Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Đón 'Bằng chứng nhận nghệ thuật Khèn của người Mông là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia'

Ngày 28/3, tại xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đồng Hỷ tổ chức ' Ngày Hội văn hóa- thể thao dân tộc Mông lần thứ IV năm 2018' và đón 'Bằng chứng nhận nghệ thuật Khèn của người Mông là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia'.

Trao “Bằng chứng nhận nghệ thuật Khèn của người Mông là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia” tại Ngày hội văn hóa- thể thao dân tộc Mông lần thứ IV năm 2018.

Trao “Bằng chứng nhận nghệ thuật Khèn của người Mông là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia” tại Ngày hội văn hóa- thể thao dân tộc Mông lần thứ IV năm 2018.

Cứ đến hẹn lại lên, mỗi năm một lần đến độ xuần về, sau khi hoa lê, hoa đào đã mãn, quả non mới khai, đồng bào các dân tộc khu vực vùng núi cao của huyện Đồng Hỷ lại nô nức rủ nhau về điểm hội tụ dự ngày hội đoàn kết đa sắc màu dân tộc do chính quyền địa phương tổ chức. Năm nay, tại xóm Bản Tèn xa xôi, nơi người H,mông cư trú là chính, đồng bào các dân tộc khắp tỉnh Thái Nguyên nói chung và các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Đồng Hỷ nói riêng lại về sum tụ giữa cánh đồng 7 ha hoa tam giác mạch chơi hội xuân. Đến với ngày hội, du khách được hòa mình tham gia các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Mông do các nghệ nhân, vận động viên là người dân tộc Mông của các xã trên địa bàn huyện Đồng Hỷ biểu diễn và thi đấu. Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật như: Thi thổi khèn;Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông; Thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian như chọi chim họa mi, đánh cù, kéo co, đẩy gậy; thi ẩm thực với các món ăn truyền thống như mèn mén; thắng cố, nếm rượu ngô nếp thơm.v.v. Đồng bào, trai gái sặc sỡ trong váy áo dân tộc mình. Họ đi chơi, đi hát gọi nhau ở nơi đầu non, đỉnh núi hoặc bên nương hoa rực rỡ sắc xuân tam giác mạch. Và cũng có lẽ lần đầu tiên hoa tam giác mạch lại mọc trải dài mênh mông nương rẫy đến thế. Hoa mọc tràn trên vùng núi đá vốn sậm màu thâm đen của thời gian ở gốc núi bản Tèn này.

Đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Đồng Hỷ tham dự Ngày hội văn hóa- thể thao dân tộc Mông lần thứ IV năm 2018.

Tôi đã trò chuyện với ông Lý Văn Sí là người dân tộc Mông, năm nay gần 70 tuổi. Ông Sí sinh ra và lớn lên ở Bản Tèn đầy đá và gió núi khô khát. Từ lúc tấm bé, ông đã được nghe ông bà, cha anh hát những bài dân ca ru tuổi thơ thật ngọt ngào giữa núi rừng thơm hương hoa dại. Ông đã gắn bó với khèn. Tiếng khèn Mông ồ ồ và vang xa, vọng vào vách núi mà tha thiết lòng người. Đôi khi khèn gọi bạn tình réo rắt đầu non. Đôi lúc lại như thôi thúc trai gái tìm nhau tự nhiên như hương rừng, như chim hót đầu bản, hẹn nhau lên nương, lên rẫy vun ngô, hái bắp đầu mùa.v.v. Bấy nhiêu quyến rũ của tiếng khèn, tiếng sáo Mông khiến ông Sí đi hội xuân mà long cứ lâng lâng nghĩ về thời thanh xuân. Ông cho biết: “Khèn Mông là nhạc cụ không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, thể hiện tâm tình gần gũi mà đôi khi là tiếng của rú rừng vang gọi, là tâm linh của người Mông, là phần hồn của người Mông. Khèn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông trên đường xuống chợ, đi rừng hay đi nương. Năm nay, người Mông ở Bản Tèn cũng như các địa phương khác thêm niềm vui lớn khi khèn Mông được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Với người già như tôi thế là vui lắm, mãn nhãn, mãn nhĩ lắm.” Còn với trưởng xóm Bản Tèn, Vương Văn Tình, ngày hội xuân năm nay thật đặc biệt. Ông chia sẻ: "Người Mông chúng tôi có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Nhưng bây giờ lối hát karaoke hiện đại đã du nhập vào lũ trai trẻ trong bản làm thanh niên, gái trai người Mông có chút thích thú lối hát hiện đại. Nhưng với chúng tôi không thấy thú vị lắm. Ngày xuân hát bài ca dân tộc mình vẫn thấy thắm đượm, mặn mà hơn. Cảm ơn Đảng, chính quyền đã chọn quê tôi - Bản Tèn, làm nơi hội tụ đồng bào khắp nơi để tôi được gặp bãn cũ, bạn thân nơi cuối suối, đầu non về đoàn kết vui mừng xuân mới ”...

Đại biểu thăm cánh đồng hoa tam giác mạch tại Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Ngày Hội văn hóa - thể thao dân tộc Mông thật là ý nghĩa. Đây là dịp để đồng bào Mông quảng bá những nét đặc sắc tinh hoa dân tộc mình đến du khách gần xa cũng như tuyên truyền bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đẹp của đồng bào Mông.

Đường hoa tam giác mạch dẫn vào Bản Tèn.

Ông Phạm Quang Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, Trưởng Ban Tổ chức cho biết thế này: “Ngày hội năm nay được tổ chức định kỳ cứ hai năm một lần để chăm sóc đời sống tinh thần ngày càng phong phú cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và để tăng tình đại đoàn kết các dân tộc vùng núi, vùng khó khăn của địa phương. Mặt khác góp phần bảo tồn, giáo dục và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết trong lao động sản xuất, làm phong phú thêm các hoạt động trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông nói riêng, gắn kết tình thân ái giữa các dân tộc trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.”

cánh đồng hoa tam giác mạch tại Bản Tèn.

Đồng quan điểm với lãnh đạo chính quyền địa phương, “Ngày hội văn hóa- thể thao dân tộc Mông lần thứ IV năm 2018” và đón “Bằng chứng nhận nghệ thuật Khèn của người Mông là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia” năm nay đã quy tụ được tất thảy sự quan tâm của nhân dân trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên về tham quan miền quê sơn cước bấy lâu nay ngủ quên giữa núi rừng thâm u. Và lễ hội cũng mở ra một triển vọng phát triển kinh tế du lịch cộng đồng gắn chặt với nét bản sắc văn hóa dân tộc điển hình. Lễ hội đã tạo thêm thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Bài và ảnh Đức Nam

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/dong-hy-thai-nguyen-don-bang-chung-nhan-nghe-thuat-khen-cua-nguoi-mong-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-1251171.html