Động lực tăng trưởng từ 'bứt phá số'

Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,6%, vượt kế hoạch đề ra. Kết quả tích cực này là tổng hợp của nỗ lực vượt khó, tăng tốc của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp, trong đó có sự đóng góp từ các giải pháp chuyển đổi số.

Nền tảng thanh toán thông minh thúc đẩy mạnh mẽ thói quen tiêu dùng thông minh

Nền tảng thanh toán thông minh thúc đẩy mạnh mẽ thói quen tiêu dùng thông minh

Thay đổi thói quen tiêu dùng

- Chị ơi, cửa hàng mình có thanh toán bằng chuyển khoản không ạ?

- Có ạ. Quý khách có thể chuyển tiền theo số tài khoản được dán ở quầy hoặc quét mã QR.

Cuộc trò chuyện giữa khách mua và người bán hàng tại một cửa hàng kinh doanh nông sản hữu cơ nhỏ trên phố Thống Nhất (TP Hải Dương) đã phần nào nói lên sự đổi thay trong ứng dụng công nghệ của nhóm ngành bán lẻ. Là một khách hàng, chị Phạm Ánh Nguyệt (TP Hải Dương) chia sẻ: “Còn nhớ chỉ 1 năm trước đây, khi mua sắm ở những cửa hàng nhỏ tôi thấy nhiều lúc khá bất tiện vì đột nhiên phát hiện số tiền mặt mình mang theo không đủ chi trả mà cửa hàng lại không có phương tiện để quẹt thẻ. Giờ đã khác, phần lớn những địa điểm mua sắm tôi đến đều chấp nhận thanh toán chuyển khoản, thậm chí có cả mã QR”.

Thay vì sử dụng tiền mặt, thói quen tiêu dùng của người dân đã và đang thay đổi mạnh mẽ sang giao dịch điện tử. Ngoài những tiện ích thiết thực mang lại trong các giao dịch, hạ tầng thanh toán ngày càng hoàn thiện từ phía các ngân hàng là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc hình thành thói quen này. Bà Đặng Thị Hải, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Hải Dương chia sẻ: “Cùng các ngân hàng khác trong tỉnh, đơn vị đã đẩy mạnh triển khai công nghệ phục vụ khách hàng, từ các phần mềm thanh toán cho đến hệ thống nhận diện khách hàng thông minh. Đây không chỉ là nỗ lực trong cuộc đua chuyển đổi số chung mà qua đó góp phần hoàn thiện nền tảng số. Hạ tầng thanh toán thông minh sẽ hình thành thói quen tiêu dùng thông minh”.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương cho thấy, 1 năm qua các ngân hàng trong tỉnh đã phát hành gần 3 triệu thẻ ngân hàng (tăng 15% so với cuối năm 2020); lắp đặt 319 máy ATM (tăng 11 máy), 1.045 máy POS (tăng 129 máy). Một số chi nhánh ngân hàng đã thực hiện mở tài khoản trực tuyến cho khách hàng cá nhân bằng phương pháp định danh điện tử eKYC.

"Vải Hải Dương lên sàn" là điểm nhấn rõ nét về ứng dụng thương mại điện tử của tỉnh trong năm qua

"Vải Hải Dương lên sàn" là điểm nhấn rõ nét về ứng dụng thương mại điện tử của tỉnh trong năm qua

Cùng hạ tầng thanh toán số, năm qua, các đơn vị, doanh nghiệp cũng ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử (TMĐT) và công nghệ thông tin. “Vải Hải Dương lên sàn” là điểm nhấn rõ nét nhất thể hiện nỗ lực đưa hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng lên các sàn TMĐT. Việc triển khai kế hoạch hỗ trợ hộ nông dân tiếp cận và ứng dụng TMĐT cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có trên 71.400 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, trên 80.700 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số cùng gần 300 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn.

Thúc đẩy hành trình số

Gam màu tươi sáng trong bức tranh chuyển đổi số của tỉnh không chỉ từ nền tảng thanh toán, TMĐT mà còn từ những nỗ lực hoàn thiện hạ tầng số. Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định, để xây dựng thành công chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số và xã hội số cần một hạ tầng số hiện đại.

Trên cơ sở đó, năm 2021, Hải Dương đã tập trung nguồn lực để triển khai đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định thứ tự ưu tiên triển khai nhóm dự án mang tính chất đầu tư cơ sở hạ tầng và các ứng dụng nền tảng phục vụ phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh; gồm xây dựng Trung tâm dữ liệu (DC), Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC), Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng (SOC).

Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng viễn thông, mạng lưới truyền dẫn nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng số (ảnh minh họa)

Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng viễn thông, mạng lưới truyền dẫn nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng số (ảnh minh họa)

Trước những thách thức của kỷ nguyên bùng nổ thiết bị thông minh kết nối internet vạn vật, công nghệ truyền thông di động thế hệ 5, hạ tầng số đang từng bước được tỉnh đầu tư, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu mới. Mạng lưới cáp quang đã được triển khai đến tất cả các xã, phường, thị trấn; 65% số gia đình sử dụng dịch vụ truy cập internet băng rộng, tốc độ cao. Toàn tỉnh hiện có 3.000 trạm BTS; 72% số dân dùng điện thoại thông minh. Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, năm qua, hàng nghìn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được tiếp nhận thông qua môi trường mạng, hàng trăm thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, 1 trong 4 vấn đề được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rút ra sau 1 năm nhìn lại, đó là Hải Dương đã đi đúng hướng với tư duy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Nhờ chuyển đổi số, Hải Dương có sự tăng trưởng, phát triển như năm vừa qua. Hết năm, GRDP của tỉnh đạt gần 149.100 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,6%, cao hơn kế hoạch đề ra.

Tính riêng khối bán lẻ, đến nay gần 100% trong tổng số hơn 2.000 doanh nghiệp thương mại và hơn 20% trong số hơn 30.000 cơ sở bán lẻ đã ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, tăng khoảng 30% so với năm 2020. Tốc độ ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tăng trưởng bình quân khoảng 20% trong nhiều năm qua. Qua đó góp phần giúp giá trị ngành bán lẻ năm 2021 đạt gần 4.600 tỷ đồng, xấp xỉ 3,1% GRDP, tăng hơn 280 tỷ đồng so với năm 2020.

HÀ KIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/dong-luc-tang-truong-tu-but-pha-so-194030