Động lực tăng trưởng từ FDI

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế trong nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế

Ba mươi năm mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã tranh thủ được nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thị trường xuất khẩu để phát triển nền kinh tế. Mặc dù vậy, doanh nghiệp (DN) trong nước đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn.

"Thay da đổi thịt"

Đánh giá về đóng góp của nguồn vốn FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết khu vực FDI đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và hình thành một số ngành, sản phẩm mới, tạo sự đa dạng và gia tăng mức độ tinh xảo, phức tạp trong các sản phẩm. Dòng vốn FDI đang có xu hướng chuyển dịch từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành, nghề có giá trị gia tăng cao hơn như sản xuất máy vi tính, các sản phẩm điện tử, quang học và các ngành dịch vụ cho sản xuất.

Các doanh nghiệp FDI đã lan tỏa công nghệ đến doanh nghiệp trong nước. Trong ảnh: Sản xuất nồi cơm điện tại một doanh nghiệp cơ khí ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn xuyên quốc gia như Samsung, LG, General Electric, Panasonic… đầu tư vào Việt Nam, đưa kinh tế nước ta tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh đã thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực và có tác động lan tỏa công nghệ nhất định tới khu vực DN trong nước.

Một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên… đã "thay da đổi thịt" sau 30 năm mời gọi FDI. Điển hình như tỉnh Bắc Ninh, chỉ trong 5 năm gần đây, nhờ những đóng góp từ nguồn vốn FDI, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 82% cơ cấu kinh tế tỉnh. Các dự án FDI ở Bắc Ninh được đánh giá cao về chất lượng nhờ sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn mang thương hiệu toàn cầu như Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Pepsico (Mỹ), ABB (Thụy Điển).

Tỉnh Bình Dương nhiều năm qua luôn đứng "top" đầu trên cả nước về thu hút FDI. Tính đến tháng 6-2017, địa phương này đã thu hút tổng cộng 2.946 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt hơn 27,4 tỉ USD. Về đối tác đầu tư, đến nay đã có hơn 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương với nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ.

Mặc dù 30 năm qua, dòng vốn FDI đã góp phần đáng kể vào nền kinh tế của cả nước, song cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm được giải quyết, khắc phục. Bộ KH-ĐT nhìn nhận liên kết của khu vực FDI với khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao, chuyển giao công nghệ chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Đặc biệt, tỉ trọng đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia còn thấp, đầu tư từ Mỹ, EU vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng.

Bỏ lỡ nhiều cơ hội

Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra sự kết nối giữa DN trong nước và DN FDI còn hạn chế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng thời gian tới, việc thu hút đầu tư cũng phải tạo điều kiện cho sự gắn kết giữa 2 khu vực này, tạo động lực cho DN trong nước phát triển, tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị.

Trả lời câu hỏi vì sao liên kết giữa DN FDI và DN trong nước vẫn rất yếu sau 30 năm, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho rằng DN Việt Nam lâu nay kinh doanh chủ yếu về giá, bán được ra nước ngoài nhờ làm theo giá rẻ nên khi DN FDI vào, nhất là các DN đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa tốt hơn thì mô hình kinh doanh của chúng ta không phù hợp. Thực tế, rất ít tập đoàn lớn nước ngoài chủ động "cầm tay chỉ việc" cho từng DN trong nước nên nếu DN thụ động ngồi đợi FDI chuyển giao công nghệ, đặt hàng thì dù là 20 năm hay 30 năm, DN Việt cũng rất khó tham gia được vào chuỗi sản xuất của FDI.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, DN muốn đứng được một chân vào trong chuỗi cung ứng thì phải tự lớn mạnh. Thời gian qua, DN Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tiên là khoảng năm 1998, giai đoạn 10 năm sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài. Thời điểm đó, nếu muốn, chỉ có DN nhà nước tham gia kết nối. "Nếu chúng ta đẩy mạnh cổ phần hóa để các DN nhà nước cạnh tranh trên thị trường trong giai đoạn đó thì câu chuyện đã khác" - ông Thành nói.

Cơ hội thứ 2 là Luật DN vào năm 1999 có tác động lớn, khai phá môi trường kinh doanh DN tư nhân, gỡ bỏ giấy phép con... nhưng chỉ vài năm sau, giấy phép con lại hình thành, DN tư nhân vừa thành lập, nhỏ bé nhưng quá nhiều rào cản nên không lớn lên được. Cơ hội thứ 3 là thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam nhưng bong bóng bất động sản, chứng khoán hấp dẫn hơn. DN thay vì tập trung vào hoạt động kinh doanh nòng cốt, xây dựng công nghệ để kết nối với FDI đầu tư thì lại đầu cơ vào lĩnh vực khác.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thời gian tới, thu hút FDI cần quan tâm đến chất lượng, có trọng tâm, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế. Thu hút đầu tư phải gắn với phát triển bền vững, có trình độ công nghệ cao hơn, thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu và tài nguyên quốc gia. Theo đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, logistics; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

Minh Chiến- Thái Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/dong-luc-tang-truong-tu-fdi-20181003225224165.htm