Động lực mới từ cải cách tiền lương

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết là phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2021 thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm.

Việc cải cách tiền lương công chức phân theo vị trí công việc thay vì bằng cấp, thâm niên sẽ tạo ra cơ chế tiền lương minh bạch, công bằng.

Trả lương theo năng lực, vị trí việc làm không còn là câu chuyện mới, nó được nhắc đến từ lâu, thế nhưng dù trải qua nhiều lần cải cách tiền lương vẫn chưa thể thực hiện được. Dù sau 4 lần cải cách với 14 lần điều chỉnh lương cơ sở nhưng mức tăng lương chủ yếu chỉ đủ bù trượt giá, chưa bảo đảm nhu cầu sống cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, hệ thống lương hiện nay không cho thấy sự khác biệt trong cơ chế trả lương cho các loại công việc khác nhau. Việc tăng lương cũng diễn ra cào bằng, chủ yếu dựa vào thâm niên và bằng cấp chứ không dựa vào công việc, chức vụ được giao đảm nhận. Sự cố hữu trong tăng lương dựa vào thâm niên đã tạo ra những hệ lụy tiêu cực như tham ô, tham nhũng, thu nhập ngoài lương cao hơn thu nhập chính và tạo ra sức ì lớn cho công chức thực hiện công vụ.

Cùng với đó, cơ chế làm việc suốt đời khó sa thải dù năng suất làm việc chưa cao phần nào hình thành lối suy nghĩ an phận mà không chú ý đến việc trau dồi kỹ năng, tự học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ. Chính vì vậy khi Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được ban hành đã nhận được sự đồng tình mạnh mẽ của người dân. Đây được xem là quyết định có tính lịch sử nhằm tạo ra những đột phá trong chính sách tiền lương.

Đánh giá về cải cách tiền lương công chức, là người có thâm niên về nghiên cứu chính sách tiền lương, ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH thừa nhận cải cách tiền lương là vấn đề khó khăn, phức tạp nhưng không vì khó mà không làm. Trong suốt quá trình cải cách, vấn đề khó khăn nhất chính là ở khu vực công, chính vì vậy việc cải cách tiền lương công chức phân theo vị trí công việc thay vì bằng cấp, thâm niên sẽ tạo ra cơ chế tiền lương minh bạch, công bằng.

Cũng giống như khu vực nhà nước, cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp cũng là một trong vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhờ đó chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp đã từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước giảm dần sự can thiệp hành chính, quản lý tiền lương thông qua quy định mức lương tối thiểu vùng là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế. Thay đổi cơ chế xác lập mức lương tối thiểu vùng, từ ấn định của Nhà nước sang dựa trên kết quả thương lượng 3 bên thông qua Hội đồng Tiền lương quốc gia. Dù là nước được đánh giá có tốc độ tăng lương tối thiểu cao trong khu vực nhưng trong nhiều cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng, mức lương người lao động Việt Nam thấp hơn Lào và Campuchia.

Điều chỉnh lương tối thiểu vùng phù hợp với điều kiện doanh nghiệp; sống được bằng lương vốn là điều mong muốn bấy lâu của người lao động và doanh nghiệp. Nhưng thực tế sau nhiều năm, vì nhiều lý do, đến nay mong mỏi này vẫn chưa thành hiện thực.

Xuất phát từ thực tế nói trên để có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu đến năm 2021 thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và đến năm 2020 khu vực doanh nghiệp có mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức gắn với từng vị trí việc làm để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền phù hợp với quy định của Đảng và của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức để làm căn cứ xây dựng và thực hiện chế độ tiền lương mới.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng yêu cầu các Bộ đề xuất và phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập...

Rõ ràng đổi mới chính sách tiền lương là vấn đề không đơn giản, nhất là khi việc cải cách chính sách tiền lương liên quan đến nhiều cơ chế, chính sách, ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp nhân dân, các đối tượng trong xã hội. Tuy nhiên với quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ việc cải cách tiền lương sẽ tạo ra một động lực mới khi mà tiền lương sẽ là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ.

Lê Minh Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/dong-luc-moi-tu-cai-cach-tien-luong-tintuc413372