Động lực phát triển từ đô thị Hòa Lạc

Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 705/QĐ-TTg mới đây là căn cứ để Hà Nội xúc tiến kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án, hình thành đô thị vệ tinh đầu tiên trong 'chùm' đô thị theo quy hoạch. Với lợi thế lớn, đô thị Hòa Lạc được coi là cực động lực phát triển của Hà Nội.

Tòa nhà công nghệ cao Viettel của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, một trong 17 dự án đã và đang triển khai tại đô thị Hòa Lạc.

Hạt nhân thu hút đầu tư

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình “chùm” đô thị, gồm đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, trong số 5 đô thị vệ tinh, Hòa Lạc là cực động lực phát triển nhất của Hà Nội và vùng Thủ đô. Đây là hạt nhân trung tâm thu hút các dự án đầu tư mới, là đô thị vệ tinh đứng đầu về quy mô phát triển các khu công nghệ cao và công nghiệp sạch; đứng đầu về quy mô phát triển trung tâm y tế cấp vùng và cấp thành phố cũng như về quy mô phát triển đô thị mới, nhà ở. “Đô thị Hòa Lạc khi hình thành sẽ tạo động lực phát triển cho một vùng rộng lớn phía Tây Thủ đô”, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhận định.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, đô thị Hòa Lạc có nhiều dự án công nghệ cao được đầu tư, đồng thời có điều kiện rất thuận lợi về giao thông: Kết nối đô thị trung tâm theo Đại lộ Thăng Long; kết nối giao thông Bắc - Nam theo đường Hồ Chí Minh; kết nối với thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) bằng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình... Việc phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc với chức năng là trung tâm đô thị khoa học công nghệ, đào tạo sẽ là đòn bẩy, động lực phát triển rất lớn đối với Thủ đô Hà Nội; tạo ra sự hấp dẫn, thu hút dân cư từ vùng đô thị trung tâm chuyển đến sinh sống.

Đô thị hiện đại, đồng bộ

Theo quyết định phê duyệt, đô thị Hòa Lạc có quy mô khoảng 17.274ha, thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, có vai trò giảm tải chức năng và áp lực về dân số cho đô thị trung tâm, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội các quận, huyện ngoại thành... Dự kiến, đến năm 2025, dân số đô thị Hòa Lạc khoảng 150.000 người; đến năm 2030 và những năm tiếp theo tối đa khoảng 600.000 người. Trong đó, tỷ lệ dân số đô thị chiếm khoảng 85%.

Tổ trưởng Tổ công nghiệp - nông nghiệp - nông thôn, Phó Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc 2 (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) Lã Hồng Sơn cho biết, việc tổ chức không gian đô thị Hòa Lạc hiện đại, đồng bộ được định hướng tôn trọng các yếu tố tự nhiên để phát triển đô thị bền vững, gồm 2 vùng đặc trưng: Vùng lõi đô thị có quy mô 7.450,08ha (chiếm 43,1%) và vùng vành đai xung quanh đô thị (khu vực ngoại thị) có quy mô 9.823,92ha (chiếm 56,9%).

Theo đó, vùng lõi đô thị tập hợp các khu chức năng đặc thù và khu đô thị mới, với các trung tâm cấp vùng và khu vực, gồm: Khu công nghệ cao, Khu Đại học Quốc gia Hà Nội và các khu đô thị mới; hệ thống trung tâm công cộng, trung tâm y tế cấp vùng. Các khu chức năng đô thị được đan xen, kết nối bởi vành đai xanh theo điều kiện địa hình tự nhiên của dãy núi Viên Nam và sông Tích...

Vùng vành đai xanh được xây dựng theo mô hình nông thôn mới, gồm: Khu vực nông nghiệp phía Tây sông Tích; khu sinh thái rừng núi Viên Nam; vùng đệm xanh xung quanh sân bay Hòa Lạc kết nối với hồ Đồng Mô, rừng quốc gia Ba Vì. Vùng này chỉ xem xét bố trí các dự án phát triển khu nhà ở có quy mô trên 20ha bảo đảm mật độ xây dựng thấp, công trình thấp tầng.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh thông tin thêm, căn cứ Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc vừa được Thủ tướng phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội sẽ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu đô thị cho các khu chức năng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên đầu tư triển khai theo quy hoạch 2 dự án trọng tâm là Khu công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia Hà Nội, đặc biệt là hệ thống hạ tầng của 2 dự án này, làm tiền đề thúc đẩy các dự án phát triển đô thị khác. Song song đó là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; từng bước xây dựng các khu đô thị sinh thái và Khu đô thị Phú Cát - Hòa Thạch phù hợp tiến độ đầu tư Khu công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia Hà Nội, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động, sinh viên trong các dự án này...

Được biết, tại hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” tổ chức ngày 27-6 tới đây, Hà Nội sẽ giới thiệu Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu, xúc tiến việc ra quyết định đầu tư.

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/969745/dong-luc-phat-trien-tu-do-thi-hoa-lac