Động lực thể chế phải đi trước một bước

Tại Tọa đàm 'Đẩy mạnh chuyển đổi số để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia tầm nhìn năm 2050' ngày 29.5, các chuyên gia cho rằng động lực thể chế phải đi trước một bước để giúp ngành năng lượng chuyển đổi số nhanh hơn, bền vững hơn.

Ưu tiên chuyển đổi số

Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, năng lượng là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai. Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 cũng xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cung ứng điện...

Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương) Ngô Thúy Quỳnh cho biết, ngành năng lượng gồm ba trụ cột chính là dầu khí, than và điện; ngoài ra còn có năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Thời gian qua, ngành năng lượng đã có nhiều đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành, khai thác và sử dụng tài nguyên năng lượng.

Đối với ngành dầu khí, việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số được đánh giá là tiên tiến. Lĩnh vực thăm dò từ lâu đã có mức độ tích hợp dữ liệu cao, sử dụng các công nghệ tiên tiến. Trong khai thác dầu khí, công tác gia tăng thu hồi dầu luôn được chú trọng. Tuy nhiên, số lượng cảm biến không nhiều và số lượng tham số theo dõi còn hạn chế, làm cho việc tích hợp xử lý số liệu còn nhiều khó khăn. Công nghiệp khí cũng hạn chế trong việc áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Ngành than có những hạn chế hơn, tuy đã tích cực áp dụng công nghệ tự động hóa, tin học hóa song do đặc thù của ngành nên công nghệ khai thác, sản xuất còn thủ công, năng suất lao động chưa cao, cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế, thiếu đồng bộ.

Về phân ngành điện lực, các nhà máy thủy điện kết nối hệ thống điện quốc gia, công nghệ của các nhà máy còn rất hạn chế, do được đầu tư đã lâu. Các nhà máy nhiệt điện tận dụng được nhiều công nghệ mới, các thông số vận hành của các nhà máy được lưu trữ bằng phần mềm, vận hành trên nền tảng số phát triển hơn. Lĩnh vực truyền tải điện cũng có độ đa dạng cao hơn các loại công nghệ được ứng dụng.

Cần cơ chế khuyến khích

Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy cho rằng, chuyển đổi số ngành năng lượng đã có chủ trương, chính sách cụ thể nhưng cũng không tránh khỏi những rào cản. Đầu tiên là thiếu lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng về kỹ thuật số ở các cấp độ. Doanh nghiệp khó thu xếp nguồn vốn vì việc đầu tư hạ tầng số đòi hỏi sự đầu tư lớn. Quan trọng hơn là cơ chế chính sách ban hành chưa được đồng bộ, những quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật số chưa được ban hành đầy đủ và kịp thời.

Trước thực tế này, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và có cơ chế chính sách khuyến khích chuyển đổi số trong ngành năng lượng, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Vy cho rằng, động lực về thể chế phải đi trước một bước để mở đường cho chuyển đổi số ngành năng lượng. Ông đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần ban hành đầy đủ các cơ chế chính sách; tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến quá trình chuyển đổi để các doanh nghiệp sẽ dựa trên cơ sở đó thực hiện. Con người là nhân tố quyết định trong chuyển đổi số nên phải chuyển đổi nhận thức từ lãnh đạo, công nhân, viên chức. Bản thân doanh nghiệp cần có chiến lược chuyển đổi số, tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số…

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Xuân Huyên cho biết, ngành dầu khí đang đối mặt với thách thức dịch chuyển năng lượng và chuyển đổi số sẽ là giải pháp căn bản để Tập đoàn phát triển trong tình hình hiện nay. Ông Lê Xuân Huyên đề xuất công tác quản lý nhà nước cần bảo vệ thông tin, dữ liệu trên không gian mạng, bảo đảm tính bảo mật, đặc biệt với ngành dầu khí. Nhà nước nên ban hành khung pháp lý, có cơ chế thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trụ cột.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/dong-luc-the-che-phai-di-truoc-mot-buoc-i330737/