Động lực bứt phá trong cải thiện môi trường kinh doanh

Khác với mọi năm, Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh (Nghị quyết 02/NQ-CP) đã được Chính phủ ban hành ngay từ đầu năm 2019, đã đem đến luồng không khí mới và kỳ vọng sẽ có làn gió mới với nhiều điểm sáng để cộng đồng doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội phát triển.

Năm 2019, ngành Hải quan tiếp tục đặt mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN để giảm thời gian thông quan hàng hóa, qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cứa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cục Hải quan Lạng Sơn. Ảnh: Huy Khâm.

Để doanh nghiệp có động lực kinh doanh

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua, trong đó đáng chú ý là việc Chính phủ liên tục ban hành 5 Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh (từ 2014). Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong 5 năm triển khai các Nghị quyết số 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đã có nhiều cải thiện tích cực, được các tổ chức quốc tế ghi nhận; được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào những nỗ lực cải cách của Chính phủ. Các bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm hoặc tăng hạng, trong đó, môi trường kinh doanh của nước ta được đánh giá cải thiện tích cực. Đơn cử, có 6/10 chỉ số môi trường kinh doanh của nước ta năm 2018 cải thiện so với năm 2014, cụ thể là các chỉ số về Tiếp cận điện năng (tăng 108 bậc), Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (tăng 42 bậc), Bảo vệ nhà đầu tư (tăng 28 bậc), Khởi sự kinh doanh (tăng 21 bậc), Tiếp cận tín dụng (tăng 4 bậc), Cấp phép xây dựng (tăng 1 bậc).

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, những nội dung được cải thiện chủ yếu tập trung vào các vấn đề được doanh nghiệp phản ánh thường xuyên, liên tục; các chỉ tiêu gián tiếp chưa được chú trọng cải thiện và một số chỉ tiêu không có chuyển biến, thậm chí tụt hạng, như chỉ số phá sản doanh nghiệp, Giải quyết tranh chấp hợp đồng. Bên cạnh đó, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động giữa các bộ, ngành, giữa bộ, ngành với địa phương, doanh nghiệp, một số cải cách còn hình thức, chưa thực chất, cùng với đó là thái độ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ nhiều lúc nhiều nơi còn gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp.

Đánh giá về việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2019, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều căn cốt là phải quản lý theo rủi ro. Theo đó, với doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm cao, hoặc ngành nghề nào có khả năng vi phạm cao thì phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và ngược lại, những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì phải giảm thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, Nghị quyết 02 có giao cho các bộ, ngành phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro và nếu làm được thì sẽ tác động rất tốt, khiến cho các doanh nghiệp có động lực kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, trước hết trong năm 2019 và năm tới việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cần có cách làm bài bản hơn, cần có quy chuẩn, tiêu chí xác định đặt ra điều kiện kinh doanh thế nào là phù hợp và không phù hợp. Thứ hai, cần có cơ chế công bố kiểm soát điều kiện kinh doanh, bởi hiện nay dù cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng làm sao để kiểm soát điều kiện kinh doanh không xuất hiện trở lại là chưa có tiêu chí. “Chỉ số gia nhập thị trường mặc dù tăng 21 bậc nhưng cần có sự đột phá mạnh mẽ hơn bởi Việt Nam mới chỉ được đánh giá tương đối tốt trong đăng ký doanh nghiệp. Bộ KH&ĐT cần là cơ quan chủ trì trong thực hiện nhiệm vụ này”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Nghị quyết 02 gắn rõ hơn trách nhiệm người đứng đầu của bộ, ngành, địa phương trong việc coi cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng âm ưu tiên và trực tiếp chỉ đạo. “Đây là bước thay đổi rất quan trọng của Nghị quyết 02 và chúng tôi đánh giá rất cao. Đồng thời Nghị quyết giao VCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp giám sát độc lập, đây là thay đổi quan trọng, theo đó, các bộ, ngành địa phương không phải cứ ban hành xong chương trình hành động là xong, mà phải xem người dân, doanh nghiệp hưởng lợi thế nào”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cần môi trường kinh doanh thuận lợi - an toàn

Nghị quyết 02 - tên gọi mới của Nghị quyết 19, được ban hành đầu năm 2019 tiếp tục đặt mục tiêu cho giai đoạn 2019-2021 là đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 ở tất cả các bảng xếp hạng. Không những “bình mới” mà “rượu cũng mới”. Theo đánh giá của các chuyên gia, những điểm mới của Nghị quyết 02 sẽ đem lại sự chủ động, tinh thần trách nhiệm trong thực thi chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, được biết, tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, với quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số và xã hội số. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, điều quan trọng nhất hiện nay trong chỉ đạo của Thủ tướng là hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp, vì thế, phải cung cấp các dịch vụ công để hướng tới người dân, doanh nghiệp. “Vấn đề rất quan trọng là, nếu chúng ta minh bạch trên nền điện tử, minh bạch trên hồ sơ từ trung tâm dữ liệu quốc gia, trung tâm dịch vụ công ở các tỉnh, địa phương, bộ, ngành thì chúng ta sẽ cắt giảm thời gian chi phí người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu, lợi ích…”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu đầu năm 2019 cũng khẳng định: Năm 2019 sẽ phải đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất, tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia đến từ CIEM, muốn khuyến khích người dân bỏ tiền ra đầu tư, Nhà nước cần đảm bảo môi trường kinh doanh không những thuận lợi mà còn phải an toàn. Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay. Sự chậm trễ, oan sai trong xét xử; hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm; hiện tượng không công nhận và tòa án hủy các phán quyết trọng tài khá tùy tiện... đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh. Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.

Bên cạnh đó, cũng theo đánh giá của CIEM, tình trạng phân biệt đối xử, nạn tham nhũng, các rào cản thủ tục hành chính, và đặc biệt là phong trào “doanh nghiệp sân sau” đang bủa vây những doanh nghiệp tư nhân làm ăn chân chính. Do đó, trong việc chống tham nhũng ở khu vực tư nhân, vai trò của Nhà nước là rất lớn. Nhà nước cần tạo một môi trường kinh doanh và các quy định của pháp luật đảm bảo tính minh bạch và khả thi để các chủ thể kinh tế có thể cạnh tranh lành mạnh, không dựa vào quan hệ hoặc sự bảo kê.

Như vậy, ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong năm 2019 cũng như những năm tiếp theo. Với tinh thần tăng tốc, sáng tạo, bứt phá để phát triển, kỳ vọng các Bộ trưởng, người đứng đầu các địa phương sẽ có những giải pháp đột phá, thiết thực để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư và phát triển.

Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Các doanh nghiệp thành lập mới rất khó khăn khi bước vào khởi nghiệp vì không có nhiều vốn, chỉ có ý tưởng kinh doanh nên ít nhận được hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều năm qua việc doanh nghiệp vay vốn tín dụng bằng tín chấp chưa được bao nhiêu, trợ giúp cho doanh nghiệp bằng quyền tài sản của doanh nghiệp chưa thực hiện được nhiều, chống hàng giả hàng nhái chưa được như mong muốn. Chứng nhận quyền tài sản liên quan sở hữu, sáng chế chưa thực thi để bảo vệ doanh nghiệp và chưa được coi là tín chỉ để ngân hàng cấp tín dụng. Mặt bằng sản xuất kinh doanh rất khó và nhiều khó khăn khác nữa. Môi trường kinh doanh như vậy rất khó cho doanh nghiệp khởi nghiệp, thành lập mới, cũng không tạo nên sự cuốn hút để hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp. Chưa kể, dù việc thanh tra, kiểm tra đã hạn chế nhiều nhưng hộ kinh doanh vẫn sợ hãi điều đó. Tôi cho rằng, hai nguồn quan trọng nhất để có 1 triệu doanh nghiệp là nguồn khởi nghiệp và chuyển đổi từ hộ kinh doanh, vì thế cần thực hiện tích cực, mạnh mẽ chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp và hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/dong-luc-but-pha-trong-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-99512.html