Đồng lòng theo 'luật' ra khơi

Câu chuyện của tôi và lão ngư Nguyễn Cu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên giữa ban trưa tịnh vắng trong ngôi nhà khang trang của ông xanh rợp cây kiểng. Có thể vì vậy, tôi nghe rõ tiếng thở dài của ông mỗi khi tôi hỏi về khó khăn của nghề khơi bây giờ. Dường như dù ở biển hay bờ, trong lòng ngư phủ, sóng vẫn không yên.

Ngư dân Nguyễn Cu. Ảnh: TTH

Ngư dân Nguyễn Cu. Ảnh: TTH

Luật nghiêm từng xen-ti-mét

2 xã An Ninh Đông và An Ninh Tây của huyện Tuy An kế bên vịnh Xuân Đài, Phú Yên là một trong những vùng biển êm đềm và đẹp nhất của Nam Trung bộ. Đây cũng là 2 trong số nhiều làng biển có nghề săn cá ngừ đại dương đã lâu đời, nổi tiếng với ý chí đè sóng dữ, làm chủ những vùng nước xanh đậm trên đại dương ở duyên hải miền Trung.

Lão ngư Nguyễn Cu dạn dày nhiều năm đi biển giờ cũng giãn nghiệp dần. Phần vì tuổi già sắp tới, phần vì ông tự thấy biển ngày càng cạn kiệt nguồn lợi. Chi phí dầu, ngư lưới cụ, công xá ra khơi đầu tư lớn, mà lợi nhuận mỗi chuyến đi biển ngày một ít đi.

Quan trọng hơn cả là cuộc chơi của đại dương ngày càng khe khắt hơn, đòi hỏi chuyên nghiệp hơn, dù kỹ thuật câu, nghề truyền thống vẫn cơ bản như cũ và tư duy của cộng đồng ngư dân duyên hải bao đời nay kiên định không đổi.

2 xã An Ninh Đông và An Ninh Tây trước đây có 91 phương tiện đánh bắt xa bờ. Bây giờ theo Luật Thủy sản mới thực hiện từ năm 2019, bỗng dưng chỉ còn 54 phương tiện được phép hoạt động vùng khơi. Lão ngư Nguyễn Cu nói, ông và các ngư dân loay hoay nhiều tháng nay để làm quen với luật và nghị định mới quy định về khai thác hải sản. Mỗi chuyến đi biển không chỉ lo lỗ phí tổn, thất bát, tay không chạy về bờ, mà còn lo phạm luật nữa. Và theo thói thường của bà con, khó cỡ mấy cũng tìm cách được, chỉ ngại một điều là bị “cấm cửa” - ông lão lo lắng chia sẻ.

Điều mà lão ngư Nguyễn Cu nhắc đến chính là Ủy ban châu Âu cảnh cáo “thẻ vàng” đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Và nếu không điều chỉnh tìm cách gỡ, hải sản Việt Nam khó lòng vào được thị trường EU. Trước đây, chưa có luật mới, tàu ra khơi quy định dựa vào công suất máy. Ngư dân dù lắp máy đúng công suất nhưng lúc đóng tàu làm hụt đi chút, không đủ 15m chiều dài vì nhiều lý do, vì lựa lách đóng thuế, rồi tính toán đơn giản “chín bỏ làm mười” cho rằng chiều dài thân tàu không ai để ý.

Nghị định hướng dẫn thi hành luật mới quy định tàu phải dài 15m trở lên mới được đánh bắt hải sản vùng khơi, tức là hoạt động tại vùng đại dương thuộc ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế trên biển Việt Nam. Tàu nào đã đóng rồi mà lỡ hụt 15m coi như ở lại bờ ngậm ngùi. Mấy chủ tàu ở An Ninh Tây trong nghề thường vẫn “chơi lớn” có máu mặt ngang dọc Biển Đông mà giờ bị kẹt dài vì ra khơi là sai luật, lén đi lỡ mà bị lực lượng Cảnh sát Biển, Kiểm ngư nước ngoài bắt thu tàu coi như làm hại cả nền kinh tế, hại cả anh em nghiệp đoàn khắp nơi ai dám? Nghị định nghiêm từng xen-ti-mét mà. Mà tìm cách xoay xở qua hoạt động ở vùng lộng thì coi như phải sắm sanh lại ngư lưới cụ, chuyển nghề biển, chuyển săn cá ngừ đại dương qua câu mực, đánh lưới cá đàn. Quan trọng hơn cả là mỗi đời ngư dân chỉ một nghề truyền lại, nay quýnh quáng qua nghề khác, biết làm ăn sao.

Quyết tâm bảo vệ nghề

Buổi chiều đi dọc bờ biển ở 2 xã An Ninh Đông và An Ninh Tây, Thiếu tá Trần Đặng Quốc Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng An Hải, BĐBP Phú Yên buồn bã chia sẻ với tôi: “Ngư dân được tuyên truyền kỹ càng Luật Biển Việt Nam, được giải đáp pháp luật nên không ai muốn làm sai. Nhưng họ nói “biển bạc” thì đành, chứ quy chế nghị định mà xiết quá nghe chừng bỏ hẳn cả dãy tàu nằm bờ đó, rỉ sét hết xót ruột lắm”.

Về nguyên tắc, cán bộ Biên phòng cứ chiểu theo luật mà làm lệnh ra khơi. Xét cho cùng đó là bảo vệ ngư dân. Ngay cả kiên quyết kiểm tra xử phạt việc không lắp đặt thiết bị định vị cũng là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ ngư dân.

Nhật ký kiểm soát thủ tục đăng ký xuất bến của Đồn Biên phòng An Hải ghi lại 6 tháng đầu năm 2019, có 399 tàu mang theo 2.000 lao động xuất bến, chỉ 1 phần 3 so với số phương tiện hiện có trên địa bàn là 1.240 tàu. Trong đó, chỉ có tỉ lệ rất ít là tàu vươn khơi.

Thiếu tá Cường nói, hầu hết ngư dân ở đây đều đã được cán bộ Biên phòng phổ biến, tuyên truyền pháp luật và tặng cờ Tổ quốc. Địa bàn của Đồn Biên phòng An Hải quản lý 6 xã: An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Hải, An Hòa, An Mỹ, An Chấn có trên 300 phương tiện hoạt động ở vùng khơi bắt buộc tàu phải treo cờ mới được xuất bến. Kinh phí mua cờ Tổ quốc chúng tôi không chờ trang cấp, xuất mua liền phát cho bà con, sớm chừng nào hay chừng đó. Mình làm nghiêm túc, bà con sẽ nhìn vào đó mà chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất. Phát hiện việc đánh bắt sai tuyến, sai ngư trường sang vùng biển nước ngoài chúng tôi kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở ngay. Bởi rốt cục chỉ một vài chuyến, một vài tàu thắng biển, nhưng về lâu dài ảnh hưởng tới tất cả các lao động nghề cá vùng duyên hải mới là thiệt hại lớn.

Thêm một hàng rào bảo vệ và hỗ trợ ngư dân nữa là Đồn Biên phòng An Hải đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý và phạt đối tượng đánh bắt hải sản bằng chất nổ, giã cào mang tính tận diệt môi trường biển. Từ đầu năm 2019, việc tuyên truyền đi đôi với xử phạt răn đe luôn được BĐBP và các lực lượng chức năng thực thi nghiêm túc để ngư dân chấp hành nghiêm túc vùng và phương tiện khai thác.

Tuy vậy, Thiếu tá Trần Đặng Quốc Cường nhận định, cộng đồng ngư dân bắt đầu coi trọng đến kế sách làm nghề lâu dài, thực chất xử phạt mức nhẹ không có tác dụng bằng việc phân tích lợi hại, gần gũi tuyên truyền, bí ở đâu gỡ ở đó. Không ai kiểm soát mặt đối mặt được cả một vùng đại dương rộng lớn ngoài việc mỗi ngư dân xuất bến buộc phải mang “luật” theo bên mình.

Cán bộ Đồn Biên phòng An Hải tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: TTH

Trước đây, tâm lý giấu ngư trường, mạnh ai nấy làm, cách khai thác thiếu bền vững cũng nhờ có luật, nghị định mới nên chỉnh quy củ lại. Giờ tàu mù - những con tàu không lắp định vị không còn nữa. Đã ra khơi, phải tin yêu nhau - một thanh niên lao động trên tàu đang lúi húi vá sửa lại lưới ở ngoài cảng Tiên Châu, bờ biển An Ninh Tây nói với tôi câu nói chân thành đó.

Anh nói, ra khơi gặp mấy tàu nước ngoài lớn lắm. Giàn đèn “tàu nó” gấp chục lần tàu mình, công suất tàu nó cũng lớn, nó lượn qua lượn lại trêu ngươi, lấy đèn rọi soi thấu lòng tàu, cướp thì ít nhưng dọa dẫm thì nhiều. Anh em nghiệp đoàn không dựa vào nhau, vững tin, vững khí mà dìu nhau thì dựa vào ai. Giữa biển xuất hiện phản xạ bảo vệ nhau thôi. Cứ nói chuỗi liên kết cho sang vậy chứ đều tựa nhau làm nghề. Chuyến nào biển kiệt quá, phải có kế sách dồn cho tàu về trước, đỡ nhau miễn sao không phạm luật.

Thanh niên vừa buộc sửa tay lưới, vừa dạy cho em trai mình thao tác mà anh đã làm thành thục không cần phải nhìn. Đó là những điều tối thiểu mà một lao động nghề biển giữa trùng khơi phải thành thạo. Một lúc nào đó, những chuyến đi biển nối dài ra mãi, an toàn và chắc chắn như những nút buộc đó.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-long-theo-luat-ra-khoi-post365742.html