Động lực để nhà giáo yêu nghề

Dự thảo Thông tư quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông của Bộ GD&ĐT đưa ra với đầy đủ hệ thống các yêu cầu cơ bản đối với giáo viên phổ thông từ phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; đến năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ và năng lực phát triển quan hệ xã hội.

Hợp lý và thiết thực

Ở tỉnh Quảng Ninh, NGND Lưu Xuân Giới ghi nhận và đánh giá cao các chuẩn giáo viên được Dự thảo đưa ra, với 5 tiêu chuẩn nghề nghiệp và 15 tiêu chí cho giáo viên phổ thông. Ông phân tích: Với Tiêu chuẩn 1 về “Phẩm chất nghề nghiệp”, yêu cầu giáo viên phải yêu thương, tôn trọng, thân thiện với HS; giữ gìn đạo đức, uy tín, lương tâm nhà giáo. Điều này với nhà giáo là kim chỉ nam cho hành động, với một nhà giáo yêu nghề và trách nhiệm với nghề thì điều này hoàn toàn là hợp lý. Những ngày qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa nơi này, nơi kia có những nhà giáo chưa thực sự làm hết trách nhiệm của mình với nghề và học sinh.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng, đánh giá cao về Tiêu chuẩn 2 trong đó yêu cầu “Năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin”, đòi hỏi giáo viên có kiến thức, kĩ năng về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo và yêu cầu dạy học, GD. Lý giải về điều này, ông cho rằng: “Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thế giới đang bước vào cuộc CMCN 4.0 thì những yêu cầu trên là tất yếu đối với nhà giáo. GD HS hướng tới toàn diện và phát triển năng lực cá nhân thì nhà giáo không thể thiếu một trong những yêu cầu này. Học sinh của chúng ta liên tục đạt thứ hạng cao tại các kỳ thi quốc tế, Việt Nam cũng luôn đứng đầu trong các kỳ thi đánh giá HS quốc tế (PISA). Vậy các thầy cô giáo không có những kiến thức chuyên môn vững, ngoại ngữ tin học yếu thì sao kịp thời cuộc”.

Phân tích những mặt không thể thiếu của Tiêu chuẩn 3 về “Năng lực nghiệp vụ sư phạm”, với yêu cầu giáo viên có kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu của hoạt động dạy học và GD, thầy Võ Hoàng Khải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh - cho rằng: Chúng ta đang yêu cầu ngày càng cao về chất lượng GD, vậy thì những yêu cầu chi tiết nhằm đánh giá chính xác năng lực nghiệp vụ cũng như khả năng sư phạm của từng thầy cô giáo là việc cần thiết.

Tiêu chuẩn 3 cũng có mối liên quan đến tiêu chuẩn 4, đó là “Năng lực xây dựng, thực hiện môi trường GD dân chủ”, giáo viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bản thân, xây dựng và phát triển môi trường dân chủ trong nhà trường.

Ông lý giải, với một nhà trường là môi trường sư phạm, nghiệp vụ sư phạm của thầy cô giáo cũng có mối tương tác với việc xây dựng môi trường giáo dục dân chủ với bản thân và đồng nghiệp. Một giáo viên giỏi, chắc chắn cũng sẽ là một đồng nghiệp tốt và trường đó cũng chắc chắn là một môi trường dân chủ.

Các thầy cô đứng lớp nói gì?

Đồng tình với chuẩn nghề nghiệp được Dự thảo đưa ra, cô Vũ Thị Phượng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long (Quảng Ninh), cho rằng: Về chuẩn hiệu trưởng, so với chuẩn cũ, chuẩn mới đặt yêu cầu ở mức độ cụ thể, chi tiết sát với thực tiễn và đòi hỏi hiệu trưởng có phẩm chất, năng lực cao hơn. Hiệu trưởng phải độc lập, tự chủ, phát triển dẫn dắt nhà trường để thực hiện tốt quản lý nhà trường theo yêu cầu đổi mới CTPT sắp tới, như hướng dẫn giáo viên phát triển chương trình, tự chọn SGK, hướng dẫn dẫn dắt giáo viên trong việc quản lý hoạt động dạy học giáo dục theo mục tiêu của chương trình phổ thông mới…

Tuy nhiên, nhiều thầy cô giáo còn băn khoăn là các bước thực hiện như Bước 1: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tự đánh giá, xếp loại năng lực và lập kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng; Bước 2. Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Bước 3. Kết luận đánh giá, xếp loại năng lực hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông theo Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Hiệu trưởng kết luận cấp phó, thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên kết luận hiệu trưởng.

Những quy định này, là hoàn toàn hợp lý, đủ để đánh giá toàn diện từng cá nhân. Nhưng nhiều giáo viên cho rằng, kết quả thu được chưa chắc đã khách quan bởi lẽ những người tham gia đánh giá, vì nhiều lý do, là nhân viên, là giáo viên chưa chắc đã thẳng thắn đánh giá hiệu trưởng, nếu vậy việc đánh giá khó có thể đạt được hiệu quả thực chất. Thế nên, việc đánh giá là công khai hay bằng phiếu kín cũng là điều cần thiết, làm thế nào để các thầy cô giáo đánh giá lãnh đạo của mình một cách khách quan nhất.

Trong tiêu chuẩn 1 có phần đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của giáo viên với 3 tiêu chí. Nhiều giáo viên cho rằng dễ trùng lặp, không rõ ràng, nặng về định tính nên khó đánh giá. Việc lấy ý kiến của các bên liên quan do người trong đơn vị chủ trì, khó đạt được khách quan và bản thân những người tham gia ý kiến cũng chưa chắc đã thẳng thắn đánh giá thực chất; hơn nữa người đánh giá và người được đánh giá có thể bị mắc kẹt giữa sự chủ quan và phiến diện của chính mình khi đánh giá một phẩm chất chính trị hay đạo đức.

Cũng như vậy, trong tiêu chuẩn 2 với 3 tiêu chí, minh chứng cho các tiêu chí “có các chứng chỉ, bằng cấp”, minh chứng này chưa thể hiện rõ được trình độ chuyên môn nghiệp vụ của hiệu trưởng. Hay như minh chứng là các “bài báo, chuyên đề”, nhiều hiệu trưởng không có nhưng không có nghĩa là hiệu trưởng ít kinh nghiệm, bởi vì không phải hiệu trưởng nào cũng được điều động đi làm báo cáo viên và việc viết các bài báo còn phụ thuộc vào việc “Hiệu trưởng có sở thích viết báo hay không”.

Dĩ Hạ

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dong-luc-de-nha-giao-yeu-nghe-3926409-b.html