Động lực phát triển vùng Đông Nam Bộ

Bài 2:
KẾT TINH TRÍ TUỆ, VỮNG NIỀM TIN

BPO - Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị được đánh giá là “chìa khóa”, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới, góp phần tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ. Nghị quyết thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới và ý chí quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta đối với sự phát triển của vùng. Khi được triển khai, học tập nghị quyết, hầu hết cán bộ, đảng viên đều đánh giá cao chủ trương của Bộ Chính trị về việc ban hành nghị quyết phát triển vùng trong điều kiện hiện nay, nhất là sau những ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19.

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Nghị quyết số 24 đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng; kế thừa, bổ sung, phát triển các quan điểm của Nghị quyết số 53-NQ/TW thành những quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Nhiều nội dung trong nghị quyết thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, ý chí quyết tâm cao của Đảng nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỷ lục Việt Nam khẳng định, Nghị quyết số 24 tiếp tục xác định vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng của vùng Đông Nam Bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của vùng động lực phát triển lớn nhất, đầu tàu kinh tế của cả nước.

Đoàn công tác của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thăm sơ đồ tổ hợp Nhà máy CPV Food - Bình Phước tại khu B, Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước ngày 15-3-2023

Đoàn công tác của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thăm sơ đồ tổ hợp Nhà máy CPV Food - Bình Phước tại khu B, Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước ngày 15-3-2023

Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh: Cần phải đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Rất nhiều đảng viên khi được hỏi đều đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ. Các đảng viên cho rằng, nghị quyết đã tổng kết thực tiễn, nhận diện khó khăn, định hướng phát triển với những chỉ tiêu, con số rất cụ thể và phương hướng, giải pháp vừa mang tính dài hơi vừa phù hợp với thực tiễn để khơi thông nguồn lực. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các tỉnh, thành phố trong vùng xây dựng và ban hành các kế hoạch của địa phương mình vì sự phát triển chung.

Ông Đoàn Ngọc Châu, cựu chiến binh phường Thác Mơ, TX. Phước Long, tỉnh Bình Phước đánh giá cao những nội dung trong nghị quyết lần này. Ông Châu cho rằng, nghị quyết đã bám sát thực tiễn và xây dựng các định hướng chiến lược quan trọng, đặc biệt là quan điểm phát triển vùng Đông Nam Bộ phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. “Tôi cho rằng, là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng muốn phát triển bền vững, các tỉnh, thành trong vùng không thể tự bứt phá, phát triển độc lập theo hướng đi riêng. Hơn nữa, là đầu tàu kinh tế của cả nước, vùng phải có trách nhiệm dẫn dắt, nâng đỡ các vùng lân cận cùng phát triển. Thực tế đã chứng minh, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau” - ông Châu chia sẻ.

Bộ Chính trị yêu cầu cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Vùng phải đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao. Tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó lấy nội lực là quyết định, là chiến lược, cơ bản, lâu dài, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, nghị quyết góp phần nâng cao và nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn, nắm vững quan điểm đổi mới về tư duy, tầm nhìn và phát huy sự năng động, sáng tạo của tỉnh trong quy hoạch và phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ; tạo sự liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng bền vững hơn.

Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị là sản phẩm kết tinh từ trí tuệ tập thể đã được thực hiện công phu qua nhiều cấp, nhiều vòng, từ cơ sở lý luận đến thực tiễn, cập nhật, bổ sung các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển vùng Đông Nam Bộ. Nghị quyết là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính vì vậy, những tác động to lớn mà nghị quyết mang lại cho các địa phương vùng Đông Nam Bộ, trong đó có Bình Phước là hết sức quan trọng, góp phần hoàn thiện nội dung Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là cơ sở để tỉnh triển khai các chương trình hành động, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Bình Phước trong giai đoạn tới.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN TUỆ HIỀN

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Bộ Chính trị xác định phải đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương để Đông Nam Bộ trở thành hình mẫu tiêu biểu, hiệu quả cao trong hợp tác liên kết vùng. Lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng. Tăng cường liên kết vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách điều phối vùng hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và các nước tiểu vùng sông Mekong, ASEAN và thế giới.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Bình Phước tại hội nghị kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ diễn ra tại Bình Phước ngày 17-3-2023

Bà Nguyễn Thị Lương, Bí thư Chi bộ thôn 2, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng hiến kế: Để nghị quyết đi vào thực tiễn, biến khát vọng thành hiện thực phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của từng địa phương. Bởi trên cơ sở năng lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập thể ban lãnh đạo đứng đầu địa phương đó có kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết cụ thể, phù hợp, qua đó khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và chủ động thực hiện, tránh trông chờ, ỷ lại, “đứng núi này, trông núi nọ”.

Phát triển nhanh nhưng phải bền vững và gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt phải chú trọng nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất… Đặc biệt, để Đông Nam Bộ phát triển xứng tầm, mỗi địa phương phải xác định rõ những hạn chế, nguyên nhân đang kìm hãm sự phát triển. Để TP. Hồ Chí Minh thực sự là “trái tim” của vùng Đông Nam Bộ, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là giải quyết kịp thời ùn tắc giao thông, ngập cục bộ và mở rộng không gian cho sự phát triển. Các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh, khu - cụm công nghiệp và có sự phối hợp trong thu hút đầu tư, đảm bảo gắn với thế mạnh của mỗi địa phương và tạo thuận lợi cho sự phát triển chung của vùng.

“Nếu biết tổ chức hướng đi đúng, khai thác đúng thì miền Đông Nam Bộ sẽ trở thành nơi trù phú. Hiện nay, những nơi trù phú nhất của cả nước thì ở Đông Nam Bộ có tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng ý nghĩ của một con người, một tập thể lãnh đạo đã quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải có một chủ trương, một nghị quyết chính thức của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, tôi đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24. Nghị quyết đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho miền Đông Nam Bộ. Rồi đây, những thế mạnh của vùng sẽ được huy động tối đa cho sự phát triển”.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần
nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỷ lục Việt Nam

Với những định hướng mang tính chiến lược, căn cứ quan trọng để các tỉnh, thành chủ động phát huy nội lực phát triển trong mối quan hệ, liên kết vùng, Nghị quyết số 24 đã khơi dậy khát vọng phát triển, tạo ra xung lực mới, khí thế mới cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ.

M.Nhâm - M.Luận - H.Thu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/142417/dong-luc-phat-trien-vung-dong-nam-bo