyền lợi hơn cho đoàn viên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Sự chăm lo được cụ thể hóa từ bữa ăn ca tới từng phiếu mua hàng giảm giá, cho đến vận dụng sự linh hoạt, khéo léo của cán bộ công đoàn, đưa được những điều khoản có lợi cho NLĐ vào thỏa ước lao động tập thể, cao hơn so với quy định của Luật.

Bữa ăn giữa ca của công nhân Công ty TNHH kết cấu thép Bắc Việt, huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Ảnh: TRẦN HẢI

Quan tâm thiết thực, không dàn trải

Một trong những hoạt động nổi bật của Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2013 - 2018 là thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam về "Chất lượng bữa ăn ca của NLÐ". Ðây là lần đầu tiên công đoàn có một nghị quyết riêng về bữa ăn ca nhằm quan tâm chăm lo từng bữa ăn của NLÐ, là định hướng để công đoàn các cấp tập trung hướng tới.

Kết quả thực hiện Nghị quyết là một trong những đánh giá hoạt động của tổ chức công đoàn. Nhờ vậy, chỉ sau hai năm thực hiện, 2.218 công đoàn cơ sở (CÐCS) đã đối thoại, thương lượng thành công, nâng giá trị bữa ăn ca của gần 600 nghìn NLÐ từ 15.000 đồng trở lên, góp phần giúp NLÐ có bữa ăn ca từ nghèo nàn lên bảo đảm chế độ dinh dưỡng. Hàng nghìn bữa ăn của doanh nghiệp (DN) có thực đơn sung túc, thay đổi theo ngày, tuần. Qua đây, nhiều DN thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với công nhân lao động (CNLÐ).

Sau nhiều lần được tham gia các bữa ăn ca tại một số DN, điều chúng tôi cảm nhận được đó là không khí vui vẻ, phấn khởi của NLÐ trong giờ ăn ca. Công nhân Thu Mỹ, Công ty Tsuchiya TSCO Việt Nam (Bình Dương) cho biết: Chị em công nhân chúng tôi biết, để có bữa ăn ca trị giá 35 nghìn đồng/suất là nhờ công đoàn thương lượng, phối hợp ban giám đốc thực hiện. Khi được ăn uống đủ chất, chúng tôi có sức khỏe để làm việc, cống hiến cho DN. Bếp ăn được công ty thuê đầu bếp vào nấu tại nhà ăn. Thực đơn do công nhân yêu cầu, phòng nhân sự bổ sung thêm để bảo đảm bữa ăn đủ chất, với những món ăn được thay đổi liên tục.

Ðiểm sáng trong hoạt động công đoàn nhiệm kỳ qua phải nhắc tới Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn được triển khai đầu năm 2017. Ðây là bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động công đoàn, theo hướng mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho NLÐ là đoàn viên công đoàn. Với những phiếu giảm giá từ 5% đến 20% khi sử dụng dịch vụ của các đối tác ký cam kết hỗ trợ cho đoàn viên, nhìn qua tưởng rằng giá trị nhỏ bé, nhưng chỉ sau 1,5 năm triển khai, gần hai triệu đoàn viên, NLÐ được hưởng lợi với tổng trị giá 526 tỷ đồng. Không chỉ mua được sản phẩm chất lượng cao, giá tốt, anh chị em công nhân còn được chăm lo thông qua sự chia sẻ lợi nhuận từ các DN tham gia chương trình. Hay hiệu quả thực tế từ những chương trình phúc lợi cho đoàn viên mà các cấp công đoàn triển khai đã giúp cuộc sống của đoàn viên, NLÐ đỡ bí bách hơn.

Chúng tôi gặp Hải Ðường, công nhân Công ty TNHH LongRich (KCX Linh Trung II, TP Hồ Chi Minh) tại siêu thị công nhân. Hải Ðường phấn khởi khoe: "Từ ngày có siêu thị công nhân, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Ngày xưa cứ ra chợ cóc, chợ tạm mua thực phẩm, tiền ít nên chúng em chỉ mua được những món đồ giá rẻ. Từ khi công đoàn công ty thành lập siêu thị, hết giờ làm là ghé vô mua đồ. Chất lượng thì an tâm, giá cả lại phải chăng, chương trình khuyến mãi liên tục". Không chỉ có Hải Ðường cảm nhận được sự thiết thực dù nhỏ bé, sát sườn này mà rất nhiều CNLÐ khác cũng cho biết, đối với công nhân xa nhà, dù tiết kiệm mỗi bữa đi chợ chỉ năm đến mười nghìn đồng cũng quý. Kể từ khi tham gia công đoàn, ngoài dịp lễ, Tết được tặng quà, thăm hỏi lúc ốm đau, thì hoạt động giảm giá khi mua hàng hóa cho đoàn viên, công nhân là điều họ cảm nhận rõ nét nhất về quyền lợi khi là đoàn viên công đoàn.

Cũng trong nhiệm kỳ qua, tổ chức công đoàn đã phát huy năng lực, trí tuệ của cả hệ thống trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Nhiều đề xuất của công đoàn đã được tiếp thu, góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên và NLÐ. Tiêu biểu là việc tham gia xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Trong nhiệm kỳ đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng khoảng 5% so với đầu nhiệm kỳ. Từ đây, nhiều điều khoản cao hơn luật đã được các cấp công đoàn khéo léo, linh hoạt đưa vào thỏa ước, nhằm đem lại nhiều lợi ích sát sườn hơn cho NLÐ. Các cuộc đối thoại định kỳ giữa CNLÐ, công đoàn, chủ DN, lãnh đạo địa phương tăng từ chín nghìn cuộc định kỳ năm 2014 lên gần 31 nghìn cuộc đối thoại định kỳ và hơn ba nghìn cuộc đối thoại đột xuất. Qua các cuộc đối thoại, những lợi ích chính đáng, bức xúc của NLÐ được các bên phối hợp giải quyết kịp thời, không để trở thành mâu thuẫn âm ỉ, hạn chế tình trạng tranh chấp lao động và đình công xảy ra, ảnh hưởng việc làm, đời sống của NLÐ, góp phần đáng kể vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN.

Niềm tin và kỳ vọng

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động tới việc làm, tức là tác động trực tiếp đến đoàn viên, NLÐ, đối tượng tập hợp của tổ chức công đoàn. Nhiều việc làm truyền thống sẽ biến mất, cùng với đó lại xuất hiện những việc làm mới. Do vậy, nhiệm vụ tập hợp NLÐ, đại diện, chăm lo, bảo vệ họ và tổ chức các hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu và cách làm mới.

Một trong ba đột phá trong hoạt động của tổ chức công đoàn nhiệm kỳ tới đó là, nâng cao năng lực đại diện, tích cực chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ NLÐ. Muốn làm được điều đó, trước hết phải tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là ở cấp CÐCS. Cán bộ công đoàn cần được đầu tư đào tạo, trẻ hóa, chuyên nghiệp hóa, năng động hóa. Cán bộ công đoàn không chỉ là người làm công tác đoàn thể chính trị, nặng về bàn giấy mà phải là chuyên gia về thương lượng, đàm phán, đối thoại, tư vấn và thật sự sâu sát cơ sở, bám cơ sở, gần đoàn viên, phải đậm "chất" công nhân.

Thủ lĩnh công đoàn phải thật sự là người "đứng mũi chịu sào", là người đại diện cho quyền lợi số đông của đoàn viên, NLÐ. Thực tế cho thấy, muốn "so bó đũa chọn cột cờ", tìm ra được những gương mặt tâm huyết, nhiệt tình, bản lĩnh, trách nhiệm, hết lòng với NLÐ, một vấn đề quan trọng là cần tập trung đổi mới cách bầu chủ tịch CÐCS. Thời gian qua, tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh đã thí điểm tổ chức bầu trực tiếp chủ tịch công đoàn ngay tại đại hội. Ðây là bước khởi đầu của việc tổ chức đại hội công đoàn theo phương pháp mới của Tổng LÐLÐ Việt Nam.

Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII được đánh giá là một đại hội với nhiều đột phá, đổi mới. Ðiều này thể hiện rõ nét ngay từ đại hội cấp cơ sở. Trong niềm hân hoan chờ đón sự đột phá, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Xi-măng Thăng Long, (Quảng Ninh) Nguyễn Mạnh Tiến mong muốn Ðại hội XII sẽ lựa chọn ra các đồng chí có đủ đức, đủ tài để tham gia vào Ban Chấp hành của Tổng LÐLÐ Việt Nam. Anh Tiến cho biết: Ðối với hoạt động của tổ chức công đoàn, tôi kỳ vọng vào sự đổi mới phương thức hoạt động theo tư duy mới. Cơ quan công đoàn trong tương lai không còn là cơ quan hành chính thuần túy, mà là cơ quan hành chính - dịch vụ - hỗ trợ. Các cấp công đoàn cần ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của mình, trong quản lý đoàn viên và những hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đoàn viên, NLÐ tiếp cận tổ chức công đoàn một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.

Chính sách đổi mới về kinh tế - xã hội từ Ðại hội Ðảng lần thứ VI đến nay giúp Việt Nam từ một nước có thu nhập thấp trở thành một nước có thu nhập trung bình, chính trị ổn định và có quan hệ giao thương với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Những đổi thay này đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, tạo ra nhiều lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ðồng nghĩa với việc ngày càng xuất hiện nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, kéo theo nhu cầu xây dựng thiết chế phục vụ NLÐ làm việc tại những nơi này rất lớn.

Chủ tịch LÐLÐ Bắc Giang Nguyễn Văn Cảnh cho biết: Quyết định 665/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án "Ðầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" của Thủ tướng Chính phủ là minh chứng cho sự quan tâm, chăm lo của Ðảng, Nhà nước về đời sống của CNLÐ, những người đóng góp không nhỏ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ðây là dự án lớn, thể hiện ước vọng lớn lao của NLÐ trong hàng chục năm qua, cũng như quyết tâm chăm lo thiết thực cho đoàn viên, NLÐ của công đoàn các cấp. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước mà những mong mỏi, trăn trở, quyết sách nay đã thành hiện thực. Tuy nhiên, để đáp ứng hơn nữa nhu cầu của CNLÐ, cần sự vào cuộc sát sao hơn nữa từ các bộ, ban, ngành, địa phương.

ĐẶNG THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37721502-dong-hanh-voi-cong-nhan-nguoi-lao-dong.html