Động lực phát triển vùng Đông Nam Bộ

Bài 3:
YÊU CẦU TẤT YẾU TỪ THỰC TIỄN

BPO - Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước; là trung tâm của đổi mới, năng động, sáng tạo, “đầu tàu” kinh tế của cả nước... Nhận thức rõ những tiềm năng, lợi thế và khó khăn, thách thức đan xen, ngày 7-10-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có ý kiến cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết lúc này là chưa cần thiết; là sự ưu ái của Đảng và Nhà nước đối với vùng; không có nghị quyết vùng vẫn phát triển... Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh, đó là quyết định kịp thời, quyết định của tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Có hay không sự ưu ái?

Thực tế cho thấy quan điểm, mục tiêu, chiến lược phát triển vùng của Đảng và Nhà nước ta đã có từ lâu. Việc nhận diện và phát huy thế mạnh của từng vùng cho sự phát triển của cả nước là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn. Bởi trước đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành và Chính phủ cũng đã triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các vùng: Trung du, miền núi Bắc Bộ; đồng bằng sông Cửu Long và gần nhất là nghị quyết phát triển các vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng...

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển vùng Đông Nam Bộ là tất yếu khách quan nhằm tạo đột phá mới cho vùng. Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cuối năm 2022

Đặc biệt, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng phát triển vùng theo hướng: "Khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...". Vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24 là một trong những bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoàn toàn không có sự ưu ái nào. Ngoài ra, tình hình thế giới, khu vực và trong nước cũng như ở vùng Đông Nam Bộ hiện nay có nhiều thời cơ, thuận lợi, khó khăn và thách thức mới đan xen. Bối cảnh mới, tình hình đã thay đổi đòi hỏi phải có nghị quyết mới sát thực hơn nhằm đưa vùng phát triển, tiến nhanh, tiến kịp, tiến vững chắc, với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, xứng tầm là “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Ngày 23-10-2022, phát biểu tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tình hình thực tế đặt ra yêu cầu phải khẩn trương, nghiêm túc tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời nghiên cứu xây dựng, ban hành nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này, góp phần tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn phát triển mới”. Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, luôn là “đầu tàu”, động lực phát triển của cả nước trong hơn 36 năm đổi mới vừa qua.

Dẫn ra những điều này để thấy rằng, không phải đến nay, Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết số 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ. Nghị quyết lần này là sự kế thừa, phát triển mới Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, từ đó có những định hướng chiến lược cho vùng theo từng giai đoạn, thời kỳ cách mạng và phù hợp với xu thế, yêu cầu thực tiễn cũng như đặc trưng, lợi thế vùng.

Đây là một trong những nghị quyết vùng được triển khai sớm. Bộ Chính trị đánh giá đây là đầu tàu kinh tế của cả nước, đầu tàu chậm thì cả nước chậm. Việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết và Chính phủ đã triển khai chương trình hành động với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là cơ chế, thể chế cụ thể để vùng Đông Nam Bộ phát triển xứng tầm là “đầu tàu”. Nói như thế không có nghĩa là sự thiên vị, mà để thấy được vị thế đầu tàu của cả nước. Vùng vì cả nước, cả nước vì vùng. Để vùng thoát khỏi khó khăn, đưa ra những bài học cho các vùng khác học tập.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ TRẦN ĐÌNH THIÊN
nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn

Phát triển vùng và liên kết vùng để cùng phát triển, vận hành đoàn tàu cả nước chuyển bánh là vấn đề không mới và ai cũng biết rõ điều này, nhưng vận hành như thế nào cho hiệu quả và tạo thành khối thống nhất đưa đất nước phát triển xứng tầm thì không dễ. Ở tầm vĩ mô đó là sự liên kết giữa các vùng với nhau, trong vùng là liên kết giữa các tỉnh, thành với nhau. Phải có nhiều hơn nữa các buổi làm việc, hội nghị toàn vùng để cùng đánh giá tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, từ đó kết nối, hỗ trợ nhau, xây dựng nghị quyết cùng phát triển.

Như câu chuyện “Bó đũa” và tục ngữ có câu “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, việc liên kết vùng và giữa các vùng với nhau là vô cùng cần thiết. Tại hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, để liên kết vùng hiệu quả, phải có một “chỉ huy” vùng thực sự có quyền lực, tạo ra sự thống nhất. Đồng thời vùng phải có quy hoạch tốt, kịp thời để các tỉnh lấy đó làm căn cứ triển khai hoặc điều chỉnh quy hoạch địa phương nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế phát triển. Và việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24 lúc này là phù hợp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cùng đoàn công tác tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, Khu công nghiệp Minh Hưng III (thị xã Chơn Thành)

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24 lúc này là chưa cần thiết, hoặc không có nghị quyết vùng vẫn phát triển… Thế nhưng, đó chỉ là suy nghĩ thiển cận của một vài cá nhân nào đó. Bộ Chính trị đã thấy rất rõ, là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, nhưng sau hơn 17 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW về phát triển vùng Đông Nam Bộ, kinh tế - xã hội của vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm; tốc độ tăng năng suất lao động thấp; hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu và yếu, trở thành điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của vùng. Là vùng có ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng, phát triển của cả nước, vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24 lúc này là cần thiết. Bởi đầu tàu chậm thì cả nước chậm.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ sớm hơn một số vùng cho thấy Bộ Chính trị đã khẳng định được tầm quan trọng của vùng, không có sự ưu ái nào cả. Bởi lúc này nếu không tìm cách kích hoạt, lấy lại vị thế, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng và phát triển của cả nước.

Nếu nói Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24 là sự ưu ái cho vùng thì cũng tốt. Bởi không phải là sự ưu ái cho cá nhân mà cho cả vùng rộng lớn. Hơn nữa, Đông Nam Bộ mạnh thì cả nước mạnh. Các vùng, địa phương khác cũng lấy đó làm tin yêu. Bởi vì miền Đông mà đi lên thì đất nước được nhờ, xong miền Đông rồi đến miền Tây, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ... cứ như thế tất cả các vùng cùng đi lên. Vì vậy, đây không phải sự chiếu cố mà là sự tính toán hợp lý của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần
nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỷ lục Việt Nam

Rõ ràng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ lúc này là cần thiết, kịp thời, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Nghị quyết được đánh giá là “chìa khóa”, động lực quan trọng, tạo cơ chế, chính sách nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển nhanh và bền vững, cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường” vào năm 2045.

M.Nhâm - M.Luận - H.Thu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/142456/dong-luc-phat-trien-vung-dong-nam-bo