'Động lực mới' cho quan hệ Trung Quốc-châu Âu

Sau hai lần hoãn chuyến thăm Trung Quốc trong tháng 4 và tháng 7 năm nay, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới, thổi 'sức sống mới' cho mối quan hệ giữa các bên.

Những tính toán của châu Âu

Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại châu Âu, ông Josep Borrell đã đến Trung Quốc hôm 12/10 để bảo vệ chiến lược "giảm thiểu rủi ro" của châu Âu với đối tác thương mại chính của mình và đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh EU- Trung Quốc, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm. Chuyến thăm của ông Josep Borrell, bị hoãn hai lần trong năm nay, lần đầu tiên vào tháng 4 do vấn đề sức khỏe và lần thứ 2 vào tháng 7 do Bắc Kinh hủy bỏ vào phút chót, sẽ kéo dài đến thứ bảy và đề cập đến các chủ đề quan trọng như quan hệ song phương, các vấn đề quốc tế và thương mại.

Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại châu Âu, ông Josep Borrell đã đến Trung Quốc hôm thứ năm 12/10. Ảnh: Le Temp

Trọng tâm của chuyến thăm này có lẽ là việc EU đang muốn tìm ra một tiếng nói chung với Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và thương mại mà không nhất thiết phải nhờ sự hỗ trợ từ phía Mỹ. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh EU vừa công bố mở cuộc điều tra vào tháng 9 về cáo buộc viện trợ bất hợp pháp từ Bắc Kinh cho các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc. EU nói rằng biện pháp này là nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô điện châu Âu trước những chiếc xe được bán với “giá thấp giả tạo” trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, quyết định này ngay lập tức đã gây ra căng thẳng chính trị giữa 2 bên. Trung Quốc đã tố cáo cuộc điều tra, nhấn mạnh rằng đây không gì khác hơn là chủ nghĩa bảo hộ thuần túy và việc này sẽ làm tổn hại đến quan hệ thương mại với EU. Thế nên việc làm rõ vấn đề này là điều cần thiết.

Hơn thế nữa, Ủy ban Châu Âu ngày 3/10 cũng công bố danh sách bốn lĩnh vực chiến lược cần được giám sát và bảo vệ tốt hơn trước các quốc gia đối thủ như Trung Quốc gồm chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và công nghệ sinh học.

Một trong những mục tiêu của ông Josep Borrell lần này có lẽ là tìm ra một hướng đi mới cho châu Âu ít bị phụ thuộc hơn vào gã khổng lồ Trung Quốc, đặc biệt là về mặt kinh tế và công nghệ, với việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ về thương mại, khí hậu và thậm chí cả nhân quyền. Đồng thời, như Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula vonder Leyen cho biết trước đó, EU muốn gửi thông điệp đến Bắc Kinh rằng châu Âu chỉ muốn “giảm thiểu rủi ro” với Trung Quốc chứ không muốn “tách rời”, thuật ngữ sau ám chỉ sự rạn nứt trong quan hệ song phương.

Ngoài ra, quan hệ Trung-Âu đã căng thẳng kể từ khi cuộc xung đột Nga- Ukraina nổ ra. Việc ông Josep Borrell đến Trung Quốc lần này cũng mở ra hy vọng về việc hàn gắn lại quan hệ song phương và tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề Ukraina hiện nay. Không những thế, chuyến thăm của ông Josep Borrell diễn ra chỉ vài ngày sau khi nổ ra cuộc xung đột Israel-Hamas. Thế nên, ngoài vấn đề Ukraina, hai bên cũng sẽ đàm phán về các vấn đề địa chính trị thế giới và trọng tâm có lẽ là giải pháp cho vấn đề xung đột Israel-Hamas.

Trung Quốc kỳ vọng gì về chuyến thăm của ông Borrell?

Chuyến thăm lần này của ông Borrell diễn ra trong bối cảnh EU đang điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc, cũng như xuất hiện một số vấn đề trong quan hệ song phương. Giữa tháng 9, EU tuyên bố mở một cuộc điều tra về các cáo buộc Trung Quốc trợ cấp cho ngành ô tô điện trong nước. Bên cạnh đó, EC cũng công bố danh sách 4 lĩnh vực chiến lược trọng yếu sẽ được tăng cường giám sát trước các đối thủ cạnh tranh, trong đó có Trung Quốc.

Mới đây ngày 3/10, Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã thông qua nghị quyết trừng phạt đối với các quốc gia sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây sức ép cho các thành viên của EU. Nghị quyết này cũng được xem là nhắm đến Trung Quốc khi áp dụng các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với Litva, một thành viên của EU vì nước này đã cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện ngoại giao tại đây.

Do đó, đối với chuyến thăm lần này của ông Borrell, ở cấp độ song phương, Trung Quốc sẽ đưa ra quan điểm của mình về các chính sách gần đây của EU đối với Trung Quốc, điều chỉnh một số nhận thức sai lệch của EU về nước này, đồng thời tránh để một số khái niệm và chính sách mà EU đơn phương đưa ra gần đây gây thêm căng thẳng giữa hai bên. Chẳng hạn, việc EU đưa ra khái niệm “giảm rủi ro” chính xác có ý nghĩa gì ở cấp độ chính trị và ngoại giao. Việc “giảm rủi ro” hiện nay chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và công nghệ, nhưng “sự giảm rủi ro” tiếp theo sẽ mang lại điều gì, gây ra hậu quả gì và liệu có đi chệch hướng hay gây rủi ro hơn ở phạm vi chiến lược và ngoại giao hay không. Bên cạnh đó, Trung cũng sẽ nêu các quan điểm đối với những vấn đề song phương vừa diễn ra thời gian vừa qua.

Ở cấp độ đa phương, Trung Quốc sẽ một lần nữa làm rõ lập trường của mình trong cuộc xung đột Nga – Ukraine và cuộc xung đột mới đây nhất giữa Israel và Palestine. Trung Quốc và châu Âu có những khác biệt về hai vấn đề này, tuy nhiên hai bên sẽ có thể hợp tác trong một số vấn đề nhỏ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 11/10 cho biết, năm nay đánh dấu kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và EU. Kể từ đầu năm nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU thường xuyên trao đổi, đối thoại và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, ở mọi cấp độ được thực hiện một cách toàn diện, quan hệ Trung Quốc và EU đã cho thấy đà phát triển tích cực.

Trung Quốc mong muốn cùng với EU kiên trì định vị quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tăng cường trao đổi chiến lược và phối hợp chính sách, tăng cường tin cậy lẫn nhau, mở rộng hợp tác, khắc phục can thiệp, xử lý đúng đắn những khác biệt và mang lại lợi ích tốt hơn cho người dân hai bên.

Lợi ích khi Trung Quốc-EU cải thiện quan hệ song phương

Trung Quốc và EU là hai lực lượng toàn cầu lớn, hai thị trường lớn và hai nền văn minh lớn, do đó, quan hệ giữa Trung Quốc và EU được cải thiện có tác dụng trong việc mang lại lợi ích song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại. Việc Đại diện cấp cao Borrell đến thăm Trung Quốc, cùng tổ chức vòng đối thoại chiến lược cấp cao Trung Quốc – EU mới, được xem là sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ giữa hai bên, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của quan hệ cấp cao Trung Quốc – EU.

Ở cấp độ đa phương, sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra, mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, một Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trên trường quốc tế luôn là chủ đề mà châu Âu nhắc tới tại nhiều chương trình nghị sự nội khối. Với việc quan hệ giữa Trung Quốc và EU được cải thiện sẽ có tác dụng trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới, thúc đẩy phát triển thịnh vượng toàn cầu cũng như thúc đẩy tiến bộ nền văn minh của loài người, chẳng hạn như cùng chung tay tìm ra các giải pháp chính trị giải quyết vấn đề Ukraine, xung đột Israel và Palestine, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế khác.

Mặc dù còn nhiều khác biệt và thách thức trong quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu, tuy nhiên hy vọng rằng Trung Quốc và châu Âu có thể thoát khỏi những cú sốc và tiêu cực trong vài năm qua, trở lại ổn định bao gồm cả sự ổn định trong quan hệ kinh tế, thương mại, ở cấp độ chiến lược và ngoại giao. Việc nối lại cơ chế liên lạc hiện có như Đối thoại chiến lược cấp cao Trung Quốc – EU là nhằm đạt được mục tiêu này. Việc EU điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc đã mang lại nhiều biến động và rủi ro hơn cho quá trình này, tuy nhiên, sau một thời gian hợp tác, hai bên có thể tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực mới. Một mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU lành mạnh, ổn định và phát triển có lợi cho hai bên và toàn cầu.

Anh Tuấn/VOV-Paris, Tuấn Đạt/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dong-luc-moi-cho-quan-he-trung-quoc-chau-au-post1052230.vov