Đồng loạt tăng giá viện phí: Lúng túng thực hiện?

(HQ Online)- Từ 1-3, giá của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh tăng. Theo phản ánh của một số lãnh đạo cơ sở y tế, hiện do danh mục kỹ thuật, thủ thuật chưa thống nhất với danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế (BHYT) nên nhiều bệnh viện sẽ gặp khó khi thực hiện.

Trước mắt, việc điều chỉnh viện phí chỉ áp dụng với người bệnh thanh toán BHYT. Ảnh: DN

Người nghèo không bị ảnh hưởng?

Theo nội dung của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 do liên bộ Y tế- Tài chính ban hành quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, từ ngày 1-3, giá của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay. Tuy nhiên từ ngày 1-7-2016, khi tính tiền lương vào thì giá sẽ tăng khoảng 50%.

Ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính- Bộ Y tế cho biết, mức giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tới đây trước mắt chỉ áp dụng đối với người trong diện có BHYT.

Trong khi đó, hiện cả nước đã có gần 77% dân số tham gia BHYT nên sẽ được BHYT đồng chi trả từ 80-100% chi phí khám, chữa bệnh nên viện phí tăng không có ảnh hưởng nhiều.

Ông Nguyễn Nam Liên khẳng định, việc tăng giá dịch vụ y tế nằm trong lộ trình tiến tới từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT do bệnh viện được BHYT thanh toán với mức giá đã bao gồm các chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ, nên người bệnh không phải chi trả thêm hoặc tự mua một số loại vật tư, hóa chất, thuốc mà trước đây chưa tính vào giá.

Bên cạnh đó, việc tính tiền lương, phụ cấp vào giá sẽ thay đổi tư duy của cán bộ y tế. Người bệnh là người trả lương cho nhân viên y tế do vậy nhân viên y tế phải nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, có như vậy bệnh nhân mới đến khám chữa bệnh khám chữa bệnh, bệnh viện mới có nguồn thu để trả tiền lương và hoạt động.

Dự tính đến hết năm 2016, khi việc điều chỉnh viện phí sẽ được áp dụng cho tất cả các đối tượng nên đối với những người không có thẻ BHYT sẽ phải chịu chi phí khám chữa bệnh khá nhiều khi đau ốm phải đi bệnh viện chữa trị.

Lúng túng thực hiện

Nói về khó khăn trong việc thực hiện quy định tăng giá viện phí lần này, ông Trịnh Văn Mạnh- Giám đốc Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cho biết hiện còn một số khó khăn trong thực hiện do cơ quan quản lý chưa thống nhất ban hành phân loại danh mục kỹ thuật phẫu thuật thủ thuật giữa Thông tư 03/TT-BYT, ban hành ngày 26-1-2006, hướng dẫn thu viện phí một phần; Thông tư 04/TT-BYT, ban hành ngày 29-2-2014 quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và Thông tư 50/TT-BYT, ngày 11-12-2013 của Bộ Y tế quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật, nên các cơ sở y tế chưa có căn cứ để thực hiện.

“Bệnh viện đang mong cơ quan quản lý Nhà nước khẩn trương thống nhất, ban hành danh mục kỹ thuật tương đương với danh mục kỹ thuật cũ để đồng nhất cách hiểu giữa các cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội để các cơ sở y tế căn cứ vào đó thanh toán BHYT cho bệnh nhân”, ông Mạnh nói.

Lấy ví dụ về điều này, bác sỹ Mạnh thông tin, như danh mục khám chữa bệnh được quy định tại Thông tư 43/TT-BYT có danh mục kỹ thuật liên quan tới viêm phổi cấp nhưng theo quy định tại Thông tư 37/TT-BYT, BHYT chỉ thanh toán cho bệnh nhân viêm phổi.

“Vậy nên nếu bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi cấp sẽ không được Bảo hiểm xã hội thanh toán bởi Bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán cho bệnh nhân viêm phổi”, ông Mạnh dẫn chứng.

Còn ông Đỗ Tất Cường- Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vinmec, việc tăng giá dịch vụ y tế phần nào khiến bệnh viện lúng túng và một phần bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng.

Sở dĩ như vậy, theo ông Cường, hiện Bộ Y tế đã đưa ra nhiều Thông tư quy định về danh mục khám chữa bệnh như Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 26-12-2014 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư số 50/2014/TT-BYT ngày 11-12-2013 của Bộ Y tế quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật.

Tuy nhiên việc tăng giá dịch vụ y tế này lại được thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 của liên bộ Y tế- Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Vậy nên với hơn 12.000 danh mục kỹ thuật được quy định trong các Thông tư cũ mà các bệnh viện vẫn đang thực hiện nhưng tại Thông tư 37 vừa ban hành chỉ quy định khoảng gần 2.000 danh mục, dẫn tới độ “vênh” rất lớn khiến cơ sở y tế lúng túng thực hiện.

Ông Cường cho rằng, trong trường hợp bệnh nhân thực hiện kỹ thuật thủ thuật chưa được quy định thống nhất giữa các Thông tư nêu trên, khi đó BHXH sẽ không thanh toán, thiệt thòi sẽ thuộc về bệnh nhân.

“Bắt đầu từ ngày 1-3 quy định tăng giá dịch vụ y tế chính thức có hiệu lực song đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể thống nhất danh mục kỹ thuật để BHXH thanh toán, sẽ khiến cơ sở y tế lúng túng và quyền lợi của người bệnh bị ảnh hưởng”, ông Cường thông tin thêm.

Nói về thực tế này, ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế, tăng giá gần 2.000 dịch vụ trong tổng sổ 12.000 kỹ thuật, dịch vụ y tế.

Với băn khoăn của lãnh đạo một số bệnh viện về sự chưa đồng nhất của danh mục kỹ thuật, thủ thuật, ông Khuê cho biết thời gian tới Bộ sẽ quy định là những danh mục nào là tương đương để tháo gỡ những khó khăn của bệnh viện và đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân.

Mặt khác, từ ngày 1-1-2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

Đối tượng chịu tác động nhất là bệnh nhân đồng chi trả 20%

Việc tăng giá dịch vụ y tế đối với khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT, sẽ có lợi vì khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% (trước đây chỉ được thanh toán 95%, đồng chi trả 5%, trừ trẻ em dưới 6 tuổi được thanh toán 100%) nên toàn bộ phần tăng thêm đã được BHYT thanh toán cho BV, không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá.

Đối với người cận nghèo được hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT, khi đi khám chữa bệnh, họ sẽ được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%) nên mức độ tác động không nhiều.

Những đối tượng phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT là những người bị tác động nhiều nhất nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều bởi trước đây khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dong-loat-tang-gia-vien-phi-lung-tung-thuc-hien.aspx