Động lực mới thoát nghèo

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 (sau đây gọi là Chương trình giảm nghèo) với tổng nguồn vốn 75.000 tỷ đồng. Cùng với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi giai đoạn 2021- 2030 và Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, đây thực sự là luồng sinh khí, động lực mới cho công tác giảm nghèo bền vững.

Đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống..., Chương trình giảm nghèo được triển khai trên phạm vi cả nước, trọng tâm là 70 huyện nghèo và 200 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, với quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở mức 1-1,5%/năm và tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mục tiêu trên hoàn toàn khả thi. Bởi, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, trở thành điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Việt Nam là một trong 30 quốc gia trên thế giới áp dụng phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” với chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện, nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng. Nhờ đó hơn 8 triệu người đã thoát nghèo, cả nước chỉ còn 2,75% hộ nghèo.

Đặc biệt, công tác giảm nghèo đã có những bước tiến quan trọng về tư duy nhận thức và hành động. Từ chỗ ngân sách nhà nước phải đảm bảo hoàn toàn để triển khai giảm nghèo, đến nay, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt, người dân, hộ nghèo là chủ thể.

Tuy nhiên, chỉ ra những bất cập khiến kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn trên 24%..., nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn tới phải khơi dậy được khát vọng và tạo động lực để hộ nghèo, vùng nghèo sớm thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Thực tế, trong giai đoạn 2016-2020, Nhà nước dành tới 74% nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với quan điểm hạ tầng phải đi trước một bước. Đây là một quan điểm đúng nhưng chưa toàn diện khi số hộ thoát nghèo vẫn chưa đạt như mong muốn.

Rõ ràng, hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng mà điều quan trọng hơn, cốt lõi hơn là phải thiết kế được những chính sách mềm, dựa trên nhu cầu của người dân và cần thay đổi cách tiếp cận, chuyển người nghèo, hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể, coi đây là đòn bẩy để giảm nghèo.

Theo nhiều chuyên gia, Chính phủ cần tiếp tục bãi bỏ các chính sách hỗ trợ mang tính bao cấp, cho không, làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ... Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn bản thân người nghèo, hộ nghèo phải cố gắng chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo.

Muốn vậy, Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tới cần tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, quan tâm phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương, tạo ra những sản phẩm có tiềm năng phát triển cho những vùng nghèo.

Ban Chỉ đạo chung cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương và ở địa phương cần rà soát, tối ưu hóa các giải pháp triển khai thực hiện các đề án, tiểu đề án để tránh trùng lắp về nội dung, địa bàn, nguồn lực đầu tư và đối tượng thụ hưởng; từ đó đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Ngoài ra, khuyến khích các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương và thu hút đầu tư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-luc-moi-thoat-ngheo-post442146.html