Đọng lại chữ 'thương' trong tùy bút mới của TS 'Hậu khảo cổ'

'Thực ra, Hậu không chỉ đi qua, mà là đi đến và cũng là đi về miền đất quê hương nơi cha sinh mẹ đẻ. Và Hậu đã không ngừng đi, không chỉ đi, trên dọc dài đất nước mình'.

Tập tùy bút "Thương những miền qua" của tác giả Nguyễn Thị Hậu. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM.

Nói đến TS Nguyễn Thị Hậu, dân trong nghề nghiên cứu khoa học xã hội thường biết đến với cái tên thân thương "Hậu khảo cổ", theo đúng nghiệp nghiên cứu, quen thân với đào bới, khai quật các lớp trầm tích thời gian. Nhưng "Hậu khảo cổ" không khô khan như nghề khảo cổ bà chọn. Ở một góc riêng, có một Nguyễn Thị Hậu mềm mại của văn chương qua những tản văn, tùy bút, và cả truyện ký.

Nói đâu xa, tập tùy bút Thương những miền qua của Nguyễn Thị Hậu vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành, là một chỉ dấu bay bổng ấy. Nhưng bay bổng, mà không phiêu du; vẫn đó, đầy trăn trở và yêu thương.

Ứng với lời đề từ trước khi vào sách "Quê tôi ở miền Tây, tôi sinh ra ở Hà Nội và sống ở Sài Gòn". Thế nên, mở sách vào "những miền thương" từng qua, là rong ruổi cùng bước chân tác giả không chỉ dạo khắp Sài Gòn, rảo quanh miền Tây, mà nhất định, phải ngược ra đất văn vật nghìn năm để "trở về", hay vào đất cố đô của sông Hương núi Ngự để đắm mình với dòng xanh của xứ áo tím.

Với 36 bài viết trong tập tùy bút Thương những miền qua, tác giả trải lòng mình ở nhiều cung bậc, trạng thái cảm xúc khác nhau. Những ký ức đẹp đẽ, dân dã mà thân quen nơi miền Tây sông nước, dù đã trở thành bà ngoại của trẻ nhỏ thì cũng vẫn hồi cố như in mùa vịt chạy đồng, những chuyến phà qua sông khi cầu chưa bắc, những món ngon thời bao cấp đói kém... mà dù giờ cao lương mỹ vị đấy, vẫn không dễ gì sánh được.

Gặp trong bài "Món ngon ngày Tết Nam Bộ" là bàn tay tảo tần, vun vén, chăm chút cho miếng mứt Tết lên màu đẹp, cho nồi thịt kho hột vịt nước dừa sánh màu nâu vàng, đòn bánh tét gói lá chuối tròn, chắc đủ nhân ngũ sắc của các bà, các mẹ... Nhớ thật nhiều, thì tiếc cũng không bớt đi khi "nay thì bánh mứt bán khắp nơi, hàng nội hàng ngoại đều có bao bì đẹp, biếu tặng rất tiện... Nhưng những hộp bánh mứt ấy dường như thiếu mất hương vị vén khéo của những người phụ nữ ngày xưa".

Sau sự thương những quẩn quanh nếp nhà trong ký ức đã xa, là những miền qua lưu lại dấu ấn tiền nhân mà bước chân du lãm tác giả ghé đến. Đây đất Sài Gòn đầy tính cách hào sảng, nghĩa khí của dân Nam Bộ qua tinh thần Lục Vân Tiên được lan tỏa trong lớp lớp người qua chảy trôi của thời gian khi khai hoang lập ấp tới nay. Hay hình tượng của vị Tổng trấn Gia Định thành, Tả quân Lê Văn Duyệt ứng với câu "Thương dân dân nhớ dân thờ".

Những hoài niệm về cổ kim, lúc đầy ắp dồn dập, lúc tản mạn, man mác. Nhớ về những "bia Con Cọp" biểu tượng một thời của Sài Gòn; dừng chân nơi cầu Mống gợi lại về một mảnh thanh xuân của "cây cầu tình yêu"... Có lúc, tác giả lại lắng lòng, lần giở những trang sách quá khứ qua "Khu rừng văn học miền Nam".

Ở đó, chất chứa kỷ niệm về tủ sách lớn nơi căn phòng tập thể 30 m2 của gia đình với cơ man những sách truyện, tạp chí. Cũng chính từ đây, những Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Bà Tùng Long, Ngọc Linh, Sơn Nam... đã đi vào bộ nhớ của một thời tuổi trẻ, để mở mang thêm những góc nhìn cuộc sống, xã hội.

Còn nhiều lắm, những cuộc viễn du quanh xứ sở với "Cánh hoa dầu chong chóng của ngày xưa" đất Sài Gòn, miền ngoại ô đất Kẻ Chợ trong "Trở về Hà Nội", hay sông Hương trong "Một dòng xanh tuyệt vời của Huế". Có đôi lúc, bước chân ấy, chạm ngõ những miền xa nơi nhà thờ Notre Dame de Paris để nhớ đến nàng Esmeralda kiều diễm, đến số phận chàng gù Quasimodo nhân hậu; hay qua đất sông Hằng để viếng đền Taj Mahal chứng kiến tình yêu bất diệt.

Sau tất cả tùy hứng trên bước chân du ngoạn, đọng lại trong tùy bút của tác giả, là những nôn nao lắng đọng niềm yêu, tiêng tiếc những gì đã qua không với tay lại kịp nữa. Thời gian cứ chảy trôi, vạn vật không ngừng chuyển đổi, ký ức xưa cũ gợi niềm thương nỗi nhớ, thì mãi còn đó, đọng lại khôn nguôi, như lời PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ:

"Thực ra, Hậu không chỉ đi qua, mà là đi đến và cũng là đi về miền đất quê hương nơi cha sinh mẹ đẻ. Và Hậu đã không ngừng đi, không chỉ đi, trên dọc dài đất nước mình. Để rồi, tất cả sự đi chứa chan cảm xúc ấy, đã lên hương, thành tình tự, ngụ trong một chữ thương".

Đình Ba

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-lai-chu-thuong-trong-tuy-but-moi-cua-ts-hau-khao-co-post1428622.html