Động lực tăng giá DBD còn lớn?

Giá cổ phiếu DBD của Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (HoSE: DBD) đã tăng liên tục từ cuối năm 2018 đến nay.

Cổ phiếu DBD vẫn đang nằm trong kênh tăng giá từ cuối năm 2018 đến nay.

DBD tiền thân là Công ty Dược-Trang thiết bị Y tế Bình Định, chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2014. DBD hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị y tế; nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế, dược phẩm; cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm. DBD đang sở hữu một Nhà máy sản xuất thuốc với 07 xưởng sản xuất, bao gồm 12 dây chuyền công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn GMP-WHO, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, DBD đạt doanh thu 552 tỷ đồng, giảm hơn 14% và lợi nhuận sau thuế 72 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, biên lợi nhuận gộp giảm xuống mức 33,5%, so mức 35,3% của cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ kết quả kinh doanh bán niên 2019 của DBD sụt giảm do giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng và giá đấu thầu ETC cũng như giá bán ở phân khúc OTC giảm.

Trong năm 2019, DBD đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 1.500 tỷ đồng và 200 tỷ đồng. Như vậy, DBD mới hoàn thành được gần 37% kế hoạch doanh thu và gần 45% kế hoạch lợi nhuận.

Tổng nợ phải trả 6 tháng đầu năm 2019 giảm hơn 10% so với cùng kỳ xuống hơn 488 tỷ đồng, nhưng vay nợ ngắn hạn lại tăng tới 58% lên 152 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu ở mức 961 tỷ đồng. Dù hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức gần 51%, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đến cuối quý 2 vẫn âm tới gần 41 tỷ đồng và DBD phải trả nợ gốc vay hơn 200 tỷ đồng trong kỳ, cho thấy áp lực trả nợ đối với DBD cũng khá lớn.

Trong giai đoạn 2019 – 2027, DBD sẽ đầu tư xây dựng thêm 3 dự án nhà máy mới. Trong đó DBD đang tiến hành xây dựng Nhà máy dược phẩm Bidiphar CNC để sản xuất thuốc điều trị ung thư. Theo dự kiến, nhà máy này sẽ được hoàn thành vào quý 4/2019.

Nếu so với các đối thủ trong nước, thì thuốc điều trị ung thư của DBD sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, do dây chuyền sản xuất của DBD đạt tiêu chuẩn GMP – WHO và có nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Bidiphar CNC được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn đối với DBD khi đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, hiện nay DBD đang gặp một số thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ nhất, việc Bộ Y tế có chủ trương giảm giá thuốc tại các cơ sở y tế Nhà nước sẽ khiến giá thuốc đấu thầu có xu hướng tiếp tục giảm, gây khó khăn cho DBD nói riêng và các doanh nghiệp tham gia đấu thầu khác.

Thứ hai, mặc dù DBD có kế hoạch tiếp tục mở rộng kênh phân phối OTC, nhưng do áp lực cạnh tranh gay gắt ở phân khúc này, buộc DBD sẽ tiếp tục phải giảm giá bán thuốc OTC. Điều này sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.

Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu DBD đã tăng tới hơn 22%, với khối lượng giao dịch bình quân khoảng 228.000 cổ phiếu/phiên. Kết thúc phiên giao dịch 20/9, DBD tăng 0,96% đóng cửa ở mức 52.800 đồng/cp.

Cổ phiếu DBD vẫn đang nằm trong kênh tăng giá từ cuối năm 2018 đến nay. Các chỉ số MACD, Stochastic… vẫn đang cho thấy động lực tăng trưởng. Trong khi MA50 vẫn đang cắt lên trên MA100 và MA200, cho thấy xu hướng tăng giá trung và dài hạn của DBD vẫn còn. Tuy nhiên, các chỉ số RSI, Stochastic, CCI… cả trên biểu đồ ngày, tuần đều cho thấy tín hiệu vượt mua. Điều này có thể dẫn tới áp lực chốt của các nhà đầu tư khi DBD ở vùng 53.000đ- 57.000đ/cp. Trong khi đó, mức 42.000- 45.000đ/cp đang là mức hỗ trợ quan trọng, đây được coi là vùng giá hấp dẫn của DBD.

Ngọc Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/dong-luc-tang-gia-dbd-con-lon-158185.html