Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn?

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mặc dù tăng trưởng năm 2018 và 10 tháng năm 2019 khá ấn tượng nhưng nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ không duy trì được mức tăng trưởng đó, bởi các động lực phát triển đang bộc lộ sự bất ổn. Bên lề Hội thảo 'Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng' tổ chức mới đây, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt

PV: Tăng trưởng kinh tế thời gian qua được đánh giá là rất ấn tượng, ông có chung đánh giá đó không?

Ông Nguyễn Đình Cung: Từ năm 2016 trở lại đây, trong năm 2019 nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nhìn chung phát triển tương đối ổn định và có cải thiện khá rõ nét. Năm 2019, các chỉ số nhìn chung đều tăng như GDP tăng 6,98% trong 9 tháng; xuất khẩu tăng 7,4% trong 10 tháng; FDI tăng khoảng 26% (tính đến ngày 20-10)... Dự báo cả năm 2019, GDP có thể tăng 7,02%, khá cao so với con số dự báo là 6,82% được CIEM đưa ra 3 tháng trước.

PV: Theo ông, động lực nào làm cho kinh tế tăng trưởng khả quan như vậy?

TS Nguyễn Đình Cung: Đầu tiên là Chính phủ luôn luôn kiên trì sự ổn định. Điều đó rất quan trọng, vì ổn định được kinh tế vĩ mô thì tăng thêm lòng tin cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN). Chính phủ đã thực hiện hàng loạt những cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chưa bao giờ Thủ tướng chỉ đạo thực sự quyết liệt như thời gian gần đây, với những nghị quyết ban hành hết sức kịp thời, bao gồm cả những giải pháp tương đối cụ thể. Đó là nền tảng để đạt được kết quả như chúng ta đã nói.

Cụ thể hơn, khu vực kinh tế tư nhân đã khởi sắc. Đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân liên tục gia tăng, tốc độ tăng đầu tư tư nhân cao gấp nhiều lần so với đầu tư của DN FDI và của Nhà nước.

Điểm thứ hai là xuất khẩu tăng khá, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết hợp với đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng do tăng trưởng kinh tế ổn định.

Tôi cho rằng những yếu tố đó đã tạo ra động lực mới cho tăng trưởng và tăng trưởng dựa nhiều hơn vào khu vực kinh tế tư nhân, năng suất lao động...

Chỉ là tăng trưởng trong ngắn hạn

PV: Thưa ông, những yeeys tố đó có tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới?

TS Nguyễn Đình Cung: Nếu nhìn trong ngắn hạn đến thời điểm này thì có vẻ tương đối tốt. Nhưng nhìn tiếp theo trong thời gian tới thì thấy rằng, sự tăng trưởng có xu hướng chững lại.

Năm 2019, các chỉ số nhìn chung đều tăng như GDP tăng 6,98% trong 9 tháng, xuất khẩu tăng 7,4% trong 10 tháng, FDI tăng khoảng 26% (tính đến ngày 20-10)... Dự báo cả năm 2019, GDP có thể tăng 7,02%, khá cao so với con số dự báo là 6,82% được CIEM đưa ra 3 tháng trước.

Xuất khẩu tăng 7,6% nhưng nhìn vào cơ cấu cho thấy, xuất khẩu rất bấp bênh và rủi ro lớn, bởi chủ yếu vào thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt gần 50 tỉ USD trong 10 tháng năm 2019, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi hai thị trường lớn khác là châu Âu giảm gần 2% (đạt hơn 34 tỉ USD), Trung Quốc giảm 2,9%, (đạt hơn 32 tỉ USD).

Đầu tư Nhà nước và FDI không còn là động lực tăng trưởng do giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, dù tăng 5,3% trong 10 tháng năm 2019, đạt hơn 60% kế hoạch, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2018 tăng 12,1%, đạt hơn 70% kế hoạch). Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài có thể tăng 26% nhưng đó chỉ là tăng về dự án, còn số vốn đăng ký mới lại giảm tới hơn 14%, vốn đăng ký bổ sung giảm hơn 16%, quy mô các dự án cũng giảm. Điều đáng nói là trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2019 không có Mỹ và EU mà có Hàn Quốc (đứng đầu về danh sách đầu tư tại Việt Nam), Trung Quốc (đứng thứ 2)... Trong khi Mỹ và EU mới là những quốc gia có thể chuyển giao công nghệ hiệu quả.

Dây chuyền sản xuất Đạm Cà Mau

Dây chuyền sản xuất Đạm Cà Mau

PV: Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô thì các động lực tăng trưởng vẫn sẽ không giảm?

TS Nguyễn Đình Cung: Có thể là như vậy, nhưng thực tế, tốc độ cải cách, không khí cải cách có vẻ đang trùng xuống, ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế. Các bộ nói rằng đã cải cách hết trong năm 2017-2018 rồi, bây giờ không có gì làm nữa, nhưng thực tế còn rất nhiều dư địa để cải cách. Năm 2017-2018 có nhiều áp lực từ bên ngoài, bên trong rất mạnh mẽ đến mức không thể không cải cách. Mới đạt được thành công như thế, tâm lý đã trùng xuống, trong khi việc triển khai những cải cách tiếp theo rất quan trọng, tác động đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Coi DNNN là công cụ kinh doanh

PV: Vậy theo ông, phải thực hiện các giải pháp nào để tăng động lực phát triển kinh tế?

TS Nguyễn Đình Cung: Thứ nhất về đầu tư nước ngoài, chúng ta phải thực hiện hai giải pháp cùng lúc: Tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn; chủ động mời, chào đón những nhà đầu tư có chất lượng, thậm chí sang bên họ thảo luận, trao đi đổi lại nhiều lần để họ hiểu mình hơn và mình hiểu họ hơn, từ đó có những thỏa thuận phù hợp với nhà đầu tư tiềm năng, có chất lượng, đặc biệt là nhà đầu tư công nghệ cao, thu hút họ đến Việt Nam.

Tiếp theo, chúng ta phải cải cách khu vực kinh tế Nhà nước. Phải nói rằng, 5 năm qua đã có nhiều cải cách rất rõ nét, nhưng riêng cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thì chỉ được một việc, đó là thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN. Nhưng Ủy ban lại không thực hiện được như mong muốn.

Có lẽ sự thay đổi không thể chỉ cổ phần hóa DNNN. Vì nếu chỉ tập trung vào cổ phần hóa DNNN, chúng ta sẽ bị tắc. Nên làm nhiều hơn, mở rộng quyền tự chủ kinh doanh cho DNNN, đồng thời áp dụng khung quản trị theo thông lệ quốc tế. Hai giải pháp này phải làm đồng thời. Nếu không, chúng ta sẽ không kiểm soát được DNNN và DNNN không tự chủ được, dẫn đến có thể xảy ra những trường hợp như Vinashin và giả sử gặp trường hợp đó, chúng ta lại quay trở lại hành chính hóa trong quản lý đối với DNNN.

Trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2019 không có Mỹ và EU mà có Hàn Quốc (đứng đầu về danh sách đầu tư tại Việt Nam), Trung Quốc (đứng thứ 2)... Trong khi Mỹ và EU mới là những quốc gia có thể chuyển giao công nghệ hiệu quả.

Nếu hai giải pháp đó tiến hành đồng thời thì thị trường sẽ tác động đến động lực của DNNN, từ đó làm hoạt động của DNNN trở nên minh bạch hơn, bắt buộc phải niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khi DNNN hoạt động theo thị trường, có những thông lệ rõ ràng, thì giá trị thị trường của DNNN trở nên rất rõ ràng, khi đó cổ phần hóa rất đơn giản. Đó là bán cổ phần theo giá trị trường và khó có thể ai nói cái này đắt, cái kia rẻ, vì thị trường quyết định tất cả. Lúc đó, DNNN cổ phần hóa mới có thể phát triển được.

PV: Nhưng để làm được điều đó, nhiều ý kiến cho rằng, không nên coi DNNN như một tổ chức kinh tế để quản lý mà phải coi DNNN là công cụ kinh doanh. Ông có đồng ý với ý kiến đó?

TS Nguyễn Đình Cung: Đúng vậy. DNNN đang quản lý một khối tài sản rất lớn và sử dụng kém hiệu quả. Nếu chúng ta cải cách, làm bừng lên hiệu quả của khu vực DNNN, thì đó là động lực mạnh tăng trưởng kinh tế ít nhất trong 5 năm tiếp theo.

Một vấn đề nữa mà tôi muốn nói đến là hiệu quả sử dụng nguồn lực. Nếu chúng ta tăng được hiệu quả sử dụng nguồn lực, cũng với nguồn lực như thế, chúng ta vẫn có thể nâng được tăng trưởng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với hiện nay. Để làm được điều đó, phải cải cách để cho thị trường hoạt động tốt hơn, rộng hơn, cạnh tranh hơn. Chính một thị trường cạnh tranh hơn sẽ tạo động lực cho việc phân bố lại nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Và, cải cách thị trường chính là ở đất đai, tiền vốn, khoa học công nghệ, lao động...

Dệt may là một trong những nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất

Phát triển hệ thống thị trường, nhân tố sản xuất để cho thị trường nếu không đóng được vai trò quyết định thì cũng đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bố, sử dụng nguồn lực, thúc đẩy cạnh tranh... Nếu chúng ta không cải cách được điều đó thì không vốn hóa được đất đai, không chuyển dịch được nguồn lực từ nơi kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả hơn và cũng không làm sống động được DNNN, không làm cho DN tư nhân phát triển được, vì không thể tiếp cận được những nguồn lực một cách công bằng.

Hiểu đúng về quản lý hậu kiểm

PV: Như ông đã phát biểu tại nhiều cuộc hội thảo, để cải cách kinh tế, trước hết phải thay đổi tư duy, nâng cấp mức độ thị trường của nền kinh tế?

TS Nguyễn Đình Cung: Rất nhiều sự thay đổi cần phải có. Nhưng về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần thay đổi tư duy, cách thức quản lý...

Cách thức quản lý Nhà nước của chúng ta hiện nay là theo kiểu kiểm soát tất cả mọi mặt, DN làm gì tôi cũng phải biết. Cho nên hệ thống thanh tra, kiểm tra dày đặc, làm méo mó thị trường, làm tăng độ nhũng nhiễu và tùy ý trong triển khai thực hiện của các cơ quan có liên quan, làm gia tăng mức độ rủi ro của DN, làm gia tăng chi phí tuân thủ... Tất cả những điều đó phải thay đổi.

Chúng ta vẫn nói đó là quản lý theo tiền kiểm, cần phải chuyển sang hậu kiểm. Hậu kiểm như mọi người thường hiểu là kiểm tra sau, nhưng không phải như thế. Hậu kiểm là để cho thị trường điều tiết nền kinh tế.

Nguyên tắc đầu tiên là Nhà nước không phải điều tiết nền kinh tế mà là thị trường điều tiết nền kinh tế. Sau đó, Nhà nước bổ sung khiếm khuyết của thị trường bằng cách quản lý trên cơ sở phân tích mức độ tuân thủ của DN và mức độ rủi ro của đối tượng quản lý, lĩnh vực quản lý. Những đối tượng nào có nhiều rủi ro đối với xã hội, Nhà nước tập trung vào đó để quản lý, giám sát. DN nào tuân thủ nhiều, cần theo dõi mức độ tuân thủ trong một thời gian, nếu DN tuân thủ gần như 100% thì không cần phải giám sát mà chỉ tập trung giám sát những DN hôm nay vi phạm, ngày mai cũng vi phạm. Quản lý Nhà nước hãy chuyển sang hình thức như vậy.

Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước đến DN không phải đi kiểm tra, thanh tra, mà giả sử có kiểm tra, thanh tra thì cũng theo hướng hỗ trợ DN tuân thủ đúng quy định pháp luật chứ không phải bắt lỗi DN để phạt. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ DN tuân thủ đúng pháp luật, thì người làm luật bao giờ cũng nghĩ đến chuyện tuân thủ thế nào dễ nhất. Nếu như cơ quan quản lý Nhà nước đến DN, kiểm tra để phạt, thì tâm lý người làm luật là phải thiết kế luật sao cho chèn vào một số điều khoản để DN khó tuân thủ, dễ vi phạm và bị phạt. Nhiều thứ tưởng như rất nhỏ nhưng làm thay đổi hẳn tư duy và cách thức ứng xử. Tư duy đó tưởng như rất đơn giản nhưng lại rất căn bản đối với cách thức quản lý Nhà nước.

PV: Theo ông, tăng trưởng năm 2020 của nước ta có thể đạt mức 7% như dự báo hay không?

TS Nguyễn Đình Cung: Hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí có thể tăng hơn nữa trong trung và dài hạn. Vấn đề là hành động của Chính phủ. Nếu muốn tăng 6%, có thể chỉ cần giữ nguyên mọi thứ như hiện tại. Nếu muốn tăng 7%, hành động phải thay đổi. Còn nếu muốn tăng 8 - 9%, hành động phải khác.

Theo tôi, có lẽ Thủ tướng Chính phủ phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn tinh thần cải cách để tăng lòng tin và độ hưng phấn của DN, đặc biệt là DN tư nhân trong nước, nơi đang có rất nhiều dư địa để tăng trưởng. Bên cạnh đó, nên thành lập Tổ công tác liên ngành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng để rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ các rào cản bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính chồng chéo, trùng lặp, không rõ ràng... trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

4 kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam

Tại Hội thảo “Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng”, có 4 kịch bản cho tăng trưởng của Việt Nam được đưa ra.

1. Kịch bản duy trì tăng trưởng GDP khoảng 6%/năm: GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương là hơn 14.900 USD/người/năm bằng với Hàn Quốc năm 1994, Malaysia năm 1995 và Trung Quốc năm 2017. Theo kịch bản này, đến năm 2045, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ hơn 31.500 USD, bằng Hàn Quốc năm 2011, Malaysia năm 2022 và Trung Quốc năm 2030.

2. Kịch bản tăng trưởng 7-8%/năm: Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hơn 17.700 USD, bằng Hàn Quốc năm 1996, Malaysia năm 2004 và Trung Quốc năm 2020. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày lập nước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng Hàn Quốc năm 2027, Malaysia năm 2033 và Trung Quốc năm 2037.

3. Kịch bản tăng trưởng theo giai đoạn 2021-2025, GDP tăng 7-8%/năm và giai đoạn 2025-2045 đạt 9-10%/năm: GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2030 hơn 19.500 USD, bằng Hàn Quốc năm 1999, Malaysia năm 2007, Trung Quốc năm 2021. Đến năm 2045, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 66.300 USD, bằng Hàn Quốc năm 2042, Malaysia năm 2043 và Trung Quốc năm 2044.

4. Kịch bản “mơ ước” GDP tăng liên tục 9-10%/năm: Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt hơn 22.200 USD, bằng Hàn Quốc năm 2002, Malaysia năm 2012, Trung Quốc năm 2024. Đến năm 2045, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt hơn 75.500 USD, vượt qua Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc tại thời điểm đó.

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dong-luc-nao-cho-tang-truong-kinh-te-trong-dai-han-555327.html